Tất cả những gì cần thiết để phá vỡ hệ thống phòng thủ COVID-19 được ca tụng nhất thế giới là một chút mất tỉnh táo khi làm một ngụm trà. Các quán trà đèn mờ vui vẻ ở Đài Loan đã góp phần làm dịch bùng phát

Những "quán trà sung sướng" đã đánh sập hệ thống phòng thủ COVID-19 của Đài Loan

Anh Tú | 01/06/2021, 12:09

Tất cả những gì cần thiết để phá vỡ hệ thống phòng thủ COVID-19 được ca tụng nhất thế giới là một chút mất tỉnh táo khi làm một ngụm trà. Các quán trà đèn mờ vui vẻ ở Đài Loan đã góp phần làm dịch bùng phát

Sau gần 18 tháng gần như không có dấu vết xuất hiện bệnh dịch, ngăn chặn thành công đại dịch coronavirus —gồm cả chuỗi ngày không có ca bệnh dài nhất thế giới — Đài Loan hiện đang ở trong vòng xoáy của đợt tăng COVID-19 lớn đầu tiên. Tổng số ca, dưới 1.300 từ đầu đại dịch, đã tăng lên hơn 3.100 chỉ trong khoảng một tuần. Nhiều văn phòng đã cho nhân viên về nhà, các đường phố ở  Đài Bắc sạch bóng người và chính quyền bắt đầu tìm cách đảm bảo vắc xin. Đáng lo, Đài Loan có tỷ lệ tiêm chủng thuộc loại tồi tệ nhất trong các nền kinh tế phát triển.

Sự bùng phát có thể khởi nguồn từ các máy bay chở hàng. Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng đã được bắt đầu từ hai nguồn: cuộc tụ họp của Câu lạc bộ Sư tử Quốc tế tại địa phương và các quán trà ở khu đèn đỏ Wanhua của Đài Bắc. Ban đầu hai cụm này được cho là không liên quan - cho đến khi một cựu chủ tịch của Câu lạc bộ Sư tử tiết lộ rằng ông có ghé đến một trong những quán trà.

quan-tra-3.jpg
Cảnh sát Đài Loan đột kích một quán trà

Những động thái của người đàn ông lục tuần được truyền thông Hoa ngữ đặt biệt danh là “Vua sư tử” này, cho thấy ông tiếp xúc ít nhất 115 người có khả năng lây nhiễm — và tiết lộ hòn đảo 23 triệu dân dễ bị tổn thương như thế nào trước một đợt bùng phát lớn.

Sau khi nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm hữu hiệu hàng đầu thế giới, Đài Loan dần bắt đầu mất cảnh giác vào mùa hè năm ngoái. Hàng nghìn người đã được phép quay trở lại các buổi hòa nhạc, các trận đấu bóng chày và các lễ hội tôn giáo. Các bữa tiệc lớn và các cuộc họp mặt gia đình ngày càng phổ biến trong lúc khẩu trang dần biến mất khi nhiều tháng trôi qua mà không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Sự bùng phát của Đài Loan hiện đang chứng tỏ là một phép thử về việc liệu một xã hội tương đối hoang sơ với COVID-19 có thể sử dụng một cách hiệu quả những bài học mà phần còn lại của thế giới đã nếm trải được một cách khó khăn hay không?

Cách phòng thủ COVID-19 của Đài Loan thất bại

Cuộc chiến chống lại COVID-19 của Đài Loan bắt đầu từ ngày 31.12.2019 — ngày mà các báo cáo đầu tiên xuất hiện về một bệnh viêm phổi do vi rút bí ẩn ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đến ngày 2.1.2020, các quan chức y tế bắt đầu sàng lọc những người đến từ Trung Quốc đại lục. Các nhà chức trách thiết lập kiểm tra thân nhiệt và kiểm soát biên giới mạnh mẽ hơn trong những tuần tiếp theo — thậm chí ngay trước khi Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận rằng vi-rút đã lây lan từ người sang người.

Đài Loan đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt tại các bệnh viện và là một trong những nơi đầu tiên đóng cửa biên giới và ra lệnh cách ly nghiêm ngặt đối với bất kỳ ai nhập cảnh. Khẩu trang đã được phân phát cho người dân và bắt buộc phải sử dụng ở những nơi công cộng vào tháng 3 năm ngoái. Trong khi đó, cảnh sát giám sát chặt chẽ khách du lịch để đảm bảo họ tuân thủ nghiêm túc các biện pháp cách ly và tiến hành truy vết nghiêm ngặt với những người nhiễm bệnh.

Nhờ vậy, giữa tháng 4.2020, Đài Loan chỉ có khoảng 400 trường hợp được xác nhận. Cùng thời đó, Mỹ đã báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm trùng mỗi ngày.

Tiến sĩ Chen Chien-Jen, người từng là nhân vật số 2 trong chính quyền Đài Loan cho đến tháng 5 năm ngoái, cho biết thành công đã đạt được là nhờ tích lũy kinh nghiệm trong 17 năm, kể từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục và khiến tử vong hàng chục người Đài Loan.

Chen, một nhà dịch tễ học và cựu Bộ trưởng y tế, đã giúp thiết kế và chỉ đạo các biện pháp kiểm soát COVID-19 của Đài Loan. Vậy tại sao những giao thức đó lại thất bại sau khi cầm cự thành công qua cơn đại dịch tồi tệ nhất?

Chen nói với TIME: “Khả năng sinh tồn sẽ tìm ra lối thoát cho nó, như câu nói nổi tiếng trong Công viên kỷ Jura. Vi rút sẽ luôn cố gắng tái tạo, đột biến và ngày càng lây nhiễm nhiều hơn”.

Phần lớn các trường hợp COVID-19 được báo cáo gần đây ở Đài Loan là biến thể được tìm thấy lần đầu tiên ở Anh, mà các nhà khoa học tin rằng nó dễ lây truyền hơn. Điều này phức tạp hơn là nhiều bệnh nhân chỉ có các triệu chứng nhỏ hoặc không có triệu chứng nào và không biết họ đang lây lan COVID-19 cho đến khi quá muộn.

Đây dường như là những gì đã xảy ra trong trường hợp "Vua sư tử" đầu bài viết. Hàng chục người đã tiếp xúc với nhóm Câu lạc bộ Sư tử, đã bị lây nhiễm bởi một hoặc nhiều người mang mầm bệnh mà không hay biết.

Tuy nhiên, việc tuân thủ lỏng lẻo các giao thức an toàn tại Đài Loan cũng đóng một vai trò nhất định. Đợt bùng phát cộng đồng hiện tại của Đài Loan bắt đầu vào tháng 4 với các máy bay chở hàng tại khách sạn Novotel ở Sân bay Quốc tế Đào Viên (Đài Bắc). Khách sạn đã vi phạm các quy tắc COVID-19 khi cho thành viên đội bay được cách ly nhà ở và cho cả những người không bị cách ly trong cùng tòa nhà với đội bay. Vào giữa tháng 4, Đài Loan cũng đã hạ các yêu cầu kiểm dịch đối với các tổ bay không tiêm phòng từ 5 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Kết quả, có ít nhất 29 ca mắc có liên quan đến cụm khách sạn, gồm cả nhân viên khách sạn. Các quan chức cho biết các trường hợp ở cụm Novotel, cụm Câu lạc bộ Sư tử và cụm trường hợp ở khu đèn đỏ của Wanhua đều bị nhiễm cùng một dòng coronavirus — cho thấy chúng có một nguồn chung.

Các cửa hàng trà trở thành nơi lây truyền COVID-19

Giáo sư Chen cũng thừa nhận rằng ông và những người khác đứng sau chương trình giám sát COVID-19 của Đài Loan chưa bao giờ hình dung các quán trà ở Đài Loan sẽ dễ bị lây lan COVID-19 như cháy rừng.

quan-tra.jpg
Các chị em ngành trà - Ảnh: Internet

Nhiều quán trà ở Wanhua tương đối dễ dãi: khách hàng chủ yếu là những người đàn ông lớn tuổi uống trà với các nữ tiếp viên trẻ trung hơn kiểu như trò chuyện bạn bè. Tuy nhiên, một số báo cáo nói rằng hoạt động như vậy chỉ là bình phong cho các nhà chứa và sử dụng phụ nữ nhập cư ở Đài Loan bất hợp pháp.

Không khó để thấy COVID-19 sẽ lây lan dễ dàng như thế nào trong một môi trường như vậy. Các cửa hàng như vậy thường kém thông thoáng và thiếu ánh sáng. Việc khách quen đi “bar-hop” từ cửa hàng này sang cửa hàng khác và hòa nhập với nhiều nữ tiếp viên và khách quen khác cũng là điều phổ biến. Freddy Lim, một dân biểu ở Wanhua nhận định: “Bạn không thể nào đeo khẩu trang trong quán trà, bất kể đó là quán trà đèn mờ hay chỉ là những quán trà bình thường vì ở đó bạn có hoạt động ăn, uống, hát hò”.

Thêm vào đó, các khách hàng không muốn nói với những người xung quanh — hoặc gia đình của họ — rằng họ đã đến một khu vực tai tiếng như vậy, cả người lao động ở đó cũng vậy và khu đèn đỏ ở Wanhua đã trở thành chất xúc tác cho hơn 1.000 ca nhiễm COVD-19 được báo cáo trên khắp Đài Loan.

Chen nói rằng các quan chức y tế không tin rằng các quán trà sẽ có vấn đề vì hai ca nhiễm trước đó đã đến các địa điểm được gọi là "giải trí dành cho người lớn" mà không dẫn đến việc truyền bệnh.

Sự thiếu hụt vắc xin của Đài Loan

Một lý do chính khác khiến COVID-19 tăng đột biến ở Đài Loan là do vi rút này đã dễ dàng phát tán ở mảnh đất còn nguyên sơ với miễn dịch. Rất ít người đã tiếp xúc COVID-19 và do đó rất ít người có kháng thể. Việc triển khai tiêm chủng của Đài Loan cũng hầu như không tồn tại.

Đài Loan chỉ nhận được 300.000 liều vắc-xin AstraZeneca trước khi dịch bệnh bùng phát và chỉ ít hơn 2% dân số được chủng ngừa. Đó là một con số rõ ràng thể hiện Đài Loan bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong việc triển khai vắc xin.

Vấn đề còn là cung và cầu. Việc thiếu vi rút trên hòn đảo có nghĩa là hầu hết người dân Đài Loan không thấy cấp bách trong việc tiêm phòng. Tỷ lệ các tác dụng phụ, bao gồm cả sự xuất hiện cục máu đông rất hiếm khi dùng vắc-xin AstraZeneca, lại được báo chí địa phương đưa tin rất nhiều. Một cuộc khảo sát của YouGov vào đầu tháng 5 cho thấy chỉ 40% người Đài Loan cho biết họ sẵn sàng tiêm vắc xin — thấp thứ hai trong số 21 địa điểm được thăm dò ý kiến ​​trên khắp thế giới. Rồi đến khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu sử dụng vắc xin đã tăng đột biến.

Chen cho biết, Đài Loan cũng đợi cho đến khi vắc-xin COVID-19 được các cơ quan quản lý khác cho phép mới bắt đầu thực hiện các giao dịch mua lại. Đến lúc đó, hầu hết các lô đầu tiên đã được các chính phủ khác vốn bắt đầu đặt hàng từ lâu, thâu tóm. Vì vậy, đến khi Đài Loan bảo đảm khoảng 20 triệu liều vắc xin từ nhiều nguồn khác nhau, thì hòn đảo này đã lạc hậu hơn so với hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Trung Quốc đã đề nghị cung cấp liều vắc-xin nhưng các quan chức Đài Loan cáo buộc đại lục đang có ý đồ chính trị và không mặn mà với đề nghị này. Đồng minh là Mỹ đã cam kết giúp đỡ khi xả kho dự trữ hàng triệu liều AstraZeneca. Vào 28.5, 400.000 liều đã đến từ COVAX, chương trình phân phối vắc xin quốc tế.

Hai loại vắc xin được phát triển trong nước của Đài Loan có nhiều khả năng sẽ lấp đầy khoảng trống. Chính phủ đã hứa sẽ bắt đầu triển khai chúng vào tháng 7 sau khi hoàn thành các thử nghiệm an toàn Giai đoạn 2, đã được thực hiện trên 4.000 đối tượng thử nghiệm cho mỗi loại vắc xin. Chen nói rằng các nghiên cứu chưa được công bố về hai loại vắc xin cho thấy chúng kích thích mức độ kháng thể tương tự như các loại vắc xin khác đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chống lại COVID-19. Chính phủ có kế hoạch cấp phép cho vắc-xin trước khi hoàn thành các thử nghiệm hiệu quả Giai đoạn 3.

Học hỏi từ những sai lầm của thế giới

Chính quyền Đài Loan đã phản ứng nhanh chóng với sự gia tăng trong các trường hợp: Họ đã mở các trung tâm xét nghiệm tại các điểm nóng, hạn chế quy mô tụ tập, bắt đầu thực thi các quy định về khẩu trang với mức phạt nặng, đóng cửa trường học và kêu gọi người dân ở nhà.

Nhưng vũ khí hiệu quả nhất của Đài Loan trong việc chống lại COVID-19 có thể là người dân của họ. Trong khi hầu hết các đợt tăng ca mới trên toàn thế giới đều phải đối mặt với sự mệt mỏi gia tăng do đại dịch và ít chịu tuân thủ các quy tắc cách xã hội, thì hầu hết người dân Đài Loan thậm chí còn thận trọng hơn cả chính phủ.

Khi các ca bệnh bắt đầu tăng đột biến, mọi người đổ xô đến các siêu thị, dọn sạch các kệ thực phẩm và cả giấy vệ sinh. Các con phố thường đông đúc của Đài Bắc đều vắng bóng người vì hầu hết mọi người chọn ở nhà. Nhiều nhà hàng đã tự nguyện đóng cửa hoặc cấm ăn uống tại chỗ và những nhà hàng vẫn cố chấp mở cửa thì phòng ăn của họ giờ hầu như chẳng còn ai.

quan-tra-2.jpg
Các quán trà giờ cũng vắng khách - Ảnh: Internet

Đánh bại làn sóng COVID-19 này đã trở thành một điểm đáng tự hào. Sau khi chính quyền áp đặt các hạn chế về đại dịch cấp độ 3 — cấp độ cách ly hoàn toàn — dân cư mạng đua nhau đăng thông điệp thề sẽ dập tắt sự gia tăng trong thời gian ngắn.

Ya-chu Chuang, một dân lập trình tự do 28 tuổi, đang làm việc tại nhà, nhưng không thể tránh khỏi việc đến nơi làm việc của vào một ngày trong tuần này. Khi đến nơi, cô đã trải qua một thói quen tuy mới đối với mình nhưng đã quá quen thuộc trên khắp thế giới trong 18 tháng qua. Cô ấy xịt cồn xuống bàn làm việc và làm mọi cách để tránh xa những người khác trong văn phòng.

Cô ấy cảm thấy nhiệm vụ của mình là phải làm những gì có thể để giúp giảm sự lây lan của COVID-19 càng nhanh càng tốt. “Tôi biết rằng chúng tôi đang trải qua những gì đã xảy ra ở nước ngoài khoảng một năm trước. Một khi tất cả chúng ta làm những gì có thể và làm theo hướng dẫn, chúng ta sẽ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những "quán trà sung sướng" đã đánh sập hệ thống phòng thủ COVID-19 của Đài Loan