Trung Quốc đang tìm cách trở thành "trung tâm đổi mới toàn cầu" bằng cách phát triển các phương pháp điều trị mù lòa và liệt.
Nhịp đập khoa học

Thượng Hải, Bắc Kinh đặt mục tiêu giúp Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu ngành giao diện não - máy tính

Sơn Vân 13/01/2025 11:21

Trung Quốc đang tìm cách trở thành "trung tâm đổi mới toàn cầu" bằng cách phát triển các phương pháp điều trị mù lòa và liệt.

Thượng Hải và Bắc Kinh đã triển khai các kế hoạch hành động đầy tham vọng cho ngành giao diện não – máy tính (BCI), với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này vào năm 2030. Thượng Hải và Bắc Kinh chính là hai thành phố lớn nhất Trung Quốc.

BCI cho phép giao tiếp trực tiếp giữa não bộ và các thiết bị bên ngoài thông qua kỹ thuật thần kinh và có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng như mù lòa, liệt cùng nhiều ứng dụng khác.

Thượng Hải đang hướng tới mục tiêu tự chủ trong các lĩnh vực cốt lõi của chuỗi ngành công nghiệp này và định vị mình là “trung tâm đổi mới toàn cầu cho các sản phẩm BCI” trong vòng 5 năm tới, theo kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2025-2030 được chính quyền thành phố công bố cuối tuần qua.

Trước đó, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã ban hành một kế hoạch tương tự cho cùng kỳ để đạt được "ảnh hưởng và năng lực cạnh tranh toàn cầu".

Trung Quốc đã đẩy nhanh đầu tư vào BCI và các lĩnh vực mới nổi khác khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng dựa trên công nghệ nhiều hơn trong bối cảnh kinh tế suy thoái và bị phương Tây kiềm chế.

BCI là trọng tâm chính của cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Ngoài việc được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, BCI còn có tiềm năng được sử dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục và giải trí.

Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thượng Hải mô tả đây là một trong những "công nghệ đột phá" và cho biết thành phố này nên hướng tới mục tiêu "nắm bắt cơ hội và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp tương lai" thông qua kế hoạch mới nhất.

Theo lộ trình từng giai đoạn, đến năm 2027, Thượng Hải dự kiến sẽ phát triển hơn 5 sản phẩm xâm lấn và bán xâm lấn đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng và có thể giúp bệnh nhân mắc chứng mất ngôn ngữ (một loại suy giảm ngôn ngữ do tổn thương não) hoặc liệt phục hồi một số chức năng ngôn ngữ và vận động.

Sản phẩm xâm lấn là các thiết bị hoặc công nghệ được đưa trực tiếp vào cơ thể người thông qua phẫu thuật hoặc các quy trình y tế khác để thực hiện chức năng cụ thể.

Trong lĩnh vực BCI, các sản phẩm xâm lấn thường bao gồm:

1. Thiết bị cấy ghép não


Được đặt trực tiếp vào não thông qua phẫu thuật để thu thập hoặc truyền tín hiệu thần kinh. Ví dụ: Các vi điện cực được cấy vào vỏ não để đọc tín hiệu từ tế bào thần kinh hoặc kích thích chúng.

2. Mục đích sử dụng

Y tế: Hỗ trợ điều trị các bệnh lý như liệt, động kinh, trầm cảm hoặc phục hồi chức năng sau tổn thương não.

Khôi phục chức năng: Giúp người mù lấy lại một phần thị lực hoặc hỗ trợ bệnh nhân liệt phục hồi khả năng vận động.

3. Ưu điểm

- Cho phép truy cập và xử lý tín hiệu thần kinh chính xác hơn so với các thiết bị không xâm lấn (như mũ đo sóng não EEG).

- Mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị và hỗ trợ bệnh nhân.

4. Nhược điểm và thách thức

- Quy trình cấy ghép phức tạp và tiềm ẩn rủi ro, như nhiễm trùng hoặc tổn thương mô não.

- Đòi hỏi công nghệ cao, chi phí đắt đỏ, và thời gian nghiên cứu phát triển dài.

Sản phẩm xâm lấn thường được sử dụng trong nghiên cứu và điều trị y tế, nhưng chúng cũng đang được phát triển để ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như công nghệ tương tác người -máy và quân sự.

Sản phẩm bán xâm lấn là các thiết bị hoặc công nghệ được đưa vào cơ thể người nhưng không yêu cầu can thiệp sâu hoặc không xâm phạm trực tiếp vào các mô sâu bên trong, chẳng hạn não bộ.

Đến năm 2030, hàng loạt sản phẩm xâm lấn và bán xâm lấn sẽ bước vào giai đoạn đăng ký và phê duyệt thiết bị y tế.

Những sản phẩm này sẽ giúp bệnh nhân mù phục hồi một phần thị lực, giúp người bị liệt lấy lại một số khả năng xúc giác và vận động, đồng thời cung cấp các lựa chọn điều trị mới cho những bệnh lý thần kinh như động kinh kháng thuốc và trầm cảm nặng.

Kế hoạch đó cũng đặt mục tiêu tạo ra một số công ty có “tầm ảnh hưởng toàn cầu” trong lĩnh vực này và xây dựng một chuỗi sản xuất phần lớn tự chủ, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR).

Kế hoạch của Bắc Kinh có ít mục tiêu cụ thể hơn nhưng cho biết thủ đô Trung Quốc nên "ban đầu hình thành" một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp này vào năm 2030. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu thu hút các công ty quốc tế hàng đầu đến thành phố để thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Kế hoạch này tuân theo chỉ thị quốc gia kêu gọi sử dụng công nghệ BCI trong các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Chỉ thị từ Quốc vụ viện, cơ quan hành chính cao nhất Trung Quốc, kêu gọi thành lập các dự án quốc gia lớn sử dụng công nghệ này cùng AI và robot hình người có thể cung cấp hình thức bầu bạn, để giúp chăm sóc số lượng người cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng.

Thị trường BCI thế giới có giá trị 2,4 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 6,5 tỉ USD trong 2030, theo báo cáo từ Grand View Research - công ty tư vấn có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ).

Theo nghiên cứu của Saudi Information Technology Company được công bố vào tháng 6.2024, Mỹ đang thống trị lĩnh vực này, với 44% các công ty công nghệ thần kinh BCI trên thế giới, trong đó Neuralink của Elon Musk là cái tên nổi bật. Trung Quốc chiếm 5%, ngang bằng với Anh, Canada và Đức.

Saudi Information Technology Company là hãng công nghệ thông tin có trụ sở tại Ả Rập Saudi, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ các lĩnh vực chiến lược của quốc gia, bao gồm an ninh mạng, AI, dữ liệu lớn và các dịch vụ kỹ thuật số khác.

thuong-hai-bac-kinh-dat-muc-tieu-giup-trung-quoc-dan-dau-toan-cau-o-nganh-giao-dien-nao-may-tinh.jpg
Thượng Hải và Bắc Kinh đã triển khai các kế hoạch hành động đầy tham vọng cho ngành BCI, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này vào năm 2030 - Ảnh: SCMP

Hồi tháng 8.2024, Đại học Phúc Đán (trường đại học hàng đầu Trung Quốc) đã thành lập một trung tâm nghiên cứu về BCI, công nghệ cho phép con người có khả năng điều khiển các thiết bị bên ngoài như máy tính hoặc chân tay robot bằng tâm trí.

Trung tâm trị giá 400 triệu nhân dân tệ (56 triệu USD) tại Đại học Phúc Đán được thành lập khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ đột phá trong cuộc đua giành vị thế thống trị với Mỹ, quốc gia dẫn đầu lâu năm trong nghiên cứu BCI.

Trung tâm nghiên cứu Neuromodulation và BCI của Đại học Phúc Đán (thành phố Thượng Hải) dự kiến ​​sẽ thúc đẩy đổi mới để công nghệ này có tiềm năng mang tính cách mạng trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn phục hồi thị lực cho người mù và khả năng vận động cho bệnh nhân bị liệt.

Neuromodulation là lĩnh vực trong y học tập trung vào việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh bằng các thiết bị y tế. Thay vì dùng thuốc uống hoặc tiêm truyền, neuromodulation sử dụng các phương pháp trực tiếp tác động lên hệ thần kinh để điều trị các bệnh lý liên quan.

Theo Shu Yousheng - Phó giám đốc của trung tâm này, quá trình công nghiệp hóa BCI sáng tạo đã bị kìm hãm do thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật từ các ngành khác. Trung tâm đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu bệnh não và ngành công nghiệp, Đại học Phúc Đán cho biết trên trang web của mình.

Trung tâm này đại diện cho sự tích hợp có hệ thống các nguồn lực liên quan đến khoa học não bộ của Đại học Phúc Đán, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy ứng dụng lâm sàng và công nghiệp hóa BCI, theo thông cáo báo chí.

Vào tháng 12.2021, chính quyền Thượng Hải đã liệt kê thiết bị phục hồi chức năng và đào tạo với công nghệ BCI là trọng tâm phát triển thiết bị y tế cao cấp theo kế hoạch 5 năm mới nhất của mình.

BCI, một trong những ngành công nghiệp tương lai được chính quyền trung ương Trung Quốc đặc biệt thúc đẩy là "lực lượng sản xuất chất lượng mới". Đây là khái niệm về phát triển công nghệ cao, sáng tạo do Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đưa ra năm 2023.

Vào tháng 1.2024, một hướng dẫn chính thức về phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và tương lai do Trung Quốc công bố đã nhấn mạnh đến công nghiệp hóa các công nghệ BCI.

Theo tài liệu, Trung Quốc khuyến khích "những đột phá trong các công nghệ và thiết bị quan trọng như hợp nhất não-máy tính và chip giống não, cũng như khám phá các ứng dụng trong một số lĩnh vực điển hình như phục hồi chức năng y tế".

Vào tháng 4.2024, chính quyền Bắc Kinh đã công bố lộ trình phát triển nhanh hơn ngành công nghiệp BCI, hướng đến những đột phá trong các công nghệ cốt lõi liên quan và ươm tạo nhiều công ty hàng đầu vào năm 2026. Ươm tạo là quá trình hỗ trợ và phát triển các ý tưởng, dự án hoặc doanh nghiệp mới để giúp chúng trưởng thành và phát triển.

Một phòng thí nghiệm BCI cũng đã được thành lập vào tháng 3.2023 tại thành phố cảng Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh. Hồi tháng 5.2024, phòng thí nghiệm đã thành lập Hiệp hội Hợp nhất BCI và Người-máy với sự tham gia của hơn 40 tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và công ty nhà nước, theo Cục khoa học và công nghệ Thiên Tân.

Mỹ đã dẫn đầu về công nghệ BCI trong nhiều năm, với những đóng góp nghiên cứu đáng kể từ Đại học California - Berkeley và Viện Công nghệ Massachusetts.

Khi cố gắng thu hẹp khoảng cách với Mỹ, Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự bùng nổ trong các bài báo nghiên cứu về chủ đề này.

Theo bài viết được bình duyệt ngang hàng xuất bản trên tạp chí Brain Informatics vào tháng 12.2023, số lượng ấn phẩm BCI tại Trung Quốc từ năm 2019 trở đi đã vượt Mỹ, vốn bắt đầu giảm trong giai đoạn này.

Bài liên quan
Các nhà khoa học Trung Quốc tiến gần hơn đến máy tính được điều khiển bằng ý nghĩ
Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã khai thác các kỹ thuật quan sát của nhà thiên văn học để nghiên cứu kỹ lưỡng một vật thể bí ẩn gần gũi hơn với chúng ta, đó là não cá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin
5 giờ trước Góc bình luận
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng Hải, Bắc Kinh đặt mục tiêu giúp Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu ngành giao diện não - máy tính