Năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN sẽ giảm xuống còn 30% từ mức 40% năm 2016. Về nguyên tắc, khi chi phí giảm thì giá thành sẽ giảm theo. Song, nhìn lại thị trường ô tô 2016, nhiều câu hỏi vẫn đặt ra rằng liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi về giá khi thuế giảm sâu?

Thị trường ô tô 2017: Người tiêu dùng hưởng lợi khi thuế giảm sâu?

tuyetnhung | 10/01/2017, 15:37

Năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN sẽ giảm xuống còn 30% từ mức 40% năm 2016. Về nguyên tắc, khi chi phí giảm thì giá thành sẽ giảm theo. Song, nhìn lại thị trường ô tô 2016, nhiều câu hỏi vẫn đặt ra rằng liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi về giá khi thuế giảm sâu?

Thị trường ô tô năm 2016 được nhận định là khá xáo trộn khi chịu tác động của các chính sách thuế. Cụ thể, từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm còn 40% so với mức 50% của năm 2015. Với mức giảm thuế nhập khẩu 10 điểm phần trăm, nhiều người kỳ vọng rằng giá xe nhập khẩu từ khu vực này sẽ giảm so với trước đây. Tuy nhiên, tình hình thị trường cho thấy rất ít xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực này sẽ được giảm thuế nhập khẩu theo cam kết lộ trình gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

2016: 2 chính sách thuế tác động “ngược”

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, Việt Nam nhập khẩu từ các nước ASEAN chủ yếu là những dòng xe bán tải như: Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara, Chevrolet Colorado, Mazda BT50, Isuzu D-Max, Mitsubishi Triton... Trong khi đó những năm qua, các mẫu xe bán tải chỉ chịu thuế nhập khẩu là 5% so với mức 50% của các dòng xe khác, theo đó thuế nhập khẩu giảm 10% sẽ không ảnh hưởng gì đến loại xe này.

Ngược lại, tất cả các mẫu xe bán tải bán trên thị trường có khả năng sẽ bị các hãng xe đẩy giá bán cao hơn so với giá năm ngoái vì cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới đối với xe nhập khẩu đã đẩy giá ô tô tăng lên (Cụ thể từ ngày 1.1.2016, nhà nước áp dụng cách tính thuế TTĐB mới khi tăng từ 3%-4% với dòngxe có dung tích từ 3.0-4.0Lđối với ô tô theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP, khiến giá xe trong nước, đặc biệt là xe nhập khẩu sẽ tăng thêm từ 1,2 đến 5%).

Trong khi đó, một số dòng xe khác thì có rất ít mẫu xe được nhập khẩu từ khu vực ASEAN do các liên doanh ô tô hiện nay là nhà lắp ráp nhưng đồng thời cũng là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu tương ứng, vì vậy sẽ không nhập các mẫu xe có tiềm năng cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.

Với những dòng xe sang như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Lexus, Land Rover, Infinity, Porsche, Cadilac,... có nguồn gốc nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản hay các nước châu Âu, Mỹ đều không có cơ hội hưởng thuế nhập khẩu 40% từ khu vực ASEAN.

Các dòng xe phổ thông với các thương hiệu Toyota, Ford, Honda, Isuzu, Mazda, Kia... đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước bởi thuế nhập khẩu bộ linh kiện những dòng xe này chỉ khoảng từ 15-25%, thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Như vậy, thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm nhưng thuế TTĐB lại tăng đã đã ảnh hưởng lớn đến thị trường ô tô trong nước 6 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 49,9 nghìn xe trị giá hơn 1,21 tỉUSD, giảm 9,1% về lượng và giảm 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.

Từ ngày 1.7.2016, chính sách thuế TTĐB của Việt Nam đã thay đổi, trong đó thuế TTĐB các loại xe dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ được giảm từ 5% -15% ngay từ thời điểm Luật Thuế TTĐB được áp dụng. Ngược lại, xe dung tích cao từ 2.5L lên 6.0L sẽ tăng lên từ 15 - 60% so với trước.

Như vậy, với biểu thuế suất TTĐB mới kể từ ngày 1.7, các dòng xe ô tô có dung tích nhỏ dưới 2.0L được nhập khẩu về Việt Nam có khả năng giảm giá và có thể tạo ra cơ hội cho nhiều người có mức thu nhập không cao mua được xe. Trong khi đó, phân khúc xe hơi có dung tích lớn lại đội giá lên rất cao so với hiện tại, sẽ khiến không ít khách hàng và các nhà phân phối xe sang cảm thấy ái ngại khi mức thuế đã đẩy giá dòng xe này lên cao.

Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ô tô, việc thay đổi chính sách thuế TTĐB đã ảnh hưởng đến thị trường ô tô và phân hóa loại hình nhập khẩu ô tô thời gian qua.

"Nhiều dòng xe nhỏ, dung tích thấp và có tiêu chuẩn khí thải euro 2 đã được xuất khẩu mạnh vào Việt Nam từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Còn các dòng xe ô tô dung tích cao, có tiêu chuẩn khí thải cao như Euro 4 lại hạn chế vào Việt Nam do giá cao", vị đại diện này cho biết.

2017: Thuế hạ sâu, giá xe có giảm?

Theo lộ trình gia nhập AFTA, từ 1.1.2017, thuế ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm xuống còn 30% từ mức 40% năm 2016. Tính toán cho thấy, với mức giảm thuế này thì chi phí cho mỗi chiếc ô tô nhập về Việt Nam sẽ giảm được từ 500 - 1.000USD.

Các chuyên gia đầu ngành nhận định, lúc này giá xe nhập khẩu sẽ ở mức ngang ngửa với giá xe lắp ráp trong nước. Do đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn về giá, buộc các nhà lắp ráp nội địa phải có những bước tính toán như hạ giá thành. Ngoài ra, năm 2017 cũng được ví như “bước đệm” cho các nhà nhập khẩu ô tô trong việc thăm dò các sản phẩm mới nguyên chiếc.

Bởi lẽ, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. Thuế TTĐB với dòng xe từ 1.5L trở xuống cũng giảm từ mức 40% hiện nay xuống còn 35% và xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.0L được giảm từ mức 45% hiện nay xuống còn 40%, lúc đó giá xe trong phân khúc này sẽ giảm mạnh.

Theo đó, nhiều dự đoán cho rằng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi không chỉ về giá thành mà còn đa dạng trong sự lựa chọn về mẫu xe, vì các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào việc đổi mới phân khúc xe từ 2.0L trở xuống.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường ô tô 2017: Người tiêu dùng hưởng lợi khi thuế giảm sâu?