Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng việc phát triển dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ đã đến ngưỡng. Do đó, hiện nay cần phải phát triển từ khoa học công nghệ.
Nuôi dưỡng đam mê khoa học, công nghệ từ sớm
Phát biểu khai mạc Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 diễn ra sáng 17.5, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển tương đối mạnh mẽ, bởi tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ. Hiện nay đã đến giới hạn, khó có thể bứt phá hơn nữa bởi tài nguyên và lao động giá rẻ, không còn cạnh tranh được. Do đó, hiện nay cần bứt phá hơn, phát triển từ khoa học công nghệ.
Theo ông Duy, để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải làm, trong đó phải chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa, đào tạo từ các tường THPT, thậm chí từ mẫu giáo, đưa niềm đam mê đổi mới sáng tạo vào từng học sinh. Như vậy, trong tương lai mới có thể xây dựng được một nền khoa học mạnh mẽ, mới góp phần sự phát triển của đất nước.
Ông ví dụ về sự cạnh tranh chiến lược trên không gian về sự kiện phóng vệ tinh Sputnik năm 1957. Sự kiện này chứng minh khoa học – công nghệ Liên Xô vượt trội, khiến nước Mỹ choáng ngợp nhưng họ đã phản ứng một cách tích cực, đưa vào đào tạo niềm đam mê khoa học cho học sinh phổ thông.
“Có thể nói sự kiện này đưa Mỹ và các quốc gia khác phát triển nhảy vọt về khoa học công nghệ, có nơi nói đến là cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 3. Còn Việt Nam hiện nay đã đứng trước cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ”, ông Duy nói.
Ví dụ thứ hai, Thứ trưởng Duy cho biết, 20 năm trước, trong các thi về học sinh giỏi, khoa học chủ yếu đến thừ các thành phố lớn, bởi khả năng tiếp nhận thông tin của học sinh tỉnh lẻ hạn chế hơn. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây có sự thay đổi lớn. Học sinh giỏi đến từ mọi miền của tổ quốc, kể cả từ các huyện nghèo, bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, giúp các em cạnh tranh sòng phẳng với các bạn đến từ thành phố lớn.
Theo ông Duy, các học sinh miền quê nghèo có thể cạnh tranh với học sinh các thành phố lớn thì chúng ta cũng có thể cạnh tranh với các nước phát triển nhờ công nghệ, internet…
Các bạn trẻ hãy tin vào chính mình
Ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, định hướng Đại hội 12 xác định, du lịch, nông nghiệp, kinh tế số là 3 ngành mũi nhọn, trọng điểm. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19 bùng phát, nông nghiệp đã thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Ông ví dụ, sáng nay, Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì, lúa mì có thể tăng giá. Ông Báo chia sẻ, nghiên cứu nông nghiệp không phải dễ, nhưng các bạn trẻ làm khoa học hãy chọn nông nghiệp, vì dư địa ngành này còn rất lớn.
Ông Báo cho biết 20 năm trước ông xác định rằng, ứng dụng khoa học công nghệ là con đường tất yếu của các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Các nhà khoa học thế giới đều khẳng định rằng nhà khoa học trẻ là cầu nối để phát triển. Công nghệ phát triển như vũ bão, ví dụ mua cái iphone thì 6 tháng sau nó đã khác rồi, chỉ có người trẻ mới có thể tiếp nối.
Ông cho rằng, với các bạn trẻ, nên xác định rõ con đường mình đi và sứ mệnh của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên suy nghĩ tích cực, khi gặp khó khăn phải nghĩ rằng người khác làm được thì mình cũng làm được.
"Người thành công luôn có lỗi đi riêng, các bạn trẻ không nên chùn bước, không viển vông, không ngừng học tập, sẵn sàng đó nhận cái mới và cải tiến”, ông Báo nói và cho biết bản thân ông việc học ngoại ngữ, tin học đều không đến trường lớp, tuy nhiên nhờ tinh thần học tập cao, ông vẫn có cơ hội học tập, tham dự nhiều sự kiện tại nhiều nơi trên thế giới.
Ông Báo kiến nghị, Nhà nước thống nhất xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa cơ sở khoa học của Nhà nước với doanh nghiệp để làm căn cứ cho sự kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả hơn.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp; đầu tư nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Nhà nghiên cứu trẻ đang chịu áp lực phải thành công lớn hơn
Trả lời câu hỏi về những thuận lợi và khó khăn đối với nhà nghiên cứu trẻ, TS Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành trung tâm BK.AI, giảng viên trường CNTT và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng hiện nay đội ngũ trẻ có khá nhiều những thuận lợi khi sự quan tâm tới nghiên cứu khoa học đã cụ thể hơn nhiều.
Cô cho biết so với 10-20 năm trước đây, các sinh viên gần như không có khái niệm về phòng nghiên cứu. Nhưng hiện tại, sinh viên năm nhất, năm hai đã xin gia nhập.
"Tôi cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng", TS Lê nói và cho biết lực lượng nghiên cứu khoa học nói chung và người trẻ vẫn mỏng và ít. "Khi đội ngũ đông sẽ hỗ trợ, kéo nhau lên, còn khi đội ngũ nghiên cứu quá mỏng, chúng ta sẽ thấy đơn độc như kiểu "một mình một ngựa".
Ngoài ra, những điều kiện cho nghiên cứu còn những hạn chế trong vấn đề máy móc, khiến nhiều sáng chế bị chậm đưa vào thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Việt – Nhật) cho biết đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học đã tăng lên nhiều, đồng thời công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu trẻ giao lưu, học tập, tìm kiếm tài liệu… với các nhà khoa học trên thế giới rất thuận lợi, hơn hẳn so với ngày trước.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, khó khăn cho các nhà nghiên cứu trẻ vẫn còn rất nhiều, nhưng nổi cộm là các kỹ sư của Việt Nam còn thiệt thòi so với các quốc gia khác khi trải nghiệm khoa học muộn hơn; đồng thời áp lực về sự thành công của thế hệ bây giờ nặng nề hơn so với thế hệ đi trước, sản phẩm phải hoàn thiện hơn, có tính bền vững hơn, mang tính bảo vệ môi trường…