Những ngày này, tình trạng xâm nhập mặn ở TP.HCM đã lấn sâu đến tận mũi Nhà Bè, phà Cát Lái và khu vực Thủ Thiêm.

TP.HCM: Nước mặn lấn sâu, nước ngọt cạn dần

Một Thế Giới | 23/03/2016, 09:57

Những ngày này, tình trạng xâm nhập mặn ở TP.HCM đã lấn sâu đến tận mũi Nhà Bè, phà Cát Lái và khu vực Thủ Thiêm.

Những ngày này, tình trạng xâm nhập mặn ở TP.HCM đã lấn sâu đến tận mũi Nhà Bè (sông Nhà Bè), phà Cát Lái (sông Đồng Nai) và khu vực Thủ Thiêm (sông Sài Gòn). Hàng trăm cống tiêu thoát nước đã phải đóng chặt để bảo vệ hoa màu, ao cá… 
Hàng ngàn hecta hoa màu, tôm cá bị ảnh hưởng
Ngày 22/3, tại khu vực rạch Bà Bướm (Q.7), chúng tôi ghi nhận nhiều ao nuôi cá đang cạn kiệt nước, cá theo nhau chết. Tại ao cá của chị Nguyễn Thị Nhi (ở P.Phú Thuận, Q.7), chúng tôi nhẩm đếm có không dưới 20 con cá nằm “phơi bụng” dưới hồ. Chị Nhi ngao ngán: “Ngày nào cũng vớt vài chục con. Cứ kéo dài thế này chắc cá chết hết”. Theo chị Nhi, đầu năm ngoái chị thả xuống hơn 15 tấn cá trê, cá phi, cá tra nhưng hiện chị ước tính trong hồ chỉ còn khoảng 14 tấn. Nguyên nhân là nước hồ bị rút cạn liên tục. Từ khoảng cuối năm ngoái, nước hồ đã có dấu hiệu nhiễm mặn. Để cứu ao cá, vợ chồng chị đắp đập ngăn không cho nước ngoài sông Sài Gòn tràn vào hồ. Từ đó, nước trong hồ cạn dần. Đã nhiều lần chị bơm nước ngọt từ những ao nước gần đó vào hồ nhưng chẳng thấm tháp gì.
Tại các xã Tân Nhựt và Phong Phú (H.Bình Chánh), hàng chục ao cá cũng lâm cảnh tương tự. Theo anh Nguyễn Văn Bá (xã Tân Nhựt), sau hơn ba tháng chống chọi với hạn mặn, hiện mực nước trong ao cá của anh đã cạn mất gần một nửa, chỉ còn sâu trên dưới 1,5m. Nước trong hồ quá ít nên khoảng một tháng gần đây, cá chết ngày càng nhiều. Anh đang lo không biết hơn 1.000 con cá phi trong hồ có chịu được đến mùa mưa. Anh Trần Văn Quý (nhà cách đó khoảng 1km) còn khổ hơn, vì trước đó không biết mặn đã xâm nhập nên anh vẫn để nước ngoài kênh ra vào thoải mái. Hậu quả là cá chết sạch.
Tại xã An Phú Tây (H.Bình Chánh), nhiều hộ dân trồng hoa màu và cây ăn trái cũng khó khăn không kém. Theo người dân nơi đây, hiện các con kênh xung quanh đã được chính quyền địa phương ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào, nên vấn đề đáng lo lúc này không phải sợ cây chết vì nước mặn mà lo thiếu nước ngọt để tưới. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều vườn trồng chanh, ổi ở đây chưa có hiện tượng cây chết vì nhiễm mặn, nhưng phần lớn đều còi cọc, khó phát triển.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM, hiện tổng diện tích nuôi thủy sản ở TP.HCM khoảng hơn 280ha. Trong đó, tập trung ở H.Bình Chánh hơn 267ha tại các xã Tân Nhựt, Phong Phú; số còn lại chủ yếu ở H.Củ Chi. UBND H.Bình Chánh cho biết, hiện nguồn nước chính phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản lấy từ rạch Bà Ty, sông Chợ Đệm và sông Cần Giuộc đã bị nhiễm mặn. Đối với tình hình trồng trọt, theo Sở NN-PTNT TP, hiện tổng diện tích sản xuất vụ Đông Xuân hơn 23.000ha, trong đó hơn 4.500ha trồng lúa, số còn lại trồng các loại cây khác. Nếu tình hình xâm nhập mặn kéo dài như hiện nay lúa và hoa màu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng
Hai ngày trước, các chỉ số đo đạc được của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TP.HCM cũng cho thấy, tình hình xâm nhập mặn năm nay nghiêm trọng hơn hẳn năm ngoái. Cụ thể, nước mặn đã xâm nhập đến mũi Nhà Bè trên sông Nhà Bè với độ mặn lên đến 13,32‰, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ có 9,04‰; tại khu vực Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn độ mặn 6,03‰, cùng kỳ năm ngoái chỉ 3,49‰; tại khu vực phà Cát Lái trên sông Đồng Nai độ mặn lên đến 8,45‰, cùng kỳ năm ngoái chỉ 4,9‰…
Theo Sở NN-PTNT, hiện mực nước hồ Dầu Tiếng đang xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2014 đến 1,2m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 1,4m. Như vậy, lượng nước thiếu hụt ước tính lên đến 300 triệu m3. Vừa qua, hồ Phước Hòa phải chuyển nước liên tục bổ sung cho hồ Dầu Tiếng với lưu lượng 50m3/s. Hiện mực nước tại đập hồ Phước Hòa đã thấp hơn mực nước chết đến 1,4m, không còn khả năng chuyển nước cho hồ Dầu Tiếng nữa. Trong khi đó, do nắng hạn gay gắt, mực nước hồ Dầu Tiếng đang xuống rất nhanh, bình quân 3cm-6cm/ngày.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, CT đang phải tổ chức cấp nước luân phiên giữa Tây Ninh, Long An và TP.HCM. Trong đó, TP.HCM được cung cấp nước các ngày Chủ nhật, thứ Hai, Ba hàng tuần. Tỉnh Tây Ninh và Long An được cấp nước các ngày còn lại. Đáng lo là sắp tới dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp hơn với độ mặn có thể tăng thêm từ 2‰ - 4‰, vì thời điểm này chưa phải là đỉnh điểm mùa khô.
Để đối phó với tình hình trước mắt, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TP cho biết, các cửa cống tiêu thoát nước trên các tuyến kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp đều đã được đóng lại để ngăn mặn, trữ nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vừa qua khảo sát của chi cục cho thấy, hầu hết các cống trên đều bị rò rỉ nước hoặc hư hỏng nặng, nhiều tuyến kênh đã khô cạn. Chi cục đã đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục, đồng thời thông báo rộng rãi cho người dân biết diễn biến của tình hình xâm nhập mặn.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), cho biết, có thời điểm Nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Đức phải ngừng lấy nước nhiều giờ tại các nguồn nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai vì năng lực dự phòng của hệ thống cấp nước TP còn hạn chế, chưa có đủ nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng, chưa có các bể chứa nước sạch dự trữ và phân phối trên mạng.

Trong khi đó, kết quả theo dõi tại trạm bơm nước thô Hòa Phú (sông Sài Gòn, H.Củ Chi) từ cuối tháng 1/2016 đến nay cho thấy, độ mặn thường xuyên trên ngưỡng 150mg/lít, đặc biệt có những thời điểm độ mặn vượt 250mg/lít, mỗi đợt kéo dài hai-ba giờ, có khi kéo dài đến 15g, buộc Nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô. Tương tự, sông Đồng Nai cũng bị mặn xâm nhập khiến trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Bình An phải tạm ngừng lấy nước nhiều đợt.

Theo Sawaco, trước mắt CT sẽ đề xuất UBND TP giao đơn vị này nghiên cứu các phương án lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa và hồ Trị An; đồng thời xây một hồ dự trữ nước thô có dung tích tối thiểu 1,35 triệu m3 để cung cấp nước thô cho nhà máy nước Tân Hiệp đủ sử dụng liên tục từ một-ba ngày cho người dân. Tuy nhiên, các phương án này nếu được duyệt đầu tư, phải mất từ 3 - 5 năm.

Hiện Sawaco đang xây thêm một bể chứa 100.000m3 tại Nhà máy nước Thủ Đức để đảm bảo dự trữ nguồn nước đủ cung cấp liên tục sáu - bảy giờ trong trường hợp xảy ra sự cố gián đoạn. Các nhà máy nước mới như Nhà máy nước Tân Hiệp 2, Thủ Đức 3 cũng đều có bể chứa dự trữ. Tám thủy đài hình nấm hiện đang bỏ không sẽ được đơn vị này tận dụng làm các bể chứa nước ngầm, trạm tăng áp.

Như vậy, các giải pháp ứng phó với nhiễm mặn thực tế vẫn còn “nằm trên giấy”. Liệu khi tình trạng xâm nhập mặn tăng cao bất thường, người dân TP có đủ nước sạch để sử dụng? Ông Nguyễn Tống Đăng Khoa - Trưởng phòng Kỹ thuật Sawaco khẳng định: “Với công suất dự trữ hiện nay của các nhà máy nước khoảng 450.000m3 /ngày có thể đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân nhưng phải có hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà máy”.

Phan Trí - Thu Hồng - Đăng Thư (báo Phụ nữ TP.HCM)
Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Nước mặn lấn sâu, nước ngọt cạn dần