Một số doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" với Nghị định 116, còn các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công... lại có ý kiến ngược lại. Trong khi đó, phía cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức, mới chỉ "ghi nhận ý kiến".

Tranh cãi gay gắt trên bàn đối thoại về điều kiện sản xuất, nhập khẩu ô tô

Trí Lâm | 26/02/2018, 17:15

Một số doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" với Nghị định 116, còn các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công... lại có ý kiến ngược lại. Trong khi đó, phía cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức, mới chỉ "ghi nhận ý kiến".

Quan ngại sâu sắc

Ngày 26.2, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam Toru Kinoshita nhắc lại 4 nội dung lớn đã nêu trong các kiến nghị trước đó và bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, cho rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 do nghị định không tuân thủ thông lệ quốc tế, gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Việc này khiến cho không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ đầu năm.

Theo Chủ tịch VAMA, một số quy định trong Nghị định 116 đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước, thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô, đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.

Bên cạnh đó, nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chỉ có thời gian chuẩn bị ngắn trước khi Nghị định có hiệu lực. “Hiện Ford vẫn chưa dám nhận đơn hàng vì nếu xe không đạt yêu cầu sẽ phải buộc tái xuất, nhưng tái xuất đi đâu là cả một vấn đề, vì các nước có những yêu cầu khác nhau”, ông Dũng nói.

Không xin ưu đãi, chỉ cần làm giống nhau

Ngược lại với quan điểm của các doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM…, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco - Trường Hải cho rằng quy định về bản sao giấy chứng nhận thể loại cho xe nhập khẩu là cho cả sản xuất trong nước vì Thaco cũng phải xuất trình cho nước ngoài và điều này có từ 2016.

Ông Dương nói và cho biết ở châu Âu cũng có quy định này, vì bảng BMW và Mini cung cấp từ mẫu bảng của châu Âu. Mini quy định tới 200 trang, của Peugeot khoảng 100 trang. Tác dụng của giấy chứng nhận chủng loại này như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền.

"Nếu bỏ chứng nhận kiểu loại thì cần có trung tâm kiểm định đủ thẩm quyền như thế này. Vậy không cần loại bỏ quy định chứng nhận tiểu loại này mà nên chăng chỉ cần rà soát lại để thống nhất có một mẫu chứng nhận tiểu loại của Việt Nam cho phù hợp", ông Dương nêu ý kiến.

Liên quan đến quy định đường thử, ông Dương cho rằng đường thử trước đây đã quá lỗi thời vì tồn tại gần 20 năm nay. “Chủ tịch VAMA nói áp dụng ngay gây khó khăn cho các thành viên VAMA thì Nghị định cho phép duy trì đến 15.4.2019 chứ không phải là áp dụng ngay”.

Ông Dương khẳng định: "Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển từ chiến lược sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sang thành nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Với sự tự trọng của tôi, tôi khẳng định không xin ưu đãi một cái gì cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mà chỉ xin được làm giống nhau”.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cũng đồng tình với Trường Hải và nhấn mạnh rằng nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.

“Giấy chứng nhận kiểu loại là tất cả thông số về 1 cái xe để đảm bảo an toàn vận hành, hoạt động. Ở Việt Nam, xe ô tô còn là 1 loại tài sản lớn với người dân, là phương tiện tham gia giao thông. Nếu không có giấy chứng nhận kiểu loại hoàn toàn có thể đưa xe đến các trung tâm thử nghiệm quốc tế và khi đó xe đưa về Việt Nam, Cục đăng kiểm mới có căn cứ đánh giá xem xe có hồ sơ đó với xe đưa ra kiểm nghiệm có đúng là 1 hay không", ông Đức nói.

DN nước ngoài nên ủng hộ Việt Nam phát triển ngành ô tô

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

“Chúng tôi hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, không bao giờ có ý tưởng tạo rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song Việt Nam cũng cần có bước đi của mình. Việt Nam tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, nhưng cũng cần bảo đảm nền sản xuất tự chủ. Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước nhưng cũng phải có quan tâm một mức độ nào đó.

Ông Dũng khẳng định Nghị định 116 chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng. Cùng với đó, phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế. Không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí, ví dụ việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.

“Hôm nay, chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề. Chúng tôi đã nghe cả hai chiều, xin ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến”, Bộ trưởng nói.

Lý giải 3 vấn đề quan trọng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũngcho biết Nghị định 116 có 3 vấn đề:

Thứ nhất là vấn đề cấp giấy chứng nhận phù hợp. Đây không phải là giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà là cơ quan hiệp hội có thẩm quyền.

“Ngay cả hãng người ta sẵn sàng cấp một giấy chứng nhận cho một nhà nhập khẩu của hãng, rồi hiệp hội tùy nước đó sẽ quyết định để chứng nhận xe này là xe có nguồn gốc do 1 nhà sản xuất, để bảo đảm chất lượng, có giá trị, có trách nhiệm phải triệu hồi những xe đó nếu trong quá trình sản xuất có lỗi, để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng”, ông Dũng nêu.

Thứ hai là liên quan tới vấn đề kiểm tra, liên quan tới vấn đề kiểm tra từng lô, ông Dũng cho biết đây là vấn đề đang xem xét. Lý do là theo Nghị định 116, nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định, cho dù các lô đều cùng một loại xe.

Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm rất nhiều chi phí và thời gian kiểm định xe. Rõ ràng, khách hàng sẽ phải gánh chịu khoản phí này khi doanh nghiệp luôn muốn đảm bảo lợi nhuận.

Thứ 3 là vấn đề đường thử, Bộ trưởng Dũng cho biết ở đây là áp dụng cho các nhà sản xuất là có đường thử, tức là trước khi đưa ra thị trường lưu hành thì có thử.

“Ngày hôm nay, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng giao cho Văn phòng Chính phủ cùng các bộ ngành, chúng ta hết sức xem xét để làm sao bảo đảm yêu cầu của Chính phủ, đó là bảo đảm sản xuất trong nước, nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế mà chúng ta đã cam kết”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh đây không phải rào cản hay hàng rào kỹ thuật và nước nào cũng sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản lần 4 gửi cơ quan chức năng Việt Nam kiến nghị hoãn thực hiện quy định về việc nhập khẩu ô tô 6 tháng theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi gay gắt trên bàn đối thoại về điều kiện sản xuất, nhập khẩu ô tô