Cùng lúc nhiều dịch bệnh tấn công, trong khi trang thiết bị y tế, thuốc men, nguồn nhân lực… lại đang thiếu hụt trầm trọng khiến ngành y tế TP.HCM đang đối diện với một bài toán khó để xử lý những thách thức trên.

TP.HCM ứng phó như thế nào trước nguy cơ “dịch chồng dịch”?

Hồ Quang | 06/07/2022, 15:11

Cùng lúc nhiều dịch bệnh tấn công, trong khi trang thiết bị y tế, thuốc men, nguồn nhân lực… lại đang thiếu hụt trầm trọng khiến ngành y tế TP.HCM đang đối diện với một bài toán khó để xử lý những thách thức trên.

Hiện dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đang xuất hiện những biến thể mới khó lường, trong khi đó dịch bệnh sốt xuất huyết lại tăng lên từng ngày, cả số ca mắc, nhập viện và tử vong.

Đối diện nguy cơ “dịch chồng dịch”

Theo Sở Y tế TP. HCM, đến thời điểm này, tại các tỉnh khu vực phía Nam số ca mắc sốt xuất huyết đã lên đến 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn). Riêng TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết đã lên đến 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Những địa phương có số mắc cao nhất là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc môn, huyện Củ Chi, quận Tân Phú, quận Tân Bình.

tphcm-ung-pho-nhu-the-nao-truoc-nguy-co-dich-chong-dich-hinh-anh(1).png
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM-Ảnh: PV 

Trước tình hình trên, Sở Y tế nhận định nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ bùng phát mạnh với số ca mắc tăng, số ca nặng tăng và số tử vong tăng nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay từ bây giờ.

Dịch bệnh COVID-19 dù đã được kiểm soát ổn định từ nhiều tháng qua, nhưng mới đây, TP xuất hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron là BA.4 và BA.5. Đây là những biến thể được dự báo sẽ làm tăng nguy cơ số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19.

Thực tế cho thấy, trong 3 tuần gần đây số ca mắc COVID-19 tại TP đã tăng nhẹ trở lại, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

Như vậy, với sự xuất hiện biến thể phụ mới của biến chủng Omicron nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe doạ. Ngành Y tế TP nhận định nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu.

Trong khi đó, thống kê của Sở Y tế cho thấy, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn TP có 2028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP). Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng.

Đó là chưa kể tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng đang gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và chất lượng điều trị, và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Xử lý “bài toán” khó ra sao

Trong lúc nguy cơ đối diện với “dịch chồng dịch” thì TP lại đang thiếu thuốc, vật tư y tế, đặc biệt nhất là nguồn nhân lực y tế công trầm trọng. Cái vòng tròn khép kín này gần như đang bị “ vỡ toang”.

Một trong những nguy cơ lớn lúc này, đó chính là “dịch chồng dịch”, theo Sở Y tế, TP sẽ đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin đến từng hộ gia đình, ngành Y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.

Triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết. Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn cách phòng chống sốt xuất huyết đến từng hộ gia đình. Cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết, và rất cần phát huy bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của lãnh đạo TP đối với Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19 áp dụng vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, TP cũng sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch COVID-19 và dịch sốt xuất huyết; tái hiện các bài học kinh nghiệm về tính sáng tạo và hiệu quả trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP khi cần thiết.

Có thể nói, cả 2 dịch bệnh trên đều có giải pháp phòng ngừa, nhưng vấn đề là làm thế nào để công tác phòng chống dịch được triển khai quyết liệt hơn, bền bỉ hơn, đồng bộ hơn.

Đối với vấn đề giải quyết nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt, Sở Y tế cho biết trước mắt sẽ vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/2022/ NQ-HĐND về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025; nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên về lâu dài cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM ứng phó như thế nào trước nguy cơ “dịch chồng dịch”?