Bahrain là quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ vắc xin Sinopharm của Trung Quốc nhưng cũng là nước gần đây nhất nghi ngờ về hiệu quả của loại vắc xin này.
Làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất ở Bahrain
Năm 2020, Bahrain trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ vắc xin Sinopharm của Trung Quốc khi thông qua lệnh sử dụng khẩn cấp vắc xin này vào tháng 12. Động thái trên đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ cho tham vọng vắc xin toàn cầu của Trung Quốc, bất chấp những nghi ngại từ một số nhà khoa học về những dữ liệu an toàn và hiệu quả của vắc xin Sinopharm.
Hiện quốc gia vùng Vịnh này là nước gần đây nhất đặt ra những nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc. Các nhà chức trách Bahrain nhận định với truyền thông trong tuần này rằng, nước này sẽ cung cấp thêm các mũi vắc xin Pfizer-BioNTech cho những đối tượng có nguy cơ cao, những người đã nhận được 2 mũi tiêm vắc xin Sinopharm. Điều đó cho thấy họ không còn coi 2 mũi tiêm vắc xin Sinopharm đủ hiệu quả để bảo vệ mọi người trước dịch bệnh COVID-19 nữa giữa bối cảnh Bahrain đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua việc sử dụng khẩn cấp vắc xin Sinopharm, đánh dấu vắc xin đầu tiên do Trung Quốc phát triển được tổ chức toàn cầu này thông qua.
vắc xin do Sinpharm cùng với Viện Các sản phẩm Sinh học Bắc Kinh phát triển là nguồn cung vắc xin chủ yếu của Trung Quốc cho nhu cầu sử dụng nội địa. Mặc dù quá trình ban đầu diễn ra chậm chạp nhưng chiến dịch tiêm vắc xin của Trung Quốc đang tăng tốc dần. Các nhà chức trách nước này ước tính cho đến cuối năm nay, khoảng 80% dân số sẽ được tiêm phòng.
Tuy nhiên, tại Bahrain, chiến dịch tiêm chủng chủ yếu dựa vào vắc xin Sinopharm đến nay đã dẫn đến những kết quả phức tạp và không thể ngăn chặn được sự gia tăng số ca mắc mới.
Gần 50% dân số Bahrain được tiêm vắc xin đầy đủ nhưng quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất trong những tuần qua và chính phủ phải thực hiện lệnh phong tỏa trong 2 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát mạnh hơn.
Theo hãng thông tấn Bahrain, 1.936 ca mắc mới được ghi nhận ngày 3.6 ở nước này, nâng tổng số ca COVID-19 ở quốc gia 1,6 triệu dân này lên hơn 240.000 ca với hơn 1.000 trường hợp tử vong.
Waleed Khalifa al-Manea, Thứ trưởng Y tế Bahrain cho biết trên Wall Street Journal hôm 3.6 rằng những người được tiêm đầy đủ vắc xin Sinopharm đều trên 50 tuổi, trong khi những người béo phì hoặc mắc các bệnh nền được yêu cầu tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech, 6 tháng sau mũi tiêm Sinopharm cuối cùng.
Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chủ yếu dựa vào vắc xin Sinopharm trong chiến dịch tiêm chủng thần tốc thông báo họ sẽ cho triển khai tiêm thêm mũi vắc xin Sinopharm thứ ba vào giữa tháng 5, sau khi các nghiên cứu cho thấy một số người được tiêm vắc xin không có đủ kháng thể để chống lại SARS-CoV-2.
Tại Bahrain, người dân có thể sử dụng ứng dụng để đặt trước việc tiêm vắc xin. Mặc dù họ có thể chọn cả vắc xin Sinopharm và vắc xin Pfizer-BioNTech nhưng những người thuộc nhóm nguy cơ cao được khuyến cáo nên tiêm vắc xin của Pfizer.
Các đại diện của Sinopharm hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi.
Câu hỏi về hiệu quả của vắc xin
Bahrain không phải là quốc gia duy nhất - nơi mà chiến dịch tiêm vắc xin mở rộng trùng với thời điểm những làn sóng COVID-19 mới bùng lên. Tại Seychelles, Chile và Uruguay, tất cả những nước này đều sử dụng vắc xin Sinopharm hoặc vắc xin Sinovac trong chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng, số ca mắc vẫn tăng cao thậm chí cả khi số mũi tiêm được tăng cường.
Sự gia tăng số ca mắc ở Seychelles là "một trường hợp điển hình để cân nhắc về hiệu quả của một vài loại vắc xin cũng như ngưỡng để chúng ta có thể đạt được miễn dịch cộng đồng", Yanzhong Huang, một học giả cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại nhận định với Washington Post.
Một cơ quan của WHO hồi tháng trước cho biết vắc xin Sinopharm có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở những người từ 18 - 59 tuổi khi dẫn ra các số liệu trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Bahrain, Ai Cập, Jordan và UAE.
Hiệu quả của vắc xin này được cho là tương đương với hiệu quả của vắc xin AstraZeneca mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna, có hiệu quả hơn 90%.
Mặc dù lo ngại về hiệu quả của vắc xin Sinopharm, các chuyên gia cho biết vắc xin này vẫn hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp và có thể đóng vai trò đáng kể trong việc giải quyết tình trạng thiếu vắc xin trên toàn cầu.
Tuần này, hàng triệu liều vắc xin Sinopharm đã được sản xuất ở Bắc Kinh, đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến chia sẻ vắc xin COVAX của Liên Hợp Quốc. Đại diện Sinopharm hôm 2.6 cho biết họ hy vọng sẽ phân phối hơn 1 tỉ liều vắc xin bên ngoài Trung Quốc vào nửa cuối năm 2021.
Trong một diễn biến khác, WHO đã thông qua việc sử dụng khẩn cấp vắc xin Sinovac, cho biết vắc xin này đã ngăn ngừa các triệu chứng bệnh ở 51% những người được tiêm vắc xin và ngăn ngừa các ca bệnh nặng ở mức 100%. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết hiện chưa có đủ dữ liệu để ước tính về hiệu quả của vắc xin với những người trên 60 tuổi.