Theo Bộ Tài chính, việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước để chống lãng phí.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước

Tuyết Nhung 18/12/2024 19:05

Theo Bộ Tài chính, việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước để chống lãng phí.

Chiều 18.12, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề nhằm cung cấp thông tin chi tiết về Tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

btc.png
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định đây là nhiệm vụ trọng điểm nhằm thực hiện các nghị quyết quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, góp phần thúc đẩy quản lý hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong giai đoạn 2024-2025.

Theo Quyết định số 213 ngày 1.3.2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai tổng kiểm kê. Nội dung kiểm kê bao quát nhiều loại tài sản, từ tài sản cố định tại các cơ quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng. Cùng với đó là các mục tiêu lớn như cải thiện chính sách, hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp số liệu chính xác cho các báo cáo quốc gia.

Đối tượng, mục tiêu và kế hoạch triển khai đối tượng tài sản kiểm kê theo Đề án 213, phạm vi kiểm kê tài sản bao gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, bao gồm các tài sản cố định thuộc quy định tại khoản 1 điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ngoại trừ tài sản đặc biệt của lực lượng vũ trang hoặc tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý bao gồm nhiều loại hình hạ tầng quan trọng như đường bộ, đường sắt, hàng không, hạ tầng cấp nước, thủy lợi, chợ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các thiết chế văn hóa - thể thao ở cấp cơ sở.

Thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0 giờ ngày 1.1.2025. Các tài sản hình thành sau thời điểm này sẽ không nằm trong phạm vi kiểm kê lần này.

Việc kiểm kê được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng tài sản công về số lượng, giá trị, cơ cấu và tình trạng sử dụng; làm cơ sở hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ báo cáo về tài sản công và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Tài chính sẽ rà soát pháp luật và thực hiện kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ và 6 địa phương gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải; Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Kạn và Quảng Ninh.

Bộ Tài chính cũng đã phát triển phần mềm kiểm kê tài sản công. Công cụ này hỗ trợ thống kê và báo cáo số liệu kiểm kê; ban hành biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê, tập huấn nghiệp vụ trực tiếp và trực tuyến, đồng thời phát hành video hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện.

Bộ Tài chính cho hay, tính đến ngày 18.12.2024, có 44/45 bộ, cơ quan trung ương và toàn bộ 63 địa phương đã hoàn tất thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê; 100% các đơn vị đã ban hành kế hoạch chi tiết. Có 41/45 bộ, cơ quan trung ương và toàn bộ địa phương đã hoàn thành tập huấn cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Nhìn chung, công tác chuẩn bị và triển khai của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ theo Đề án 213.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết một số khó khăn vẫn tồn tại do nhận thức chưa đầy đủ từ một số cấp ủy, chính quyền và khối lượng công việc lớn trên toàn quốc. Mặc dù quy định yêu cầu kiểm kê và hạch toán tài sản hàng năm nhưng thực tế cho thấy nhiều nơi vẫn thực hiện chưa đầy đủ. Một số tài sản như quyền sử dụng đất chưa được định giá chính xác, hoặc chưa có quy định cụ thể để đánh giá. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp số liệu và giá trị tài sản hiện tại chưa phản ánh đúng nguồn lực thực tế.

Khó khăn và thách thức trong quá trình kiểm kê phạm vi của đợt tổng kiểm kê rất lớn, với gần 100.000 đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê. Đặc biệt, tài sản kết cấu hạ tầng như đê điều, đường bộ hay các công trình công cộng lâu đời thường thiếu tài liệu, hồ sơ bàn giao, gây khó khăn trong xác định giá trị và thông tin chi tiết.

Thêm vào đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính cũng cũng có tác động đến công tác kiểm kê. Những tài sản của các cơ quan sáp nhập, hợp nhất cần được chuyển giao đầy đủ đến đơn vị mới tiếp nhận để tránh lãng phí hoặc thất thoát. Bộ Tài chính đã dự liệu trước tình huống này và hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp để đảm bảo tài sản được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra khoảng trống.

Trong quá trình kiểm kê, các bộ, ngành, địa phương cần báo cáo ngay những tài sản dôi dư hoặc không sử dụng đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Các cơ quan, đơn vị sẽ kê khai thông tin chi tiết về hiện trạng tài sản, từ đó giúp thẩm định và bổ sung số liệu chính xác.

Tổng kiểm kê tài sản công không chỉ là một nhiệm vụ hành chính mà còn là giải pháp chiến lược để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý tài sản công. Đây là lần đầu tiên một cuộc kiểm kê với quy mô toàn quốc và độ phức tạp cao được triển khai, góp phần minh bạch hóa công tác quản lý tài sản công, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thất thoát.

Bài liên quan
Thủ tướng trả lời ĐBQH tỉnh Lâm Đồng về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng tài sản công
Trả lời ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Thủ tướng cho biết nội dung định hướng chương trình thanh tra năm 2022 đã bao gồm nội dung thanh tra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
4 giờ trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước