"Cô Ba Sài Gòn" lại gợi nhắc khán giả đến một bộ phim mà người viết đảm bảo, không có ai dám vỗ ngực tự nhận mình là tín đồ thời trang nếu chưa xem qua: "The Devil Wears Prada".

Thời trang trong phim ‘Cô Ba Sài Gòn’ chỉ cần tả bằng 2 từ: Xuất sắc!

tri thuc tre | 12/11/2017, 12:55

"Cô Ba Sài Gòn" lại gợi nhắc khán giả đến một bộ phim mà người viết đảm bảo, không có ai dám vỗ ngực tự nhận mình là tín đồ thời trang nếu chưa xem qua: "The Devil Wears Prada".

Thời trang - Tình cảm - Diễm lệ. "Cô Ba Sài Gòn" không chỉ hay mà còn đẹp, mỹ miều từ những sắc màu rực rỡ nhanh chóng xâm lấn thị giác cũng như cấu tứ thanh tao về thứ trang phục "quốc hồn quốc túy" của dân tộc ta.

Chúng ta thường uống nước, nhưng chẳng nhận ra vị của nước.

Cũng giống như vậy, với tà áo dài. Nhìn mải miết từ năm này qua tháng khác, mô tả về áo dài thì thấy sao quen quá, gần quá, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng đấy ngôn từ để mô tả cái hồn, cái đẹp của áo dài. Ấy thế mà hãy xem "Cô Ba Sài Gòn" đi, bạn sẽ thấy một nét khác lạ, một cái "vị" của áo dài mà xưa nay vẫn ở đó nhưng chẳng mấy ai thẩm thấu được.

Nếu chỉ dùng 1 tiếng 40 phút để rỉ rả về áo dài, chắc chắn người xem sẽ rất ngán. Nhưng "Cô Ba Sài Gòn" rất khéo, không tự biến mình thành một bộ phim tài liệu, một thứ ngôn ngữ truyền bá đơn thuần mà khán giả bây giờ rất cảnh giác khi tiếp nhận. Bộ phim khiến người xem nhận ra nét đẹp của "tung bay tà áo tung bay" từ khía cạnh nguyên sơ nhất nhưng hấp dẫn nhất đối với giới trẻ: THỜI TRANG.

Phải vậy, áo dài hay được nhắc đến là "quốc phục", nghe mới trịnh trọng làm sao.Thế nên nhiều người bẵng đi cái cốt của áo dài vẫn là thời trang, là vải vóc thướt tha để làm đẹp cho các quý cô yêu mốt. Có lẽ trong thời đại mà Chanel với Dior, Balenciaga với Gucci, chung quy là "tân thời" lên ngôi, đâm ra cái khía cạnh thời trang của áo dài bị vơi đi bảy phần. Và bảy phần đó được "Cô Ba Sài Gòn" phục sinh trọn vẹn trong từng khuôn hình, mỹ miều đến nín thở.

"Cô Ba Sài Gòn" đã lột tả được cái thời hưng thịnh của nghề may áo dài dưới góc độ thời trang, thay vì sa đà vào liệt kê tài liệu như nhiều bộ phim Việt Nam từng làm.

Trước hết phải dành lời khen rằng áo dài trong "Cô Ba Sài Gòn" rất chuẩn, nếu xét trong đúng bối cảnh phim. Đó là thời kỳ thập niên 60s, là cực thịnh của áo dài - giao điểm của hiện đại và cổ điển, chôn dấu nhiều kỷ niệm nhất.

Nhà may Thanh Nữ chính là hiện thân của một "ông lớn" trong làng mốt thời đó, mang tính tiên phong nhưng vẫn cô đọng nét cổ truyền. 9 đời may áo dài, tưởng chừng trăm năm chỉ nhai đi nhai lại một kiểu nhưng không, thời thế thay đổi thì áo dài cũng thay đổi. Tiêu biểu như cách ráp tay raglan vào áo dài. Với cách ráp này, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt.

Mộc mạc mà sang trọng, có gì thanh tao hơn một tà áo dài tung bay trên phố?

Nhưng hấp dẫn nhất là phần chiết eo. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng rộng rãi. Phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở muốn tôn lên những đường cong cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực. Và toàn bộ áo dài trong "Cô Ba Sài Gòn", làm rất tới, rất rõ cái màu của một thời kỳ.

Được biết, để lột tả được cái tinh túy của nghề may áo dài nói riêng và áo dài nói chung, ekip của "Cô Ba Sài Gòn" đã phải tầm sư học đạo những tay nghề lỗi lạc nhất hiện nay, từ NTK Sỹ Hoàng cho đến một trong những kỳ nữ cuối cùng may áo dài theo phong cách xưa.

Xem xong "Cô Ba Sài Gòn" mới ngớ người, hóa ra cái thứ trang phục đời thường của người Việt chúng ta lại phải cắt may kỳ công tỉ mẩn đến thế. 4 công đoạn, mỗi công đoạn đều được lột tả xúc tích kỹ càng lại rất thơ, khiến người xem nhận ra vì sao những chiếc áo dài có giá trị lớn đến vậy.
Nhưng cũng như phần đa giới trẻ chúng ta, Mademoiselle Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) chẳng chuộng, hay chẳng ngớ ra cái đẹp của áo dài. Như Ý cho rằng áo dài rất "mô-ve-gu" (Mauvais gout), cổ lổ sĩ chết đi được. Áo dài tuy là cái gốc nhưng với Như Ý, ngọn của nhành cây tư tưởng trong cô là thời trang tây, với những ảnh hưởng sâu đậm từ Coco Chanel hay phong cách Boho phóng khoáng mà từng bị Helen (Diễm My 9x thủ vai) bỉ bai là như "chạy ngoài đồng".

Mademoiselle Như Ý chính là hiện thân của chúng ta, phần đa giới trẻ bây giờ, cứ "lậm" mãi với Balenciaga và Chanel, cứ mê hoặc bởi Givency và Gucci.

Nếu mô tả rõ hơn lại đâm ra tiết lộ về phim, nên chỉ có thể ngắn gọn là hành trình tìm thấy cái chân-thiện-mỹ ẩn trong áo dài của cô nàng Như Ý là hệ quả của những xung đột giữa áo dài - đồ tây, truyền thống - tân thời, quá khứ - tương lai. Và rồi Như Ý nhận ra rằng, cũng như đồ tây, áo dài cũng phát triển, cũng cách tân, cũng được phủ lên những vết tích thời gian và văn hóa.

Cái kết đẹp mà "Cô Ba Sài Gòn" tạo ra là tôn vinh tà áo dài quá khứ, nhưng trên cái nền đó lại giới thiệu nét đẹp của áo dài hiện đại. Điều đó rất đúng với tinh thần của một bộ phim thời trang mà nhân vật chính là nhà thiết kế: thay vì phục dựng cái xưa cũ, cần kiến tạo nên cái mới - kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống để làm nên một sáng tạo của riêng mình.

Đó là những mẫu áo dài hiện đại, phom dáng trẻ trung linh hoạt, mang các sắc màu và họa tiết của viên gạch bông quen thuộc trong kiến trúc Đông Dương hay các tông màu tương phản, họa tiết Pop-Art của thập niên 60s; vốn được truyền cảm hứng từ chính thành phố Sài Gòn. Ở đó vừa phảng phất nét lịch duyệt của "Hòn Ngọc Viễn Đông" một thời, lại vừa chinh phục giới mộ điệu bởi tính ứng dụng cao - yếu tố then chốt của thời trang.

Từ trên nền tảng xưa cũ, "Cô Ba Sài Gòn" đã giới thiệu nên những mẫu áo dài mới mẻ giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Ekip của phim cũng rất tự hào phô diễn nét đẹp không-thể-Việt-Nam hơn trong mọi hoạt động quảng bá, đặc biệt là mỗi khi sải bước trên thảm đỏ quốc tế.

Phần nhìn mãn nhãn. Còn về cảm xúc, "Cô Ba Sài Gòn" lại gợi nhắc khán giả đến một bộ phim mà người viết đảm bảo, không có ai dám vỗ ngực tự nhận mình là tín đồ thời trang nếu chưa xem qua: "The Devil Wears Prada".

So sánh mặt hình ảnh hay nội dung của hai bộ phim chắc chắn sẽ tạo nên sự chênh vênh lớn. Thậm chí trong "Cô Ba Sài Gòn" cũng có một số phân đoạn lẫn trường đoạn khiến người xem hồi tưởng ngay về tác phẩm điện ảnh ăn khách của nước Mỹ chục năm trước.Tuy nhiên về khía cạnh xúc cảm thì đối với quan điểm người viết, quả thật có sự tương đồng lớn. Nếu ở "The Devil Wears Prada" là hành trình "giác ngộ" thời trang của nhân vật Andrea Sachs thì ở "Cô Ba Sài Gòn", Như Ý đã "thức tỉnh" trước cái đẹp của áo dài.

Còn bạn, bạn đã nhận ra vẻ đẹp của tà áo dài chưa? Bạn đã hiểu hết về thứ quốc phục mà chúng ta nhìn mòn mắt mỗi ngày chưa?

Hãy đến rạp để nghe những lời tâm tình thủ thỉ từ "Cô Ba Sài Gòn". Tôi tin, bạn sẽ có cái nhìn khác về hai tiếng thân thương: Áo dài.

Theo Đại Ngọc/ Tri Thức Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời trang trong phim ‘Cô Ba Sài Gòn’ chỉ cần tả bằng 2 từ: Xuất sắc!