Ngày 5.12 tại Hà Nội, Ban Kinh tế TƯ chủ trì, phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức Hội thảo – Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) với chủ đề: “Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”.

Thủ tướng: Chính phủ và doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi để tận dụng công nghiệp thông minh

Thu Anh | 05/12/2017, 14:17

Ngày 5.12 tại Hà Nội, Ban Kinh tế TƯ chủ trì, phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức Hội thảo – Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) với chủ đề: “Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”.

Sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Công nghiệp thông minh một mặt mở ra cho chúng ta cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sự chuyển đổi của nền công nghiệp đang thâm dụng vốn và lao động của chúng ta. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp bắt buộc phải có sự chuyển đổi; nâng cao năng lực để tiếp cận phù hợp để chủ động tận dụng cơ hội”.

Theo Thủ tướng, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, sự tiếp cận còn rời rạc, thiếu kết nối. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc chơi lớn, nếu Việt Nam muốn chủ động tiếp cận để tăng tốc phát triển cần xây dựng giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nguồn lực trí tuệ - con người và đổi mới sáng tạo; trên cơ sở đó phối hợp nhịp nhành giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại sự kiện - Ảnh: Thu Anh

Cũng tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình – Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TƯ cho rằng Việt Nam vẫn chưa chính thức có một chiến lược riêng về thúc đẩy công nghiệp 4.0. Việt Nam cần có một cái nhìn đầy đủ hơn, đa chiều hơn và phải có chiến lược tiếp cận hợp lý để nắm bắt cơ hội cải thiện vị thế của cá nhân, tổ chức, của quốc gia và không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng với cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 trước đây, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh, Việt Nam đã không thể bắt nhịp ngay từ đầu. Vì thế, đối với cuộc cách mạng4.0 lần này, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng. Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý, nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ, thách thức sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá.

Trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền khác nhau, Việt Nam cần có những lộ trình, chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi. Ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho sự phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng quốc gia.

Theo các lãnh đạo, Việt Nam nên chú trọng quan tâm đến phát triển nhân lực công nghiệp trong các ngành điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, cần khơi dậy ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng doanh nghiệp…

Đặt doanh nghiệp làm trung tâm

Theo báo cáo của LHQ,đến năm 2025, 57% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ tăng lên đến 2/3. Dân số đô thị ở các nước đang phát triển sẽ tăng gấp đôi, và khu vực bao phủ bởi các thành phố có thể tăng lên gấp ba. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng đang gia tăng áp lực đối với cơ sở hạ tầng và dịch vụ của thành phố.

Một giải pháp quan trọng mà các nhà quản lý thành phố đang tìm đến để giải quyết những thách thức này là xây dựng các thành phố thông minh (smart cities), giải pháp đáp ứng được kỳ vọng của công dân về chất lượng dịch vụ công cao cấp và hiệu quả, đảm bảo tính bền vững cho tương lai.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham giaSmart Industry World 2017 - Ảnh: Thu Anh

Tại Hội thảo Smart Industry World 2017, ông Nick Guang Lu - chuyên gia Thành phố thông minh Toàn cầu của Huawei chia sẻ chiến lược xây dựng một “hệ thần kinh” với mọi vật cảm biến, kết nối và thông minh cho các thành phố thông minh. Hệ thần kinh của Thành phố thông minh bao gồm một “bộ não” (trung tâm điều khiển) và “thần kinh ngoại vi” (hệ thống mạng và bộ cảm biến) thu thập thông tin thời gian thực về sức khoẻ và tình trạng của thành phố, môi trường và cơ sở hạ tầng thành phố.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong việc xây dựng các chính sách. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chính sách hướng tới phát triển công nghiệp thông minh.

Nhắn nhủ tới các doanh nghiệp, Thủ tướng cũng cho rằng doanh nghiệp cũng cần tích cực chủ động hơn trong việc phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Chính phủ và doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi để tận dụng công nghiệp thông minh