Những trang trại điện gió và điện mặt trời tại sa mạc Sahara sẽ làm biến đổi khí hậu, nhưng theo cách tích cực.
Việc chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió là một trong những hành động quan trọng để giúp chúng ta chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, bằng cách giảm bớt nhu cầu năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, tại Sahara những trang trại điện gió, điện mặt trời lại lại gây ra biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu mới nhất. Dù vậy, biến đổi khí hậu này lại có lợi khi chúng làm tăng lượng mưa trong khu vực.
Đại học Maryland và Đại học Illinois đang thực hiện một nghiên cứu nhằm dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra nếu sa mạc Sahara được "lắp đầy" bằng những trang trại điện mặt trời.
Theo kết quả mới được công bố trên tạp chí khoa học Science, thì việc xây dựng nhiều trang trại điện mặt trời sẽ giúp tăng lượng mưa, dẫn đến phủ xanh sa mạc Sahara và vùng lân cận Sahel.
"Sự gia tăng lượng mưa và thảm thực vật, kết hợp với điện sạch là kết quả của năng lượng mặt trời và gió. Điều này có thể giúp phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội ở Sahara, Sahel, Trung Đông và các vùng lân cận khác", tác giả nghiên cứu Safa Motesharrei cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, họ chọn Sahara để thực hiện đề tài của mình bởi vì khu vực này có dân cư thưa thớt, nhiều nhu cầu năng lượng và là cùng sa mạc lớn nhất thế giới.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng không chỉ điện mặt trời làm tăng mưa, mà điện gió cũng làm lượng mưa tại nơi các tuabin gió được lắp đặt lên gấp đôi.
Chưa hết, khi lượng mưa tăng, thì thực vật ở khu vực có trang trại điện mặt trời và điện gió sẽ phát triển nhiều. Khi có nhiều thực vật hơn, Suất phản chiếu (albedo) ánh sáng mặt trời sẽ giảm, làm tăng lượng mưa thêm.
Dù vậy, tác động này sẽ chỉ diễn ra trong khu vực xung quanh trang trại năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió chứ không có tác động xa hơn.
Thiên Hà (theo Eco Watch)