Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Xuất khẩu tôm mang về gần 3,6 tỉ USD

Tuyết Nhung 18/12/2024 09:15

Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 18.12 cho biết xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận ở mức 2 con số.

Xuất khẩu tôm cho thấy tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Tháng 11.2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc - Hồng Kông và EU vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng 1 con số.

Tháng 11.2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 55 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang thị trường này, đạt 702 triệu USD, tăng 10%. Giá tôm bán buôn tại Mỹ chứng kiến mức tăng rộng trong tuần thứ 2 của tháng 12. Giá tăng có thể do lo ngại về việc vận chuyển và chi phí nói chung cao hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhu cầu mua sắm và tiêu thụ trong kỳ nghỉ tại Mỹ được dự kiến tăng trưởng tích cực.

Tính tới tháng 11.2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc - Hồng Kông ghi nhận mức tăng trưởng tốt 34% đạt 761 triệu USD. Nhu cầu tiêu thụ tôm phục vụ Tết Nguyên đán làm tăng nhập khẩu tôm của thị trường này, khiến thị trường này vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất trong 11 tháng đầu năm nay.

Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy nhiên, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn có những thách thức nội tại cần sớm vượt qua để có sự tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó, cần nâng cao các vấn đề về kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu, để góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị xuất khẩu con tôm và thu nhập cho người nuôi tôm.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán.

Ngoài ra, người nuôi cần nắm bắt được xu hướng chuyển đổi đối tượng nuôi; xu hướng nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững; xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đặc biệt là sự liên kết sản xuất theo chuỗi ngành gắn với các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một thông tin vui đối với ngành tôm là ngày 22.10.2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với thuế AD, tuy nhiên phải nhận mức thuế CVD trung bình là 3,78%. Ngược lại, tôm Indonesia nhận kết quả tích cực với thuế CVD nhưng phải nhận mức thuế AD trung bình là 3,90%.

Tôm Việt Nam có kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.

VASEP nhận định năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường.

Dự kiến, giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024, tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ, do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm. Với những kết quả và tình hình hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2024 sẽ đem về 3,7 - 3,8 tỉ USD...

Bài liên quan
Cà Mau: Dịch bệnh khiến người nuôi tôm công nghiệp gặp khó
Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thất thường, điều này khiến môi trường nước trong ao nuôi không ổn định, dẫn tới việc tôm dễ bị nhiễm bệnh. Người nuôi tôm đang gặp không ít khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu tôm mang về gần 3,6 tỉ USD