Do có những công lao vĩ đại nên năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), Trần Quốc Tuấn được phong làm Đại vương, tước cao cực phẩm của triều đình khi ấy vì danh hiệu Đại vương trước đó vốn chỉ dành cho anh em ruột của nhà vua.

Trần Quốc Tuấn được phong vương muộn là ‘đúng quy trình’?

10/08/2018, 13:33

Do có những công lao vĩ đại nên năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), Trần Quốc Tuấn được phong làm Đại vương, tước cao cực phẩm của triều đình khi ấy vì danh hiệu Đại vương trước đó vốn chỉ dành cho anh em ruột của nhà vua.

Người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn thường được nhân dân ta kính trọng gọi theo tước là Trần Hưng Đạo vì ông được phong là Hưng Đạo vương. Tuy nhiên, thời điểm nào Trần Quốc Tuấn được phong Hưng Đạo vương thì sử sách lại không đề cập cụ thể. Khi Trần Thánh Tông lên ngôi vua năm 1258 thì ông phong cho người em ruột cùng mẹ Trần Quang Khải khi ấy 17tuổi làm Chiêu Minh đại vương. Năm 1267, Trần Thánh Tông phong cho người em khác mẹ là Trần Ích Tắc làm Chiêu Quốc vương. Cùng năm, Trần Thánh Tông cũng phong cho người em khác mẹ khác là Trần Nhật Duật làm Chiêu văn vương. Trong khoảng thời gian đó, sử không hề chép việc phong vương cho các hoàng thân khác, bao gồm cả Trần Quốc Tuấn.

Trong bài trước, chúng tôi có nói thời điểm 1257, khi Trần Quốc Tuấn được cử làm chỉ huy cánh quân biên giới trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, thì ông chưa được phong làm tiết chế, chưa được phong vương. Lần đầu, danh hiệu Hưng Đạo vương xuất hiện trong sách sử được ghi là thời điểm cuối 1274, khi Trần Khâm (tức Trần Nhân Tông sau này) được lập làm thái tử. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 12, sách phong hoàng trưởng tử Khâm làm hoàng thái tử, lấy con gái trưởng của Hưng Đạo vương làm phi cho thái tử”. Như vậy, Trần Quốc Tuấn được phong vương từ trước 1274 nhưng chắc chắn là sau thời điểm 1257. Nhiều khả năng, Trần Quốc Tuấn được phong vương vào năm 1267 như Trần Nhật Duật, Trần Ích Tắc vì trước thời điểm đó sử có chép: "Tháng 3, mùa xuân (1267). Định thể lệ phong ấm cho những người trong tôn thất".

Tài liệu mà khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc ghi cũng nói năm 18 tuổi, Trần Quốc Tuấn được phong làm Thượng Võ hầu. Cùng lúc đó, người anh ruột của ông là Trần Doãn lại được phong là Vũ Thành vương. Như vậy, tại sao Trần Quốc Tuấn lại được không được phong vương khi nhỏ mà chỉ là Thượng Võ hầu? Cần nhớ là Trần Nhật Hiệu (con của Thái Tổ Trần Thừa, em của Trần Thái Tông) đã được phong Đại vương ngay khi mới... 2 tuổi.

Để tìm hiểu vấn đề này thì phải lật xem cách nhà Trần phong vương theo quy trình ra sao? Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: Theo quy chế nhà Trần, phong các Hoàng tử, người trưởng được tước Đại vương, người thứ được tước vương, người thứ nữa được phong là Thượng vị hầu; về phần con các tước vương thì người trưởng được phong tước vương, người thứ phong Thượng vị hầu. Tuy nhiên, chính các sử quan nhà Nguyễn cũng lúng túng không giải thích được nên ghi cẩn án như sau: Thể lệ phong ấm triều nhà Trần, theo Sử cũ chép lại, phần nhiều không hiểu rõ được, như con thứ của vua phong là thượng vị hầu, mà con trưởng của các tước vương thì phong vương, con thứ cũng phong là thượng vị hầu, như thế đã không theo thế thứ. Đến như việc tập ấm, mà cháu ba đời của vương, hầu, công chúa cũng phong đến quận vương, thì thật là lộn xộn. Việc này sẽ khảo cứu sau.

Còn theo cách hiểu của chúng tôi, các con của vua hay Thái thượng hoàng khi ra đời sau sẽ được tước vương, riêng con trưởng mà không được nối ngôi thì được “an ủi” bằng tước Đại vương như Trần Liễu (con Thái thượng hoàng Trần Thừa), Trần Quốc Khang (con trưởng của Trần Thái Tông nhưng thực tế là con của Trần Liễu) dù họ không có công trạng gì đặc biệt. Còn những người con vua (do những người có địa vị cao trong hậu cung như hậu, phi và có thể là cả tần sinh) sẽ được phong vương và sau có thể được phong tiếp lên đại vương nếu có tài năng như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật (năm 1267 khi mới 12 tuổi đã được phong vương nhưng mãi đến năm 74 tuổi mới được Trần Hiến Tông khi mới lên phong làm Đại vương, một năm sau khi được phong Đại vương thì Trần Nhật Duật qua đời). Còn con của các cung nữ có địa vị thấp thì chỉ phong đến Thượng vị hầu để hưởng bổng lộc mà thôi. Riêng con các vương thì chỉ con trưởng mới được tập tước vương còn con thứ thì cũng chỉ được phong Thượng vị hầu.

Quay trở lại câu chuyện của Trần Quốc Tuấn. Khi Thái Tổ Trần Thừa còn sống thì Trần Liễu được phong là Khâm Minh đại vương. Nếu Trần Liễu làm đại vương và có vị trí vững chắc trong hệ thống quyền lực triều đình thì các con của ông đều có cơ hội được phong vương sớm. Nhưng sau vụ loạn sông Cái thì Trần Liễu bị giáng xuống làm An sinh vương, tức chỉ là một vị vương bình thường và chỉ người con trưởng là được phong vương còn con thứ chỉ được chức Thượng hầu. Người con được hưởng tước vương của Trần Liễu là Trần Tung hay Trần Doãn (Doãn không phải con trưởng nhưng lại do thái hậu Lý Oanh sinh, tức là con cùng mẹ khác cha với Trần Thánh Tông nên có thể được ưu ái). Trần Quốc Tuấn là con thứ nên việc chỉ được phong Thượng Võ hầu cũng là ‘đúng quy trình’ thời đó.

Tuy nhiên, các hoàng thân không đủ tiêu chuẩn hưởng tước vương theo dạng “ân phong” vẫn có thể được phong vương theo dạng “công phong” tức là nhờ công trạng mà được triều đình phong thưởng. Trường hợp của Trần Quốc Tuấn thì chúng ta có thể tin ông được phong vương nhờ việc đóng góp ngày càng lớn cho triều đình. Nhờ tài năng quân sự, Hưng Đạo vương đã chỉ huy quân dân Đại Việt 2 lần đánh bại quân Nguyên Mông.

Do có những công lao vĩ đại nên năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), Trần Quốc Tuấn được phong làm Đại vương, tước cao cực phẩm của triều đình khi ấy vì danh hiệu Đại vương trước đó vốn chỉ dành cho anh em ruột của nhà vua. Chưa hết, Trần Quốc Tuấn còn được gia phong thêm tước Thượng Quốc công và đặc biệt là được tự ban tước phẩm cho người khác. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ [của Quốc Tuấn], ví ông với Thượng phụ [Lã Vọng Khương Tử Nha]. Lại vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy”.

Trần Quốc Tuấn không lạm phong tước mà còn tìm được rất nhiều nhân tài trở thành trụ cột cho nước nhà như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng... Và điều đặc biệt nữa là Trần Hưng Đạo còn nuôi dạy con cháu trở thành người có ích cho triều đình và đất nước.

Các con trai của Trần Quốc Tuấn hầu như đều được phong vương gồm: Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Hiến vương Trần Quốc Uất, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện. Những người này đều được phong vương khá sớm, từ trước cuộc kháng Nguyên lần 2. Sử chép vào 1284, Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hung Đạo Vương để chống quân Nguyên.

Sở dĩ các con của Hưng Đạo vương đều được phong vương khá sớm vì khi đó triều đình cần người hiền để chuẩn bị lực lượng quân đội lớn cho việc kháng chiến chống Nguyên. Cất nhắc anh em huyết thống gần trong nhà mà có tài làm vương là cách vừa để khích lệ, vừa để tăng cường sức mạnh quân đội. Các con của Hưng đạo vương đều là bậc anh tài khi đó và lập được nhiều công trạng rạng rỡ trong việc kháng Nguyên sau này. Dân gian gọi 4 người con của Hưng Đạo vương là Tứ vị Vương tử.

Anh Tú

Đọc thêm:

Thử lý giải chuyện vua Lý đột nhiên bị điên khi nương nhờ nhà Trần

Vua Lý đảo càn khôn khiến anh em vua Trần oán hận nhau đến chết

Cha của Hưng Đạo vương với án oan hãm hiếp cung nữ do Trần Thủ Độ dựng?

Trần Hưng Đạo chịu sống cảnh ‘con tin’ thời niên thiếu?

Trọng dụng Trần Quốc Tuấn là sự dũng cảm đáng ngạc nhiên của vua Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Quốc Tuấn được phong vương muộn là ‘đúng quy trình’?