Sáng 16.3, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua các nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đó, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh mức thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM để đỗ xe ô tô; nghị quyết về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Cạnh đó, nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP.HCM quản lý; nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư công nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố cũng đã được thông qua.
Ngoài ra, nghị quyết phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018 trên địa bàn; nghị quyết về mức thu nhập thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022 đã chính thức được phê duyệt.
Đáng chú ý, nghị quyết về điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM được tính theo giờ thay vì theo lượt ngày và đêm như trước đây.
Cụ thể, mức thu phí đối với xe ô tô dưới 9 chỗ và xe tải có tải trọng dưới 1,5 tấn với mức phí giờ đầu tiên là 20.000 - 25.000 đồng tùy theo khu vực và lũy tiến theo giờ đậu.
Mức phí đối với xe ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ và xe tải có tổng tải trọng trên 1,5 tấn và dưới 2,5 tấn là 25.000 - 30.000 đồng tùy theo khu vực và lũy tiến theo giờ đỗ xe. Khung giờ đỗ xe từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, không thu phí các trường hợp đỗ xe ngoài khung giờ này.
Đối tượng nộp phí là tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện xe ô tô có sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh trong việc quản lý đỗ xe và thu phí. Hình thức thanh toán, người đỗ xe thanh toán qua các hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa hoặc nạp tiền qua trụ thu tiền tự động. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1.6.2018.
Trong khi đó, nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP.HCM quản lý.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã - phường - thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Mức chi trả thu nhập tăng thêm với hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018 - 2020 theo lộ trình: năm 2018, tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2020 tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.
Để làm được đề án này, TP.HCM chi khoảng 2.340 tỉ đồng để chi cho hơn 11.600 công chức, khoảng 122.00 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã - phường - thị trấn. Đặc biệt, để thu hút nhân tài, thành phố sẽ cấp 100 triệu đồng, đồng thời cho hưởng lương theo bảng lương của chuyên gia cao cấp đối với các chuyên gia, nhà khoa học. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2018.
Tương tự, nghị quyết về điều chỉnh mức tăng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, áp dụng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày đêm, áp dụng mức thu phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm.
Phan Diệu