Chiều 31.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

TP.HCM: Không lơ là, chủ quan dù 33 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19

Phan Thị Diệu | 31/08/2020, 20:59

Chiều 31.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết đến nay là 33 ngày kể từ khi ghi nhận ca bệnh sau cùng thì thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm mới. Điều này chứng tỏ công tác phòng chống dịch đã đạt được kết quả bước đầu, dịch bệnh đã nằm trong kiểm soát. Tuy nhiên, ông Liêm nói không phải vì vậy mà lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.​

Để phòng chống dịch COVID-19, ông Liêm yêu cầu tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh tại các nơi tập trung đông người, nhất là dịp lễ Quốc Khánh 2.9 và dịp lễ Vu Lan - rằm tháng 7 Âm lịch sắp tới. Đặc biệt, ngày 5.9, các trường học trên địa bàn TP.HCM sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Sở Giáo dục - Đào tạo được giao phối hợp cùng các sở ngành, địa phương triển khai tốt theo nội dung kịch bản đã được UBND TP.HCM thông qua.

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh hiện nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương nhanh chóng và quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cần thiết tổ chức phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của ngành y tế. Đáng chú ý, ông Liêm nói rằng thành phố sẽ hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các doanh nghiệp khi chưa thật sự cần thiết.

Sở Y tế cũng được giao tập trung tổ chức xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, nhất là các khu dân cư, ký chế xuất, khu công nghiệp, chợ đầu mối… Để phòng dịch, lãnh đạo TP.HCM còn yêu cầu việc duy trì bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tới nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc. Thành phố vẫn tiếp tục hạn chế tập trung đông người.

Liên quan đến việc xử phạt đeo khẩu trang, tại cuộc họp, đại diện Sở Công Thương cho biết đến nay TP.HCM đã xử phạt được hơn 3.769 trường hợp không đeo khẩu trang. Trong tuần lễ từ ngày 24.8 đến 30.8, các lực lượng chức năng đã nhắc nhở 1.271 trường hợp không đeo khẩu trangvà xử phạt 521 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 140 triệu đồng. Tính chung từ ngày 5.8 thì TP.HCM đã nhắc nhở 7.420 trường hợp và xử phạt 3.769 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 756 triệu đồng.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cũng nói rằng thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Việc này nhằm đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, đồng thời gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Sở Y tế sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm của các cơ sở với công suất 12.000 - 13.000 mẫu/ngày để tầm soát các đối tượng nguy cơ, phát hiện sớm nhằm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trong các cơ sở y tế, cơ quan quản lý.

TP.HCM tăng cường kiểm soát phòng chống dịch các bến xe dịp lễ 2.9

Ngày 31.8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã yêu cầu các bến xe, doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ phải kiểm soát nghiêm ngặt việc phòng chống dịch COVID-19 trong dịp lễ 2.9 tới.

Theo Sở Giao thông vận tải, lễ 2.9 năm nay rơi vào ngày thứ 4, người dân được nghỉ một ngày, nên dự báo lượng khách từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận (và ngược lại) cũng sẽ tăng. Vì vậy, Sở yêu cầu các bến xe, nhà xe chuẩn bị kỹ càng kế hoạch phục vụ cho hành khách đi lại.

Đặc biệt, các nhà xe phải cam kết phục vụ đủ nhu cầu người dân, thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch COVID-19, không tăng giá vé trong dịp lễ, chỉnh trang bến xe, tăng cường quản lý an ninh trật tự trong bến, ký hợp đồng và làm việc với cơ quan y tế hỗ trợ công tác chăm lo sức khỏe tại bến trong thời gian phục vụ và phòng dịch.

Về công tác phòng dịch, Sở Giao thông vận tải đưa ra các quy định nghiêm ngặt như nhà xe phải trang bị dung dịch rửa tay, lái xe, phụ xe luôn đeo khẩu trang, khử trùng xe. Hành khách trước khi lên xe cần khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Không lơ là, chủ quan dù 33 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19