Dù góp phần hiện đại hóa đất nước, nhưng những người thợ xây dựng Trung Quốc phải ‘cày’ đến già, không được thụ hưởng những phúc lợi xã hội ở những thành phố mà họ giúp chuyển mình.

Thợ xây dựng Trung Quốc: Phải ‘cày’ đến già!

17/05/2017, 15:34

Dù góp phần hiện đại hóa đất nước, nhưng những người thợ xây dựng Trung Quốc phải ‘cày’ đến già, không được thụ hưởng những phúc lợi xã hội ở những thành phố mà họ giúp chuyển mình.

Thợ xây dựng Trung Quốc vất vả - Ảnh: The Wall Street Journal

Báo The Wall Street Journal ghi nhận chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng sự thịnh vượng cho toàn thể công dân nước này. Bắc Kinh đã hứa cải thiện điều kiện sống ở lĩnh vực xây dựng và cho vùng nông thôn nghèo khó, nhưng những cải thiện này khó thể xảy ra đúng thời điểm để những năm cuối đời của cánh thợ xây dựng được đỡ vất vả.

Công việc dơ bẩn, vất vả và nguy hiểm...

Theo dữ liệu chính phủ Trung Quốc, trong toàn bộ lực lượng lao động nhập cư sinh trước năm 1980, khoảng 30 % lao động ở mảng xây dựng, và họ thiếu tay nghề trong một nỗ lực nổi tiếng nhiều may rủi cùng những chủ lao động vô lương tâm.

Li Dajun, nhà hoạt động công đoàn nghiên cứu về ngành xây dựng Trung Quốc (lớn nhất thế giới với 51 triệu thợ) nói: “Người lao động sẽ không vào ngành này nếu họ có được lựa chọn thay thế. Công việc dơ bẩn và mệt mỏi, thiếu an toàn và lương thường bị trả trễ hoặc thậm chí bị xù lương”.

Bộ Lao động Trung Quốc không trả lời các câu hỏi về trợ cấp cho người lao động thuộc vùng nông thôn.

Vài tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục kêu gọi tăng cường xóa đói nghèo. Hồi tháng 3, khi trả lời phỏng vấn, ông Yi Jun, một quan chức cấp cao Bộ Xây dựng Trung Quốc, nói chính phủ đang có những biện pháp tái cơ cấu ngành xây dựng, để giúp chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động nhập cư.

Ông nói: “Theo cách này, họ có thể thụ hưởng những lợi ích an sinh xã hội và vài hỗ trợ hưu trí”.

Ông cũng thừa nhận nỗ lực cải thiện phải mất nhiều năm.

Hồi 4 năm trước, một mái trần của công trình nọ ở Bắc Kinh bị sập, suýt giết chết ông Liu Shunxiong người tỉnh Tứ Xuyên. Bạn ông thiệt mạng, cánh tay phải của ông Liu bị liệt một phần và ông nói đôi tai của ông vẫn còn bị ù.

Ông Liu đâm đơn kiện đòi chủ thầu bồi thường suốt 2 năm, đã ngốn sạch số tiền ông để dành được. Sau tai nạn, ông đi làm trở lại và lần nọ, nhà thầu bỏ trốn, không trả lương cho toàn nhóm thợ.

Ông Liu sẽ sớm 55 tuổi, là tuổi về hưu trung bình ở Trung Quốc. Nhưng ông bị mắc nợ lớn, và ông nhìn ra chẳng còn lối thoát nào sau nhiều năm làm thợ công trình.

...Làm sao dám mơ vươn lên giai cấp trung lưu

Đối với người lao động không có tay nghề, ngành xây dựng Trung Quốc trả lương tương đối khá.

Nhưng công việc không đảm bảo, không được trợ cấp và không được bảo hiểm thương tật, nên những thợ như ông Liu và ông Wang Fenghe không thể vươn lên giai cấp trung lưu để giúp Trung Quốc chuyển mình thành một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng.

Ông Wang thuộc một thế hệ lao động rời làng quê để đi xây Trung Quốc trên đà hiện đại hóa. Hầu hết số thợ này không thể được thụ hưởng gì ở những thành phố mà họ giúp chuyển mình.

Họ cũng không được hưởng những mạng lưới an sinh xã hội ở các thành phố đó, và nay, họ phải đối mặt với triển vọng phải làm việc suốt những năm cuối đời.

Ông Wang nói ông chấp nhận điều kiện làm việc khổ cực, vì ông là con nhà nông. Ông chào đời năm 1995 ở miền đông bắc Trung Quốc nghèo đói. Học tiểu học xong, Wang trở thành thành viên hợp tác xã nông trang địa phương.

Năm 1975, Wang đăng ký gia nhập Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, vì anh muốn được “bảo vệ quê hương và bảo vệ Chủ tịch Mao”, theo lời ông kể.

Năm 1976, sau trận động đất Tangshan ở miền bắc Trung Quốc làm chết 700.000 người, tiểu đoàn của Wang đi bộ 3 ngày để giúp tìm xác chết trong một mỏ than bị sập. Wang kể rằng từ đó, ông luôn bị quặn dạ dày và ông đổ thừa là do ăn phải cháo kém chất lượng được cấp cho binh lính.

Sau khi xuất ngũ, ông gặp bà Hu Fengxian lớn hơn ông 3 tuổi. Họ trở thành vợ chồng năm 1978, chỉ vài tháng sau khi được bạn bè và gia đình mai mối. Họ có một con trai sinh năm 1980 và một con gái sinh năm 1983.

Ông Wang không hề được hưởng trợ cấp quân sự, và ông đã ngưng mua thuốc trị bệnh vì muốn tiết kiệm tiền. Mỗi tháng, ông Wang và vợ lãnh được một chút tiền thông qua Chương trình mức sống tối thiểu (gọi là Địa Bao) nhưng họ không được hưởng chương trình trợ cấp nông thôn (bắt đầu từ năm 2009) vốn mỗi tháng cấp khoảng 10 USD cho những người trên 60 tuổi.

Chương trình này “phủ” lên 481 triệu người hồi năm 2015, tức khoảng 80 % dân vùng nông thôn Trung Quốc, nhưng các chuyên gia nói khoản tiền hỗ trợ này không đủ đáp ứng nhu cầu sống của nhiều người hưu trí.

Nhiều nông dân được con cái hỗ trợ tài chính, nhưng cậu con trai 26 tuổi của ông Wang đã “đốt” gần hết gia tài khi phải chi nhiều tiền làm của hồi môn cho hai lần anh lấy vợ, và 3 lần anh mở nhà hàng ăn đều thất bại. Hiện người con cũng theo nghề xây dựng.

Con gái ông Wang được 33 tuổi, đi làm tiếp tân ở một nhà hàng ăn. Cả hai anh em đều dùng thu nhập của họ để nuôi con cái của họ.

Thu nhập chính của vợ chồng Wang là hái ngô, mỗi năm đem bán thu về khoảng vài trăm USD, dù năm 2014 họ bị mất mùa vì hạn hán. Ông Wang tự nhận mình còn may mắn là không hề bị thương tích và còn có thể đi làm, nói: “nhờ trời, chúng tôi mới có được đồ ăn”.

Nguồn thu nhập chính từ ngô không đủ để sống, nên từ hàng chục năm qua, ông Qwang đi làm ở nhiều công trình xây dựng trên toàn Trung Quốc, xây đủ thứ, từ đường sá đến cầu cống, xí nghiệp, khách sạn hạng sang, chung cư và tòa nhà văn phòng.

Trước khi đến ngày được 61 tuổi, ông Wang đi bộ 3 ngày đến Alashankhou, một điểm kinh doanh ngập tuyết giáp biên giới Kazakhstan, để lợp mái cho một xí nghiệp sản xuất đồng. Nhóm thợ của ông thay một tổ khác đã phải trốn chạy băng và tuyết.

Phải làm việc dưới nhiệt độ dưới âm càng làm chứng thấp khớp của ông Wang thêm nặng. Ông không được hưởng trợ cấp hưu trí, đành chịu đến đây lao động để hưởng mức thu nhập tương đương 33 USD/ngày.

Ông Wang lớn tuổi nhất trong nhóm thợ đến Alashankou,nên ông chỉ đứng dưới đất, chuyển những tấm sợi quang học cho các thợ trẻ đang ở trên mái.

Đốc công Jia Shuxue 43 tuổi,nói thay vì thuê thợ trẻ có thể thích hợp hơn nhưng lại không sẵn sàng chịu đựng gian khổ, ông thích thuê những thợ lớn tuổi và siêng năng làm việc như ông Wang.

Vào buổi tối, cả nhóm thợ nấu món ăn bằng một bếp điện, uống bia và rượu rồi ăn mì trứng. Ông Wang hiếm khi gọi điện về nhà, chỉ dùng điện thoại để nghe nhạc dân ca.

Sau một tháng làm việc, ông trở về với ruộng ngô. Không tiền tiết kiệm cũng không được hưởng trợ cấp, ông sẽ lại cần sớm lên đường đi xây dựng tiếp tục.

Ông Wang nói: “Tôi sẽ lao động đến 70 tuổi nếu như phải thế. Sẽ không ai nuôi tôi nếu tôi không lao động...”.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thợ xây dựng Trung Quốc: Phải ‘cày’ đến già!