Ông Nguyễn Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thời gian gần đây loài sâu đầu đen đã gây hại cho các vườn dừa trong tỉnh. Loài sâu này cắn phá lá dừa, trái dừa dẫn đến chết cây. Việc diệt trừ loài sâu này rất khó khăn, tốn kém”.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tiền Giang: Sâu đầu đen tàn phá hàng trăm hecta dừa

V.K.K - Mỹ Tho 22:07 09/08/2024

Ông Nguyễn Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thời gian gần đây loài sâu đầu đen đã gây hại cho các vườn dừa trong tỉnh. Loài sâu này cắn phá lá dừa, trái dừa dẫn đến chết cây. Việc diệt trừ loài sâu này rất khó khăn, tốn kém”.

dua-1.jpg
Sâu đầu đen tấn công vườn dừa ở Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Trần Quốc Tuấn, chủ nhà vườn trồng 4 công dừa tại ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết đã 4 lần phun thuốc hóa học diệt sâu đầu đen nhưng chúng vẫn tái phát. “Sâu này xuất hiện khoảng 3 - 4 tháng nay, gây ảnh hưởng rất lớn đối với cây dừa. Chúng ăn lá làm lá héo lại, và ăn cả trái dừa. Hiện nay sâu đang tấn công mạnh các vườn dừa khiến dân lo lắm. Dân khu vực này sống nhờ cây dừa thôi”, ông Tuấn nói.

Các vườn dừa ở tỉnh Tiền Giang bị sâu đầu đen phá hại hơn một năm qua, nhưng vài tháng nay sâu bùng phát mạnh, trong đó xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là tâm điểm của nạn sâu này.

dua-7.jpg
Nông dân xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thất thu dừa do sâu bệnh - Ảnh: Mỹ Tho

Xã Xuân Đông có diện tích 668ha, trong đó có khoảng 192ha dừa. Hiện có 442 hộ trồng dừa bị sâu đầu đen gây hại. Có một số vườn chậm phòng ngừa nên đã bị sâu gây thiệt hại 100%. Biện pháp đối phó với sâu đầu đen của các nhà vườn địa phương là dùng bình xịt chạy bằng điện phun hóa chất vào ngọn dừa, lá dừa. Song do cây dừa tại đây nhiều năm tuổi, có cây cao hàng chục mét nên việc phun thuốc rất khó khăn, nhiều nhà vườn còn chăn nuôi heo, gà dưới tán vườn dừa nên ngại phun hóa chất.

dua-3.jpg
Nhiều nhà vườn ở Tiền Giang lo lắng vì sâu đầu đen phá hại cây dừa - Ảnh: Mỹ Tho

Bà Đồng Thị Xuân (68 tuổi, ngụ tại xã Xuân Đông) cho biết: “Gia đình sống nhờ 5 công vườn dừa nhưng vài tháng nay sâu đầu đen gây hại, dừa rụng trái không có thu hoạch. Gia đình phun thuốc 4 lần vẫn không hiệu quả. Sâu ăn làm cây rũ bẹ xuống, trái cũng bị sâu ăn rụng xuống đất. Chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ tiền mua thuốc diệt trừ sâu, vì gia đình đã phun nhiều lần, giờ thiếu tiền để tiếp tục mua thuốc”.

dua-5.jpg
Nông dân dùng máy phun thuốc diệt sâu đầu đen - Ảnh: Mỹ Tho

Sau khi sâu đầu đen bùng phát trên các vườn dừa, chính quyền xã Xuân Đông đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, tỉnh hướng dẫn người dân ngăn ngừa. Mỗi ấp đã thành lập 1 tổ đến vận động trực tiếp người dân phun thuốc.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết xã có hơn 95% hộ dân có trồng dừa nên việc phòng chống dịch sâu, bảo vệ vườn dừa đang rất cấp thiết. "Hiện xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập mỗi ấp một tổ để xuống vận động, nắm tình hình. Thứ nhất là điều tra chính xác diện tích bị thiệt hại; thứ hai là vườn nào đã có phun thuốc và hiệu quả như thế nào, từ đó hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện. Riêng những hộ đơn chiếc xã sẽ nghiên cứu điều động lực lượng xung kích đến hỗ trợ. Xã cũng sẽ tham mưu cho huyện mời nhà khoa học và Sở NN-PTNT hỗ trợ", ông Mười nói.

dua-6.jpg
Người dân dùng phương pháp thủ công phun thuốc diệt sâu đầu đen - Ảnh: Mỹ Tho

Sở NN-PTNT Tiền Giang đã cử cán bộ xuống địa phương có sâu đầu đen cắn phá cây dừa, phối hợp huyện chỉ đạo cơ quan khuyến nông, UBND xã điều tra, nắm lại tình hình để có giải pháp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn huyện Chợ Gạo có 211ha dừa bị sâu đầu đen phá hại. Trong đó, nhiều nhất là tại xã Xuân Đông với 191ha; xã Hòa Định gần 17ha và An Thạnh Thủy 1,5 ha. Tỷ lệ dừa bị sâu gây hại khoảng 60 - 70%, có một số khu vực bị 100%. Có một số diện tích dừa bị sâu phá gần như không còn khả năng phục hồi.

dua-4.jpg
Sâu đầu đen ban đầu cắn phá từ lá dừa - Ảnh: Mỹ Tho

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin về sâu đầu đen hại dừa, vận động người dân chủ động phun thuốc đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…

Vườn dừa thương phẩm tại xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) cũng như các địa phương lận cận đang bị sâu đầu đen tàn phá. Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn chưa thể tiêu diệt được loại sâu gây hại này. Do đó, các giải pháp phòng chống nạn sâu đầu đen phá dừa muốn hiệu quả phải có tính cộng đồng, đồng loạt và cấp bách mới có thể cứu vãn vườn dừa nơi đây.

dua-9.jpg
Sâu đầu đen tàn phá khiến cây dừa suy kiệt rồi chết - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Nguyễn Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi đã rất cố gắng trong việc tập huấn, hướng dẫn quy trình. Trở ngại là nông dân vùng này có một số hộ nuôi heo, một số hộ trồng dừa bỏ đi làm ăn xa dẫn đến khó khăn trong việc phun thuốc diệt sâu đầu đen. Một số hộ chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, không chịu phun thuốc nên sâu đầu đen lây lan nhiều. Ngành nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch để tìm nguồn vốn hỗ trợ nhà vườn trồng dừa. Vì hiện tại không đủ điều kiện công bố dịch nên chưa có các chính sách hỗ trợ, nên ngành nông nghiệp chỉ có thể hỗ trợ cho những người không đủ điều kiện mua thuốc diệt sâu đầu đen”.

Dân trồng dừa Tiền Giang diệt sâu đầu đen bằng phương pháp thủ công - Ảnh: Mỹ Tho
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Sâu đầu đen tàn phá hàng trăm hecta dừa