Nếu bên bán không bàn giao các vấn đề nói trên, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài bị che giấu thông tin, khi ấy bên bán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dĩ nhiên đây chỉ là giả thiết và cần thiết phải xem lại văn bản bán - mua doanh nghiệp có ghi những vấn đề nguyên tắc đó hay không", PGS.TS Nguyễn Đình Hựu nói.

Cần làm rõ nhà đầu tư Thái Lan có biết Sabeco nợ thuế trước khi bán hay không?

08/01/2019, 14:55

Nếu bên bán không bàn giao các vấn đề nói trên, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài bị che giấu thông tin, khi ấy bên bán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dĩ nhiên đây chỉ là giả thiết và cần thiết phải xem lại văn bản bán - mua doanh nghiệp có ghi những vấn đề nguyên tắc đó hay không", PGS.TS Nguyễn Đình Hựu nói.

Đang tạm dừng cưỡng chế thuế đối với Sabeco - ảnh minh họa

Liên quan đến câu chuyện cưỡng chế thuế của Cục thuế TP.HCM đối với Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB), trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc cưỡng chế thuế của nói trên là đúng với luật và yêu cầu của quá trình truy thu thuế, bởi sau khi thông báo trong một thời hạn quy định mà không nộp thì sẽ cưỡng chế

Theo ông Thịnh, cưỡng chế thuế là việc “không sung sướng gì” đối với cơ quan thuế. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan thuế có bộ phận cưỡng chế, điều tra đối với các doanh nghiệp không nộp thuế. Ví dụ ở Pháp, họ có một bộ phận gọi là cảnh sát thuế để cưỡng chế thuế đối với cá nhân, doanh nghiệp không nộp thuế.

Ở Việt Nam theo ông Thịnh, việc Sabeco phản đối cơ quan thuế là quyền của họ, do có vấn đề chưa thống nhất được với cơ quan thuế.

“Việc chỉ đạo của Thủ tướng cũng có thể là muốn cho các doanh nghiệp nước ngoài như Sabeco nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung có thời gian phản hồi đầy đủ, để họ phải tâm phục, khẩu phục. Chỉ đạo của Thủ tướng chỉ tạm dừng cưỡng chế chứ không có nghĩa là không cưỡng chế”, ông Thịnh nói.

Cũng theo chuyên gia này, nếu không thu được thuế thì sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đình Hựu - nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (Kiểm toán Nhà nước) thì về nguyên tắc, khi nhà đầu tư mua lại Sabeco, trở thành ông chủ mới của doanh nghiệp này nghĩa là nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm cả về quá khứ, hiện tại và tương lai của doanh nghiệp, thừa kế cả quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, bao gồm cả những công nợ trước đây của doanh nghiệp.

Theo đó, trong quá trình thương thảo bán Sabeco cho nhà đầu tư Thái Lan, nếu hồ sơ không thể hiện rõ phần công nợ bao gồm cả khoản nợ thuế nói trên mà nhà đầu tư không biết thì họ không có nghĩa vụ phải trả. Tuy nhiên, khi bán doanh nghiệp, nhà đầu tư phải được bàn giao toàn bộ thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh, trong đó có các khoản phải thu, khoản phải trả... của doanh nghiệp.

“Nếu bên bán không bàn giao các vấn đề nói trên nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài bị che giấu thông tin, khi ấy bên bán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dĩ nhiên đây chỉ là giả thiết và cần thiết phải xem lại văn bản bán - mua doanh nghiệp có ghi những vấn đề nguyên tắc đó hay không", ông Hựu nói.

Nếu trong trường hợp văn bản bán - mua Sabeco không ghi rõ về khoản nợ thuế thì theo ông Hựu, cơ quan tư vấn định giá tài sản Sabeco cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã đánh giá thiếu minh bạch, trung thực và khách quan, khiến người mua bị sai lạc, đương nhiên cơ quan tư vấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Đối với nhà đầu tư ngoại - là bên mua - cũng phải chịu trách nhiệm một phần vì đã không tìm hiểu đến nơi đến chốn. Nhưng về căn bản, trách nhiệm chính nằm ở bên bán đã che giấu thông tin làm bên mua bị mất phương hướng, sai lạc", ông Hựu nhận định.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính và UBND TP.HCM về việc chưa xử lý cưỡng chế 3.100 tỉ đồng tiền thuế từ Sabeco.

Văn bản cho biết, trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc chậm nộp thuế và tiền phạt vi phạm hành chính thuế của Sabeco, giao Bộ Tài chính, UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, việc cưỡng chế 3.100 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn 2007 - 2015, tiền phạt chậm nộp từ Sabeco do có yếu tố nước ngoài, nên hiện được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi trình Thủ tướng quyết định.

Trước đó vào ngày 28.12.2018, Sabeco nhận được 5 quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco để thi hành Thông báo số 20080/TB-CT ngày 24.12.2018 của Cục Thuế TP.HCM.

Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỉ đồng.

Cụ thể, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco; trong đó số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 - 2015 hơn 2.645 tỉ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các tài khoản Sabeco sử dụng để đăng ký trên Sở Kế hoạch - Đầu tư đều không còn tiền nên Cục Thuế cũng chỉ tiến hành phong tỏa các tài khoản này chứ chưa thu được tiền.

Cục Thuế TP.HCM cũng yêu cầu Sabeco cung cấp tài khoản ngân hàng khác nhưng chưa nhận được phản hồi và cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu Sabeco làm việc lại để giải quyết vấn đề.

Ông Neo Gim Siong Bennett - Tổng giám đốc Sabeco cho rằng, Sabeco luôn rõ ràng và nhất quán kể từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành 2 kết luận.

Thứ nhất, Sabeco không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ hai, Sabeco đã luôn thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM về vấn đề này trong những năm qua.

Vẫn theo Sabeco, trong khi chưa có kết luận của Thủ tướng Chính phủ và chưa có bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Sabeco thì Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TP.HCM.

Trong khi đó, cơ quan thuế cho rằng họ đã thực hiện đúng quy định.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần làm rõ nhà đầu tư Thái Lan có biết Sabeco nợ thuế trước khi bán hay không?