Chiến thắng của lực lượng chính trị theo đường lối tự do ôn hòa trước lực lượng chính trị bảo thủ theo đường lối cứng rắn trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc được xem là đem lại nhiều lợi thế cho Kim Jong-un trong bối cảnh bị cô lập về mặt ngoại giao và bị đe dọa trừng phạt bằng vũ lực.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-inCử trị lựa chọn đường lối ôn hòa
Chiến thắng của ứng cử viên ôn hoà Moon Jae-in của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc đã chính thức chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc và mở ra trang mới cho đời sống chính trị tại xứ sở kim chi.
Không những vậy, chiến thắng của ông Moon Jae-in còn có ý nghĩa như việc tháo ngòi nổ cho quả bom nổ chậm trên bán đảo Triều Tiên mà Tổng thổng Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị cho là liên tục đe dọa châm ngòi trong thời gian qua.
Theo giới phân tích, chiến thắng của lực lượng chính trị theo đường lối tự do ôn hòa trước lực lượng chính trị bảo thủ theo đường lối cứng rắn trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc được xem như có lợi cho Kim Jong-un trong bối cảnh bị cô lập về mặt ngoại giao và bị đe doạ trừng phạt bằng vũ lực.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Trước bối cảnh “tấn công không được mà nhận trừng phạt cũng không được”, Kim Jong-un được cho là đã tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc nhằm tạo ưu thế cho mình trong nước cờ “vũ khí hạt nhân Triều Tiên”.
Ngày 19.4, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc từng đưa tin, Seoul đã phải lên tiếng yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc, sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên kêu gọi lực lượng chính trị bảo thủ tại xứ Nam Hàn không nên được phép nắm quyền một lần nữa.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định, với động thái đó cho thấy Bình Nhưỡng đã tìm cách gây nhầm lẫn trong cảm tình chính trị của người dân xứ Nam Hàn, từ đó tạo nhiễu loạn với quan điểm của cử tri khi thực hiện sự lựa chọn của mình.
Ông Lee Duk-haeng, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: "Triều Tiên đang cố gắng can thiệp vào đời sống chính trị tại Hàn Quốc. Đây là việc làm sai trái, vì vậy Triều Tiên cần phải chấm dứt những hành vi sai trái đó của mình", hãng tin Yonhap tường thuật.
Theo giới phân tích, mục đích của Kim Jong-un là tác động nhằm làm cho chính trường Hàn Quốc thêm chao đảo, đời sống chính trị tại xứ Nam Hàn thêm bất ổn sau cuộc đại khủng hoảng, qua đó gia tăng cơ hội chiến thắng cho ứng cử viên Moon Jae-in của Đảng Dân chủ.
Phản ứng với kế hiểm của nhà lãnh đạo xứ Bắc Hàn, ứng viên Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân, theo đường lối bảo thủ đã tuyên bố rằng chế độ Kim Jong-un "sợ hãi" ông chiến thắng vì những cam kết mạnh mẽ của ông trong vấn đề quốc phòng.
"Bình Nhưỡng gọi tôi là ác quỷ. Rõ ràng chế độ Kim Jong-un đang sợ hãi. Họ lo sợ sự liên minh vững chắc giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng như khả năng phòng thủ độc lập mạnh mẽ của Hàn Quốc", ông Ahn Cheol-soo lên tiếng trong cuộc vận động tranh cử tại Daegu.
Đây là hình ảnh mà người dân hai miền Triều Tiên luôn mong đợi
Tuy nhiên, các nhà phê bình và nhiều cử tri Hàn Quốc đã cáo buộc ông Ahn Cheol-soo không hiểu biết các nguyên tắc về an ninh của một quốc gia và trong bối cảnh đó có thể nhận diện thông điệp từ nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn gửi tới Nam Hàn mang ý nghĩa cốt lõi khác.
Thứ nhất, Bình Nhưỡng muốn hòa hoãn, hòa bình - trong khi đây là điều cử tri Hàn Quốc luôn mong đợi - nên Bình Nhưỡng ủng hộ người có thể hiện thực hóa điều đó. Bỏ phiếu cho ứng viên được Bình Nhưỡng “hậu thuẫn” là lựa chọn hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Điều này khiến những cử tri bảo thủ sẽ phân tâm và có thể thay đổi quan điểm, như Yonhap đã cảnh báo.
Thứ hai, nếu lực lượng bảo thủ lại được trao nắm giữ quyền lực thì nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên là không thể tránh khỏi. Thực tế đó khiến những cuộc đoàn tụ gia đình giữa hai miền Nam Bắc tiếp tục không thể diễn ra, sẽ có nhiều người dân Hàn Quốc phải rời xa trần thế mà không có cơ hội một lần nhìn thấy mặt người thân tại xứ Bắc Hàn.
Cả hai hiệu ứng tâm lý này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội tại Hàn Quốc, có tác động rất lớn tới đời sống chính trị tại xứ Nam Hàn. Với kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, dường như thông điệp hòa bình của nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn đã được người dân xứ Nam Hàn lắng nghe và chuyển hóa thành hành động.
Thời kỳ hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên?
Kim Jong-un đã thách thức, khiêu khích với đủ cung bậc và cũng đạt đến mức để Trump có thể tung đòn trừng phạt, vậy nhưng kết quả đáp trả của Washington chỉ là những màn diễu võ, giương oai bằng võ miệng. Và hết!
Điều đó cho thấy vấn đề hạt nhân của Triều Tiên dường như đã bị những thế lực khác thoả thuận với nhau mà không cần tới Bình Nhưỡng, qua đó Triều Tiên bị đưa xuống vị thế “con tốt thí” trong các ván cờ của ngoại giao nước lớn. Như vậy vị thế của Bình Nhưỡng vẫn chẳng thể khác xưa.
Do đó phải nói chuyện trực tiếp với Washington được cho là yêu cầu quan trọng nhất đặt ra với Bình Nhưỡng lúc này.
Với Washington, sau khi cho Bình Nhưỡng hết kiên nhẫn “chờ đợi sự trừng phạt”, người Mỹ có lẽ cũng đã nhìn ra sự nguy hại cho nước đi của mình, nếu người Triều Tiên chủ động kết nối với nhau và tự tìm hướng giải quyết cho cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Và chính quyền Trump đã phải thay đổi.
Ngoài việc thực hiện “kênh ngoại giao 1.5”- đàm phán không trực tiếp với Bình Nhưỡng, Washington còn thực hiện các nước đi quan trọng khác, nhằm giữ được uy và không mất thế trong nước cờ “vũ khí hạt nhân Triều Tiên”.
Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản ngày 9.5 đưa tin, Mỹ đã thông báo với Trung Quốc về kế hoạch giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Mỹ hứa không làm tổn hại nhà lãnh đạo Kim Jong-un và xem xét mời ông này gặp Tổng thống Donald Trump tại Mỹ, nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Chính quyền Trump được cho là đã đưa ra cam kết “4 không” nếu Bình Nhưỡng đáp ứng mong muốn của Washington. Đó là không thay đổi chế độ, không tìm cách kết thúc chính quyền của ông Kim Jong-un, không phát động xâm lược và không cố đẩy nhanh quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh được cho là đã chuyển giúp Washington thông điệp này tới Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Washington xem xét hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên và bắt đầu đàm phán hướng tới bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều.
Một thời kỳ hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên đã được mở ra?
Chưa biết Bình Nhưỡng sẽ đáp ứng mong mỏi của Washington như thế nào, nhưng rõ ràng cùng một lúc nhiều “công cụ phi vũ lực” được Washington sử dụng để tìm hướng ra cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cho thấy dường như Tomahawk Mỹ không còn được mang ra đe dọa Triều Tiên lúc này.
Không những vậy, nếu tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in – vốn được xem là một Kim Dae-young thứ hai – thực hiện “chính sách Ánh dương” của vị tổng thống từng nhận giải Nobel hòa bình năm xưa, mở ra một thời kỳ hòa hoãn mới cho bán đảo Triều Tiên, lúc đó “ngoại giao tên lửa hành trình” của Tổng thống Trump sẽ hết hiệu lực trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ngọc Việt