Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin; tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra.

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin

Lam Thanh | 02/12/2021, 17:31

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin; tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra.

Ngày 2.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2021.

Đánh giá tổng thể về kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực tới phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỉ USD, xuất siêu trở lại, thị trường lao động từng bước phục hồi rất nhanh…

Việc giải ngân cho an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đạt 29 nghìn tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra trước đó (26 nghìn tỉ đồng). Đây là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị. Lĩnh vực văn hóa tiếp tục quan tâm theo tinh thần văn hóa soi đường cho quốc dân đi, được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, không buông lỏng; các vấn đề tồn đọng được xử lý quyết liệt…

Tuy nhiên, các ý kiến tại phiên họp cũng chỉ ra còn không ít hạn chế, bất cập. Dịch bệnh diễn biến còn phức tạp và dự báo có thể tiếp tục phức tạp với các biến chủng mới, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng. Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn vấn đề này.

“Phải hết sức bình tĩnh, không lơ là, chủ quan cũng không lo sợ, hốt hoảng trong phòng chống dịch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công thức, phương châm phòng chống dịch đã được đúc rút, tổng kết”, Thủ tướng nêu.

Ngoài ra, kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn một số vấn đề về nợ xấu, lạm phát, an ninh kinh tế, đầu tư công, rủi ro của thị trường bất động sản, chứng khoán. An sinh xã hội còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục. Công tác quy hoạch, giải ngân đầu tư công còn chậm. An ninh, quốc phòng còn nhiều thách thức.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2021

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh; kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ tiêm vắc xin. Theo đó, vắc xin là giải pháp căn cơ, quyết định để kiểm soát dịch. Do đó, phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để bảo đảm tới giữa tháng 12, cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm cho người từ 12 tuổi; xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai tiêm mũi thứ 3.

Song song với đó, rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin; tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra và làm tốt công tác truyền thông, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất vắc xin trong nước và nhập khẩu vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả…

Cùng với việc tiêm vắc xin cho trẻ em, cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc của 6 tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 1962 ngày 22.11 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các văn bản, đề án, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, người nghèo, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết ấm áp, vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại hội nghị toàn quốc về văn hóa; khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án về chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và dự thảo đề án về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để trình cấp có thẩm quyền; tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng lưu ý một số nội dung như ưu tiên hoàn thiện thể chế, tập trung cho các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ba khâu đột phá chiến lược; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị để thu hút đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu rà soát việc bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin