Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 732/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài

Trí Lâm | 29/05/2017, 05:42

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 732/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Công điện nêu rõ, trong những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài có giảm.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới.

Để ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phê duyệt và triển khai ngay Chương trình hành động quốc gia về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing).

Đồng thời rà soát, sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản lý; bổ sung các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với chủ tàu, thuyền trưởng và tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý khai thác thủy sản để ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá và ngư dân vi phạm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác về thủy sản và tổ chức cho ngư dân đi khai thác thủy sản hợp pháp tại một số nước, thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt bất hợp pháp, tuần tra chung với các nước có biển liên quan; chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, cùng với lực lượng liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tùy theo chức năng chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; đơn vị nào để xảy ra vi phạm thì chỉ huy đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và trước pháp luật.

Cùng với đó là chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, tập trung vào các khu vực biển giáp ranh, chồng lấn, khu vực có nhiều tàu cá qua lại, khu vực thường xuyên có hành vi vi vi phạm; ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó chú trọng phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, chuộc tàu cá, ngư dân về nước trái phép.

Thủ tướng cũngyêu cầu Bộ Ngoại giao thựchiện công tác bảo hộ ngư dân, đề nghị các nước liên quan xử lý trên tinh thần nhân đạo, theo thông lệ quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; kiên quyết đấu tranh với các nước bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và người đứng đầu chính quyền các cấp tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với chính quyền các cấp, sở ngành liên quan để tàu cá và ngư dân thường xuyên vi phạm; báo cáo kết quả Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.8.2017. Trong thời gian tới, nếu không ngăn chặn được tình trạng vi phạm thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm; tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nâng cao trách nhiệm, năng lực hoạt động của Tổ công tác 689 địa phương.

Cùng với đó, bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; nếu chủ tàu không chi trả thì địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả. Tàu cá khai thác hải sản xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật Việt Nam, mở máy hoạt động 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát; lập danh sách, tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trước cộng đồng địa phương.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài