Vướng mắc tại các dự án lớn, chậm tiến độ tại TP.HCM sẽ được thành phố giải quyết ngay đầu năm 2019 để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng.

TP.HCM gỡ vướng tại nhiều dự án có vốn ‘khủng’

12/01/2019, 06:00

Vướng mắc tại các dự án lớn, chậm tiến độ tại TP.HCM sẽ được thành phố giải quyết ngay đầu năm 2019 để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng.

Dự án chống ngập có tính tới biến đổi khí hậu sẽ sớm được tái khởi động - Ảnh: Internet

Theo đó, trước các lo lắng về việc chậm tiến độ dự án metro số 1 do giải ngân chậm, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 diễn ra gần đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Chính phủ sẽ phối hợp với TP.HCM để giải quyết những vướng mắc liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trước mắt, TP.HCM đã ra quyết định điều chuyển Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường về làm Trưởng ban đường sắt đô thị. Nếu làm tốt thì tuyến metro số 1 cơ bản có thể hoàn thành cuối năm 2020.

Còn tại dự án chống ngập có tính tới biến đổi khí hậu trị giá gần 10.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ khởi động lại dự án từ tháng giêng năm nay, cố gắng hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020. Theo ông Nhân, sở dĩ dự án bị dừng lại chủ yếu do quy chế phối hợp giữa các cơ quan chưa đồng bộ dẫn tới giải ngân chậm.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục để dự án tái khởi động sớm nhất. Trong đó, Trung tâm Chống ngập TP.HCM được yêu cầu tổ chức kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ khối lượng công việc hoàn thành phục vụ giải ngân khoản vay cho dự án.

Hiện tại, chủ đầu tư là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đang hoàn thành các khâu để tái khởi động dự án ngay sau Tết Nguyên đán và đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa dự án hoạt động vào cuối năm 2019.

Bên cạnh 2 dự án lớn trên, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) đã tạm dừng trong năm 2018 để chờ hướng dẫn của Thủ tướng cũng sẽ được giải quyết theo Nghị quyết 160 ngày 28.12.2018 của Chính phủ.

Cụ thể, với những dự án đã ký kết hợp đồng BT trước ngày 1.1.2018 sẽ được tiếp tục triển khai như thỏa thuận. Còn dự án ký hợp đồng từ thời điểm này về sau sẽ phải rà soát lại. Nếu thấy phù hợp về pháp lý hiện hành thì được thực hiện tiếp. Trường hợp có điểm chưa phù hợp sẽ phải được điều chỉnh.

Trong khi đó, các dự án BT đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa ký hợp đồng thì sẽ được đàm phán, ký kết trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Liên quan đến các dự án đầu tư công, theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, tính từ năm 2011 đến nay, TP.HCM đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách là 180.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2016 - 2018 là gần khoảng 75.000 tỉ đồng. Vốn đầu tư công tập trung ưu tiên vào các công trình trọng điểm, cũng như 7 chương trình đột phá của thành phố.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại ngày càng giảm so với giai đoạn trước đây, TP.HCM đã chủ động huy động các nguồn vốn khác thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, kêu gọi nguồn vốn hợp tác công tư, xã hội hóa.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, tổng số vốn đầu tư công từ ngân sách TP.HCM đã giải ngân trong giai đoạn 2011 - 2018 là khoảng 160.000 tỉ đồng, đạt 90% tổng kế hoạch vốn được giao.

Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất TP.HCM tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả đầu tư công và nâng cao tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công. Trong đó, thường xuyên rà soát kiến nghị, góp ý cho Trung ương sửa đổi các nội dung còn bất cập, chồng chéo giữa các luật và nghị định để tạo ra sự đồng bộ, thuận lợi và hợp lý khi thực hiện các dự án đầu tư công.

Vào hằng quý sẽ thường xuyên lập các đoàn kiểm tra rà soát tiến độ thực hiện các dự án, kịp thời điều chỉnh vốn các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hạn chế tối đa tình trạng kéo dài thực hiện dự án quá thời gian quy định.

Đặc biệt, tiến độ triển khai thực hiện theo nguyên tắc là huy động nguồn vốn đến đâu thì bố trí kế hoạch vốn đến đó, phấn đấu tổng thu ngân sách đạt chỉ tiêu, quản lý thu có hiệu quả để tạo nguồn thu chi cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, cơ quan này sẽ chủ động tìm kiếm đề xuất nhà đầu tư và thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa đầu tư cho tất cả các ngành, lĩnh vực thông qua phương thức đầu tư hợp tác công tư; chương trình kích cầu để huy động thêm nguồn vốn đầu tư cho xã hội góp phần giảm áp lực ngân sách cho thành phố.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM gỡ vướng tại nhiều dự án có vốn ‘khủng’