Nếu Trần Thủ Độ không làm triệt để thì tôn thất nhà Lý sau đó có cơ hội vùng lên cũng không để con cháu nhà Trần được sống yên ổn. Sau này, chúng ta cũng thấy được sự trả thù tàn khốc của con cháu nhà Lê dành cho nhà Mạc hay cụ thể hơn là Gia Long với con cháu nhà Tây Sơn khi giành lại được quyền lực.

Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần

28/05/2018, 09:18

Nếu Trần Thủ Độ không làm triệt để thì tôn thất nhà Lý sau đó có cơ hội vùng lên cũng không để con cháu nhà Trần được sống yên ổn. Sau này, chúng ta cũng thấy được sự trả thù tàn khốc của con cháu nhà Lê dành cho nhà Mạc hay cụ thể hơn là Gia Long với con cháu nhà Tây Sơn khi giành lại được quyền lực.

Trần Thủ Độ bức tử Lý Huệ Tông - Ảnh minh họa

Người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc chuyển giao triều đại từ Lý sang Trần phải kể đến Trần Thủ Độ và hoàng thái hậu lưỡng triều Trần Thị Dung. Người được hưởng lợi nhất trong cuộc đổi ngôi này chắc chắn là vua Trần Thái Tông. Cho đến sau này, sử sách không hề có một lời chê bai Trần Thái Tông trong khi có rất nhiều lời phê bình cho Trần Thủ Độ.

Trần Thủ Độ thừa đủ khôn ngoan để hiểu các lời phê phán hậu thế dành cho các hành động của mình. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện mọi bước đi chính trị cứng rắn, thậm chí tàn khốc để bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần. Thậm chí, có thể tin Trần Thủ Độ chấp nhận vơ vét hết tiếng xấu về mình để đảm bảo Trần Thái Tông giữ ngôi mà không hề có tì vết.

Khi Trần Thủ Độ nhận thấy có cơ hội đổi họ cho ngôi vua thì việc đầu tiên là lo sợ. Sử chép: Trần Cảnh lên 8 tuổi, đến phiên vào hầu, Chiêu Hoàng thấy Cảnh, đem lòng ưa thích, đêm đến, thường vời vào hầu, nô nghịch cười đùa. Trần Cảnh đem việc đó mách bảo Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu quả vậy, thì họ ta sẽ là họ nhà vua hay là cả họ sẽ bị giết sạch?".

Ngay trong câu nói này đã cho thấy Trần Thủ Độ nhắm Trần Cảnh làm vua nên mới dùng "họ ta" chứ không có bụng khác. Việc phản tặc cướp ngôi là phạm tội tru di tam tộc. Trần Thủ Độ đã quyết tâm liều 3 họ để đoạt ngôi nhà Lý nên hành động rất cẩn thận và dứt khoát. Cẩn thận đó thể hiện qua việc thà mang tiếng ác chứ không để hậu hoạ.

Việc trừ hậu họa đầu tiên là bức tử vua cũ Lý Huệ Tông. Sử chép: "(1226) Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo, thường ngồi xổm nhổ cỏ ở trước cửa chùa. Thủ Độ đi qua trông thấy, nói: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ sâu". Thượng hoàng đứng dậy, xoa tay, nói: "Lời của anh nói, ta đây biết rồi". Sau Thượng hoàng ra chơi chợ cửa Đông, nhân dân ganh nhau chạy ra xem, có người động lòng thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người tưởng nhớ đến vua cũ, sẽ sinh ra sự biến loạn chăng, nên lại càng canh giữ dò xét nghiêm mật hơn trước". Cuối cùng, Trần Thủ Độ cũng bức tử mà sử chép: Thủ Độ sai người đem hương hoa đến dâng và nói rằng: " Quan Thượng phụ (tức Thủ Độ) có lời trần thỉnh". Lý Thượng hoàng giận lắm, nói rằng: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử". Rồi vào buồng ngủ, khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã bị mày cướp mất, nay lại còn hãm hại ta, mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế". Nói rồi liền thắt cổ ở vườn sau chùa. Thủ Độ bắt các quan đến khóc viếng, đào tường phía nam thành để làm cửa, di chuyển cữu ra phường An Hoa, dùng phép hỏa hóa, còn hài cốt thì đem chôn cất ở tháp chùa Bảo Quang".

Tuy Lý Huệ Tông đã đi tu nhưng Trần Thủ Độ có lý để lo lắng. Chừng khoảng 15 năm trước đó (1211), Lý Huệ Tông từng bỏ phe họ Trần để sang phe họ Đoàn (Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi) khiến Trần Tự Khánh suýt bỏ mạng. Sau Lý Huệ Tông còn phong phản tướng của họ Trần là Nguyễn Nộn tước hầu để mượn tay chống họ Trần. Đến 1216, Lý Huệ Tông phải bất đắc dĩ quay lại nhờ cậy họ Trần mà thôi.

Thời điểm Lý Huệ Tông đi tu thì thiên hạ vẫn loạn lạc chứ chưa thống nhất trong tay họ Trần. Cục diện lúc đó họ Trần mạnh nhất rồi đến thế lực của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng. Phải mãi đến 1228 thì Trần Thủ Độ mới dẹp được thế lực quân sự họ Nguyễn, họ Đoàn. Nếu chẳng may mà Lý Huệ Tông rơi vào tay của Nguyễn Nộn hay Đoàn Thượng thì các thế lực này lại có quân bài để kêu gọi Cần vương. Khi ấy thì e rằng cơ đồ của họ Trần vừa dựng sẽ lại tan theo dòng nước. Trong bối cảnh phải lựa chọn nhân nghĩa hay sự triệt để thì Trần Thủ Độ chọn phương án 2.

Một sự kiện nữa khiến Trần Thủ Độ mang tiếng ác là diệt tộc nhà họ Lý vào 1232. Sử chép: "Thủ Độ đã giết vua Huệ Tông, bọn tôn thất nhà Lý nhiều người ấm ức thất vọng. Nay nhân lúc họ làm lễ tế tiên tổ ở thôn Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ cho người ngầm đào cái hố sâu, dựng nhà lên trên, rồi giật máy cho nhà đổ, chôn sống hết tôn thất nhà Lý".

Cũng có thuyết cho rằng chuyện này không có thật vì sau này vẫn có người họ Lý làm quan nhà Trần. Nhưng trên thực tế thì chúng ta có thể tin rằng việc Trần Thủ Độ thi hành chính sách tận diệt nhà họ Lý là có thật. Bằng chứng sống động hơn cả chính là việc hoàng tử nhà Lý là Lý Long Tường đã phải bỏ xứ mà đi cùng với 6.000 gia binh. Nếu tình hình giữa họ Trần - Lý khi đó không thực sự căng thẳng đến mức sống chết thì hoàng tử Lý Long Tường đâu đến mức phải bỏ cả sản nghiệp, đất phong để làm "thuyền nhân" vô định.

Tuy nhiên, cũng không trách được Trần Thủ Độ khi ông có những hành động cứng rắn. Nếu Trần Thủ Độ không làm triệt để thì tôn thất nhà Lý sau đó có cơ hội vùng lên cũng không để con cháu nhà Trần được sống yên ổn. Sau này, chúng ta cũng thấy được sự trả thù tàn khốc của con cháu nhà Lê dành cho nhà Mạc hay cụ thể hơn là Gia Long với con cháu nhà Tây Sơn.

Nhưng điểm cần chú ý là trong mọi việc làm này Trần Thủ Độ đều tự ý hành động mà không có ghi chép nào nói rằng ông phải thỉnh thị ý kiến từ Trần Thái Tông. Điều này tạo ra vẻ ngoài chuyên quyền của Trần Thủ Độ nhưng về sâu xa thì nó giúp Trần Thái Tông cách ly hoàn toàn với những tiếng xấu trong mắt người dân Việt khi đó.

Trần Thủ Độ không chỉ giúp Trần Thái Tông có ngôi báu mà còn giúp cho Trần Thái Tông danh tiếng sạch sẽ hoàn toàn. Điều đó giúp vị vua trẻ nhà Trần sau này có uy tín tuyệt đối với quân dân Đại Việt và nhờ đó thống nhất sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến kháng Nguyên. Giả sử như việc Thái Tông lên ngôi có tì vết e rằng ông khó hiệu triệu người dân cả nước một lòng chống quân Nguyên.

Vai trò của Trần Thủ Độ trong cuộc chiến chống Nguyên lần thứ nhất

Cuối năm 1257, tướng Mông Cổ Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) dẫn quân xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Trần Thái Tông đích thân đốc chiến, thế giặc mạnh, nhà vua lui quân về sông Lô, rồi lui về sông Thiên Mạc. Nhà vua ngự thuyền đến hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu kế sách chống quân Mông Cổ, Nhật Hiệu chấm nước viết chữ lên hai chữ Nhập Tống. Thái Tông lại hỏi quân Tinh Cương, quân do Nhật Hiệu chỉ huy, Nhật Hiệu nói rằng "Không gọi được chúng đến".

Sau đó, Thái Tông lại dời thuyền đến hỏi Trần Thủ Độ, Thủ Độ tâu: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Ngày 24 tháng 12 năm đó, Trần Thái Tông tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Mông Cổ, khiến họ phải triệt thoái về Bắc

Đọc thêm:

Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan?

Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi

Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần