Từ khi báo Văn Nghệ trao giải B cho ông Tòng Văn Hân với ba bài thơ, trong đó có bài ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’, cho tới nay tôi đã thu hoạch khá nhiều kiến thức về cách làm thơ, cách nhận xét thơ, cách phê bình thơ, cách ứng xử với thơ và với nhau…

Thu hoạch từ cuộc thảo luận về bài thơ ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’

Lê Học Lãnh Vân | 17/04/2021, 06:10

Từ khi báo Văn Nghệ trao giải B cho ông Tòng Văn Hân với ba bài thơ, trong đó có bài ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’, cho tới nay tôi đã thu hoạch khá nhiều kiến thức về cách làm thơ, cách nhận xét thơ, cách phê bình thơ, cách ứng xử với thơ và với nhau…

Trước năm 1975, Miền Nam dùng từ thu hoạch cho mùa màng. Thu hoạch lúa, thu hoạch bắp… Sau năm 1975, sinh viên chúng tôi tham dự các buổi báo cáo, thảo luận, học tập chính trị mới biết thu hoạch có thể dùng cho kiến thức thụ đắc được sau một buổi sinh hoạt văn hoá, chính trị… Sau một đợt sinh hoạt như vậy, chúng tôi được yêu cầu viết thu hoạch, chủ yếu là viết về những gì mình tâm đắc nhất qua đợt sinh hoạt, những gì nên tiếp tục làm hay nên tránh cho đợt tổ chức sau.

Theo nghĩa đó, có thể nói từ khi báo Văn nghệ trao giải B cho ông Tòng Văn Hân với ba bài thơ, trong đó có bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm, cho tới nay tôi đã thu hoạch khá nhiều kiến thức về cách làm thơ, cách nhận xét thơ, cách phê bình thơ, cách ứng xử với thơ và với nhau…

Tôi đọc mười hai bài nhận xét, phê bình trên các trang facebook và báo mạng, cùng rất nhiều còm và các bài thơ nhại vui tếu táo… Có bài nói trực tiếp, có bài nói gián tiếp hay nói một đề tài liên quan.

Xin được viết thu hoạch về đợt bàn tán, thảo luận, tranh luận sôi nổi về bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Trong đợt này, tôi chỉ đóng vai người đọc, nghe…

1/ Các nhận xét, phê bình bùng lên như lửa gặp cỏ khô, tiếng cháy, tiếng nổ khi to khi lách tách nghe rất vui tai…

2/ Các phán xét được đưa ra mà không đưa ra chứng cớ hay dựa trên căn cứ nào rõ rệt, thí dụ cho rằng Ban giám khảo phát giải vì vị nể người được giải, vì có sự “thông cảm” nào đó. Các phán xét chỉ dựa trên suy đoán, lại không theo nguyên tắc suy đoán vô tội!

3/ Nhiều công kích nhau mà không nhìn vào ý chính của nhau. Thí dụ một người phản đối việc trao giải lại công kích một người cho rằng mình có cảm nhận tốt về bài thơ Mẹ Tôi Chửi Kẻ Trộm, trong khi người sau không đề cập tới việc trao giải.

4/ Có không ít ý kiến khinh miệt nhau. Thí dụ cho người có nhận xét khác là ngu dốt. Điều này trái với một nguyên tắc thảo luận cho cho rằng không có ý kiến nào là ngu dốt. Nguyên tắc này cho rằng ý kiến nào, lập luận nào cũng có cơ sở của nó, xin cùng lắng nghe nhau mà học hỏi, bồi bổ kiến thức cho nhau. Nguyên tắc này đặc biệt được áp dụng cho giai đoạn trình bày ý kiến, mọi người chỉ lắng nghe chứ không phê bình nhau. Điều này giúp các ý kiến trái chiều được trình bày dưới tất cả mọi ngóc ngách có thể. Điều này giúp sự chủ quan lùi lại chăm chú nghe và quan sát sự khách quan.

5/ Tôi học được bài học, qua tác giả Ngô Văn Giá, rằng bài thơ của Tòng Văn Hân không hàm súc, sắc nét vì được viết theo lối “tư duy cụ tượng, nghĩa là quan sát, cảm nhận, thụ nhận trực tiếp hình ảnh có tính trực quan” mà không kết hợp với “lối dụng tứ”. Đã thế, “lại không có ý thức đẩy nghĩa lên ở một độ nào đó, thành ra các bài thơ thiếu một tầm cao cần thiết”.

Ngoài ra, trong bài thơ của mình, tác giả cho thấy “một tình huống có tính bày biện” không dễ thuyết phục độc giả. Lại thêm, “lời thơ thiếu dụng công, trau chuốt cần thiết”.

Phải chăng tất cả những lý do trên khiến bài thơ được không ít người cảm nhận là xoàng xoàng, là không xứng đáng với giải?

6/ Đọc các bài thơ khác của Tòng Văn Hân, tôi thấy thấp thoáng đây đó những điều tươi mát. Tôi đồng ý với Ngô Văn Giá rằng đó là do Tòng Văn Hân còn giữ được cái nhìn ngạc nhiên, hồn nhiên trước con người, cuộc sống chung quanh. Điều này bảo đảm tiềm năng của “phẩm tính thi sĩ” dồi dào nơi anh. Mong sao anh nuôi dưỡng chứ không để thui chột tính chất quý giá này!

7/Điều thu hoạch khác cũng quan trọng là, thêm lần nữa, tôi được nghe Phan Quỳnh Trâm khẳng định rằng “Phân biệt thế nào là thơ, thế nào không phải là thơ là một điều cực kỳ phức tạp”. Nó tuỳ thuộc vào rất nhiều điều về thời đại, trường phái, cá nhân… và những điều đó không dễ cân đong đo đếm. Do độ phức tạp đầy tinh tế, rất khó để hỏi một bài thơ có phải là thơ hay không. Thôi thì đọc các cảm nhận, phê bình về một bài thơ để học hỏi thêm các thủ thuật viết, để học cách cảm nhận khác, để tìm góc độ có thể cùng đồng cảm...

8/ Với tôi, mở tai, mở mắt lắng nghe và lắng đọc rất có ích lợi vì thu được nhiều kiến thức của người thành kiến thức của mình. Do đó, tôi cám ơn các vị đã tham gia cuộc thảo luận này, cho dù các vị đứng ở lập trường khen hay chê bài thơ, ủng hộ hay phản đối Ban giám khảo cuộc thi. Đọc tất cả rồi lùi lại mà quan sát bức tranh chung của cuộc thảo luận thì không thu hoạch được điều bổ ích này cũng được điều bổ ích khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hoạch từ cuộc thảo luận về bài thơ ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’