Như niềm vui, sự thất vọng cũng là một thứ có sức lan toả lớn. Chúng ta không cưỡng lại được, không dập tắt được, cũng không thu gọn lại được. Chúng ta phải chịu đựng nó, chúng ta phải học cách sống cùng với nó.
Với tất cả niềm tin rằng chúng ta đang du hành đến thế giới bên kia, chúng ta chịu đựng tất cả chông gai của đời này để từng bước một đến gần hơn với đích đến của định mệnh. Thất vọng là một thứ chông gai, cũng như niềm vui là hoa trái. Lẽ nào ta đón nhận cái này mà khước từ cái kia?
Hãy xoa kem vào từng kẽ ngón chân nứt nẻ của bạn, hãy băng bó tất cả các vết xước dưới gan bàn chân, hãy tiếp tục đi và nhón gót hái hoa vặt quả trên đường đời. Ăn đi, thưởng thức đi, của đó là liều thuốc giảm đau.
Hãy quên đi điều đã làm cho mình thất vọng, để thưởng thức sự thất vọng với tất cả cung bậc kỳ thú của nó. Tôi đã luôn làm như vậy, tôi từ chối niềm vui, từ chối các liều thuốc giảm đau, vì tôi quá yêu thích sự tổn thương và thất vọng.
“Không,” bạn sẽ tranh luận với tôi, “chúng ta cần phải biết nguyên nhân khiến cho mình thất vọng, chúng ta phải tìm giải pháp cho sự thất vọng”.
Nhưng, một lần nữa tôi nói với bạn, “đừng nghe lời Freud, đừng sửa chữa bất cứ điều gì thuộc về thời đã qua, đừng phân tích gì hết ngoại trừ việc bạn hứng thú với việc trau đồi kĩ năng phân tích, và vì bạn cần một cái cớ đến từ ngày hôm qua để xoa dịu nỗi đau cùng sự thất vọng trong thời điểm hiện tại”.
Vô nghĩa lắm! Đời này có nghĩa gì đâu. Chính chúng ta làm cho mọi thứ có ý nghĩa, và chúng ta đau khổ vì những ý nghĩa mình gán ghép cho cuộc đời.
Điều người khác nói ra không có nghĩa là điều họ nghĩ. Dù họ có nói điều họ nghĩ, không chắc chúng ta hiểu đúng suy nghĩ của họ. Do đó, không nên thất vọng nếu như lời nói và suy nghĩ của người khác không trùng khớp với suy diễn và trông đợi của chúng ta.
Hãy thất vọng về chính chúng ta! Thất vọng về sự ngu muội của chính chúng ta. Thế là đủ rồi! Một con người chỉ cần thất vọng về chính mình là đủ, không cần phải thất vọng thêm về người khác. Chuyện người khác làm, hãy để cho họ tự thất vọng lấy. Nhược bằng họ mất khả năng thất vọng về bản thân và vẫn tiếp tục sống sung sướng trên nỗi đau của người khác, thì … tốt cho họ thôi. Chẳng phải chúng ta được giáo dục không nên ghen tị với hạnh phúc của người khác đó sao? Vả chăng, sao ta lại phải ghen tuông và ghét bỏ những người có khiếm khuyết trong nhận thức? Hãy thương họ, vì họ không biết việc họ làm. Câu này tôi lấy ý của Jesus trong giờ phút lâm chung trên cây thánh giá của cuộc đời.
Phải, chỉ có những người trải qua sự thất vọng cực độ mới có khả năng nhìn ra bản chất của nó. Bản chất của nó, cũng như niềm vui, là một tặng phẩm.
Con người thường dành cho nhau nhiều loại tặng phẩm. Một cách hết sức vô tư, hồn nhiên, họ trao vào tay ta bất cứ thứ gì họ có, vì họ … quan tâm đến ta. Một số cẩn trọng lựa chọn và gói ghém đầy hoa mỹ. Số khác hoặc chỉ cẩn trọng lựa chọn hoặc chỉ gói ghém đầy hoa mỹ. Số còn lại cứ thản nhiên mà ấn các thể loại tặng phẩm vào tay ta, không cần chọn, không cần gói, không cần biết ta sẽ đánh vật ra sao với món quà đó.
Ừ, thì ta đánh vật ra sao với tất cả những món quà của người đời, đó là quyền của ta. Riêng tôi, tôi chọn ôm ấp và nhìn ngắm mỗi ngày để thấy sao mà các tặng phẩm người khác dành cho tôi đa dạng làm vậy. Tôi chọn ôm ấp và nhìn ngắm mỗi ngày để thuần dưỡng trái tim tôi sao cho nó không còn cố chấp như ngày còn non trẻ nữa.
Thất vọng cũng chỉ là một tặng phẩm có kích cỡ, hình dáng, màu sắc, thế thôi. Tôi không cố gắng gán cho nó thêm bất cứ ý nghĩa nào đặc biệt.
Hy vọng thư này giúp bạn tiếp nhận sự thất vọng một cách dễ dàng hơn.
Thân mến!
Một nhà sưu tập cổ vật thời tiền sử.
Ngọc Huyền