Đài Channel News Asia giới thiệu quá trình tổ chức tội phạm thực hiện lừa đảo tình cảm vô cùng tinh vi.
Quốc tế

Thủ đoạn lừa đảo tình cảm để dụ đầu tư được thực hiện như thế nào?

Cẩm Bình 18/10/2024 13:55

Đài Channel News Asia giới thiệu quá trình tổ chức tội phạm thực hiện lừa đảo tình cảm vô cùng tinh vi.

Năm 2022, một phụ nữ người Malaysia đã ly hôn tên Samantha mất khoảng 20.000 USD do bị lừa đảo tình cảm bởi “tình yêu” trên mạng. Vụ việc như vậy ngày càng phổ biến và được gọi bằng tiếng lóng “mổ lợn”.

Kẻ lừa đảo “vỗ béo” nạn nhân bằng cách xây dựng mối quan hệ trực tuyến kéo dài nhiều tuần thậm chí nhiều tháng, sau đó gạt hết tiền tiết kiệm như “mổ lấy thịt”. Đôi lúc nạn nhân bị lừa đầu tư hoặc mua tiền ảo, đôi lúc chỉ đơn giản là mượn tiền với lời lẽ ngon ngọt.

Các tổ chức tội phạm chuyên thực hiện lừa đảo tình cảm phát triển mạnh trong vài năm gần đây, lấy đi hàng trăm triệu USD từ nạn nhân ở khắp nơi trên thế giới. Nhận được thư từ nạn nhân ở Singapore, Đông Nam Á, Mỹ, Úc, châu Âu và nhiều nơi khác, Channel News Asia dành gần 1 năm tiến hành điều tra nhằm hiểu rõ cách kẻ lừa đảo ra tay.

2024-10-17-165232.png

Tìm đúng mục tiêu

Trong căn phòng nhỏ ở đâu đó, một nhóm 4 - 5 người đang xem danh sách nạn nhân tiềm năng. Số người này cũng có thể là nạn nhân, bị đe dọa sẽ chịu tra tấn thể xác nếu không lừa người khác.

Mục tiêu được chọn ngẫu nhiên từ vô số tài khoản mạng xã hội, danh sách người đăng ký tham gia hội thảo đầu tư, dữ liệu bị rò rỉ hay nguồn khác. Bà Samantha từng để lại thông tin cá nhân tại một hội thảo về tiền ảo.

Sang “phòng marketing” của tổ chức tội phạm, một đối tượng khác tạo tài khoản Instagram giả mạo từ ảnh lấy từ tài khoản thực. Thông tin cá nhân của kẻ mạo danh dễ dàng thu hút bà Samantha: ngoài 30, không quá đẹp trai, giàu có nhưng thực tế. Thậm chí tài khoản giả còn có người theo dõi (cũng giả nốt).

Sau đó, chúng triển khai tiếp cận mục tiêu. Ngay khi bà Samantha thấy hứng thú thì cuộc trò chuyện diễn ra. Lời nói có vẻ chân thành từ tài khoản giả chiếm được cảm tình của người phụ nữ 50 tuổi. Bà không biết các đối tượng đứng sau nắm vững nhiều chiêu trò tâm lý lẫn kỹ thuật giao tiếp nhằm khiến nạn nhân buông lỏng cảnh giác.

2024-10-17-165254.png

Lên kế hoạch chi tiết

Hoàn cảnh gặp gỡ tình cờ trên mạng thực chất đã được lên kế hoạch và thực hiện một cách hoàn hảo bởi các tổ chức tội phạm có hệ thống phân cấp quản lý cùng phòng ban tương tự doanh nghiệp thông thường. Làm việc theo nhóm nhỏ, tổ chức bắt đầu bằng việc tìm mục tiêu rồi tiếp cận. Chúng nắm rõ số căn cước công dân, địa chỉ, số dư ngân hàng thậm chí cả mức lương.

Trong tay kẻ lừa đảo còn có tài liệu hướng dẫn cách dụ dỗ nạn nhân, gồm cả cách tìm ra sở thích chung hay cách tìm chủ đề kéo dài cuộc trò chuyện. Đặc biệt một đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ.

Một đối tượng tên Chan tiết lộ một trong số người quản lý mình tốt nghiệp ngành tâm lý học, thường cung cấp phân tích về hành vi đầu tư của nạn nhân.

“Có rất nhiều chuyên gia như vậy”, theo Chan.

Trong 2 tuần từ khi thành công tiếp cận Samantha, tổ chức tội phạm không tiếc công sức khiến cuộc sống của tài khoản giả trông thật nhất có thể. Chuyển từ Instagram sang LINE cũng cho phép chúng trò chuyện sâu hơn với bà.

2024-10-17-165317.png

Samantha cảm giác bản thân vô cùng gần gũi với tài khoản giả, dù bà không phải nạn nhân duy nhất bị dụ dỗ. Trên thực tế không loại trừ khả năng bà trò chuyện với 2 - 3 người đàn ông (hoặc phụ nữ) thay phiên đóng vai.

Thỉnh thoảng bà Samantha xem số giao dịch thành công mà tài khoản giả thực hiện, nhưng tổ chức tội phạm không vội vàng đề cập đến vấn đề này. Chúng chỉ trò chuyện về cuộc sống cá nhân, vài mối quan hệ trong quá khứ và bày tỏ mong muốn tìm được mối quan hệ sâu sắc hơn. Tất cả nhằm thuyết phục Samantha rằng người trò chuyện với bà rất chân thành.

Quyết định dựa trên cảm xúc

Nhà tâm lý học Carolyn Misir (lực lượng cảnh sát Singapore) cho biết con người khi nhận quá nhiều thông tin sẽ dùng đến “mô hình khả năng giải thích” để xử lý. Khả năng đầu tiên là phân tích lý tính rồi ra quyết định, khả năng thứ hai là ra quyết định dựa trên cảm xúc. Kẻ lừa đảo cố gắng khiến nạn nhân không suy nghĩ quá nhiều.

Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khi tài khoản giả gợi ý Samantha đầu tư vào nền tảng tiền ảo mà hắn giới thiệu. Một tuần sau đó kẻ lừa đảo lại gợi ý bà đầu tư 1.000 USD vào nền tảng QEWold.com, đảm bảo sẽ hướng dẫn từng bước.

Samantha đồng ý và được bộ phận dịch vụ khách hàng của QEWold.com hướng dẫn. Tất nhiên bộ phận dịch vụ khách hàng cũng là thành viên tổ chức tội phạm.

Chỉ 1 giờ sau khi bỏ ra 1.000 USD, Samantha lập tức nhận về 71 USD lợi nhuận. Bà thấy phấn khích không chỉ vì lợi nhuận về nhanh và còn vì có thể rút hết tiền ra khỏi tài khoản đầu tư. Người phụ nữ này chẳng hề hay biết tổ chức tội phạm làm vậy hòng xoa dịu nghi ngờ ban đầu và tạo ra cảm giác an toàn giả tạo.

Trước khi đầu tư thêm, Samantha lên mạng tìm thông tin về QEWold.com nhưng không tìm thấy gì cả. Bà hỏi tài khoản giả thì nhận về một mớ chữ số kèm hướng dẫn dùng máy tính tính toán để biết thời điểm nào mua vào hay bán ra tốt nhất. Tài khoản giả nói rằng đây là thứ hắn học được từ một giáo sư lúc theo đuổi ngành công nghệ blockchain ở Nhật.

Dưới sự thúc giục của tài khoản giả, trong 2 tháng tiếp theo Samantha bán đi nhiều cổ phiếu rồi đầu tư thêm 10.000 USD vào tiền ảo mặc dù chả hiểu gì về mớ chữ số mà tài khoản giả cung cấp. Bà còn bị dụ dỗ vay tiền trên nền tảng.

Samantha dễ dàng “cắn câu”. Tổ chức tội phạm gửi vào tài khoản 30.000 USD không tính lãi. Trong 3 ngày sau đó tài khoản giả hướng dẫn bà tiến hành giao dịch, số dư dường như tăng gấp đôi.

Đến ngày thứ ba lúc khoản vay đáo hạn, Samantha muốn dùng lợi nhuận trả nợ nhưng bộ phận dịch vụ khách hàng báo bà không thể rút tiền nếu chưa trả hết khoản vay, đồng thời nhắc nhở tài khoản đầu tư sẽ bị đóng băng nếu không trả đúng hạn. Bà đề nghị trả một phần trước thì nền tảng đồng ý nhận 10.000 USD.

Tài khoản giả khuyên Samantha đừng để tài khoản bị đóng băng và hứa hẹn sẽ tìm cách chuyển tiền giúp đỡ bà sau, còn bây giờ bà nên tự trả 10.000 USD. Cuối cùng Samantha làm theo hướng dẫn, chuyển tổng cộng 10.000 USD đến 4 tài khoản khác nhau. Nhưng bà không còn tiền để “trả” 20.000 USD còn lại, tổ chức tội phạm còn dụ dỗ bà mượn tiền từ bạn bè.

Ngụy biện chi phí chìm

Nhà tâm lý học Lee Rong Cheng (lực lượng cảnh sát Singapore) giải thích kẻ lừa đảo khai thác trạng thái “ngụy biện chi phí chìm” của bà Samantha. Đây là trạng thái một người cảm thấy tiếc nuối khi quyết định vứt bỏ thứ đã dành nhiều thời gian lẫn công sức vào, nghĩ rằng cách duy nhất để thu hồi tiền đầu tư là bỏ ra nhiều tiền hơn.

Bà Samantha không phải nạn nhân duy nhất. Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu (GASO) thống kê được từ giữa năm 2021 đến nay có gần 2.000 người mất tổng cộng hơn 310 triệu USD. Nạn nhân đến từ 46 quốc gia/vùng lãnh thổ, chủ yếu là Mỹ và châu Âu.

Kẻ lừa đảo cũng là nạn nhân

Bên cạnh một số đối tượng tham gia lừa đảo vì tin lời hứa chia 2% số tiền lừa được, không ít người khác là nạn nhân của nạn buôn người, bị đe dọa tra tấn nếu không thực hiện hành vi phạm pháp.

Công dân Malaysia Bilce Tan bay sang Campuchia nhận cơ hội việc làm đầy hứa hẹn, nhưng cuối cùng lại bị bắt giữ trái phép để lừa đảo người khác trên mạng. Cựu giám đốc văn phòng đại diện Cơ quan Công lý quốc tế (IJM) tại Campuchia Jacob Sims cho biết nếu không tuân theo tổ chức tội phạm, nạn nhân buôn người có thể bị ngược đãi, chích điện, bỏ đói. Nhiều người bị tịch thu hộ chiếu, còng tay vào giường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam trân trọng sự đồng hành của LHQ trong quá trình phát triển
5 giờ trước Sự kiện
Ngày 17.10, tại trụ sở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Hoàng Giang đã tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ đoạn lừa đảo tình cảm để dụ đầu tư được thực hiện như thế nào?