Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã bước đầu triển khai thử nghiệm Mô hình quản lý “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt”. Mô hình này sẽ giúp công tác quản lý trường học trở nên đơn giản, tiết kiệm và thông minh hơn. Hình thành tác phong công nghiệp cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

TP.HCM triển khai mô hình trường học thông minh không dùng tiền mặt

12/09/2020, 20:24

Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã bước đầu triển khai thử nghiệm Mô hình quản lý “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt”. Mô hình này sẽ giúp công tác quản lý trường học trở nên đơn giản, tiết kiệm và thông minh hơn. Hình thành tác phong công nghiệp cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều sử dụng thẻ đa năng để nhận suất ăn bán trú - Ảnh: Internet

Tại Hội nghị sơ kết Mô hình quản lý Trường học thông minh - An toàn - Không tiền mặt do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 11.9, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết công tác thực hiện thí điểm Mô hình quản lý “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt” là hết sức quan trọng. Qua đó đáp ứng yêu cầu thực hiện xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 của UBND TP.HCM. Cùng với đó là Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng 2021, trong đó có yêu cầu 100% trường học chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Mô hình quản lý “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt” sẽ giúp công tác quản lý trường học trở nên đơn giản, tiết kiệm và thông minh hơn. Đồng thời mang lại nhiều tiện ích cho học sinh và phụ huynh học sinh. Ngay trong hướng dẫn thu chi đầu năm học 2020-2021 Sở GD-ĐT TP mới ban hành, Sở cũng xin ý kiến UBND TP.HCM đưa nội dung “không sử dụng tiền mặt” vào trong hướng dẫn để các quận huyện, các trường THPT triển khai thực hiện không sử dụng tiền mặt trong thanh toán.

Trên cơ sở này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam đề nghị mỗi quận huyện phải đăng ký ít nhất một trường học thực hiện “không sử dụng tiền mặt” trong thanh toán. Đối với trường học, tại các buổi họp phụ huynh sắp tới phải phổ biến, tuyên truyền đến từng phụ huynh hiểu vấn đề. Đồng thời, tập cho các em học sinh ngay từ nhỏ có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, giúp các em hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức về việc đúng giờ, giảm các rủi ro trong việc dùng tiền mặt. Thời gian tới, việc thực hiện “không sử dụng tiền mặt” cũng được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua các phòng GD-ĐT và các trường học.

Học sinh trường THCS Lý Thánh Tông, Q. 8 dùng thẻ thông minh mua nước qua máy bán tự động tại trường - Ảnh: Như Hùng

Sau 2 năm thí điểm, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong giai đoạn đầu thực hiện từ năm 2014-2016, thẻ học đường thông minh gặp rất nhiều khó khăn do phụ huynh và học sinh chưa tiếp cận thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua ngân hàng, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt.

Do đó, cuối năm 2016, Ban chỉ đạo đề án quyết định tách các nội dung thực hiện thành 2 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng và nghiên cứu thẻ thông minh và Xây dựng “Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC” phục vụ riêng cho công tác quản lý thu và thanh toán học phí, các khoản thu khác trong nhà trường.

Đến năm 2018, Sở GD-ĐT TP phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn khảo sát tình hình triển khai thẻ học đường thông minh tại 12 đơn vị trường học.

Sau khi phân tích kết quả khảo sát tại 12 trường học, Sở GD-ĐT TP thống nhất cho triển khai thí điểm Mô hình “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt” tiếp nối đề án thẻ học đường SSC trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, cải tiến và bổ sung những cấu phần mới cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà trường và quản lý học sinh trong trường.

Theo đó, mô hình sẽ tích hợp 6 nội dung chính gồm: điểm danh học sinh, chấm công giáo viên, vận hành máy bán hàng tự động, tương tác học đường, quản lý căn tin và hỗ trợ thu học phí.

Sau gần 2 năm triển khai thử nghiệm, đơn vị tổ chức đã đầu tư phát triển thêm hệ thống phần mềm, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng quản lý trong trường học và tiến hành lắp đặt thiết bị thử nghiệm tại Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8) và Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Quận Tân Bình).

Việc triển khai thử nghiệm đem lại một số hiệu quả như 100% học sinh của trường sử dụng thẻ để thực hiện điểm danh vào đầu mỗi ca học. Thực đơn, giờ ăn bán trú được thông báo tức thời đến phụ huynh, thanh toán không tiền mặt thông qua các ứng dụng “Máy bán hàng tự động” và “Căng tin” với hơn 3.700 lượt giao dịch mỗi tháng. Đồng thời, thực hiện chấm công đối với 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường thông qua thẻ ra vào.

Tiếp nối thành công đó, mô hình quản lý “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt” triển khai sử dụng thẻ đa năng VinaID nhằm mang lại nhiều tiện ích cho học sinh.

Cụ thể, sử dụng thẻ đa năng để đi xe đưa đón, ra vào trường thông qua cổng kiểm soát tự động, điểm danh vào lớp và điểm danh bán trú, mua hàng, thanh toán bằng thẻ tại máy bán hàng tự động hoặc căn tin trong trường. Bên cạnh đó có thể tương tác với phụ huynh thông qua tin nhắn hoặc gọi điện tại các thiết bị đa năng đặt trong sân trường.

Đồng thời, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp các em hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức về việc đúng giờ, giảm các rủi ro trong việc dùng tiền mặt…

Riêng đối với phụ huynh sẽ được hưởng các lợi ích như: nhận thông báo tức thời (qua ứng dụng điện thoại) khi học sinh điểm danh vào lớp; thông tin về tài xế, phương tiện, thời gian và địa điểm học sinh lên xuống xe đưa đón của trường;...

Hiện nay, thẻ đa năng còn được thiết kế với tính mở, có khả năng kết nối với các ứng dụng trong hệ sinh thái phục vụ cho trường học thông minh như sổ liên lạc điện tử, ứng dụng học và khảo thí online... Bên cạnh đó, có thể tích hợp và chuẩn hóa dữ liệu học sinh cho hệ thống ứng dụng tuyển sinh đầu cấp, tích hợp và đồng bộ dữ liệu với hệ thống học bạ điện tử, mở rộng sử dụng thẻ trong hệ thống dịch vụ công cộng của TP như xe buýt, bệnh viện, siêu thị, taxi…

Tú Viên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM triển khai mô hình trường học thông minh không dùng tiền mặt