Mặc dù không có Mỹ và nhiều lợi ích trong vấn đề thuế quan, song Hiệp định CPTPP được Chile xem là một cơ hội thú vị cho các thị trường mới nổi như Việt Nam và Malaysia về rượu vang.

Hưởng lợi CPTPP, Chile chọn Việt Nam là điểm đến của rượu vang

tuyetnhung | 25/02/2018, 07:54

Mặc dù không có Mỹ và nhiều lợi ích trong vấn đề thuế quan, song Hiệp định CPTPP được Chile xem là một cơ hội thú vị cho các thị trường mới nổi như Việt Nam và Malaysia về rượu vang.

Hiệp định CPTPP sẽ cho phép hơn 3.000 sản phẩm Chile với ưu đãi thuế mới vào các thị trường quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vào tháng 3.2017, Bộ trưởng Ngoại giao Chile - Heraldo Muñoz đã kêu gọi các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của 15 nước thuộc vùng Thái Bình Dương họp tại Viña del Mar. Sự kiện này được tổ chức sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, công bố vào tháng 1.2017 về việc Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại thời điểm đó, 11 quốc gia còn lại đã đạt được thỏa thuận về việc các nhóm kỹ thuật tiếp tục làm việc để tìm ra phương thức giúp TPP có hiệu lực, không có sự hiện diện của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Gần một năm sau sự kiện này, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ ký vào ngày 8.3 tới tại khách sạn Crowne Plaza Santiago Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được biết đến nhiều hơn với tên TPP-11.

Thương vụ Việt Nam tại Chile cho biết Hiệp định sẽ mở ra cho các công ty của Chile có thể tham gia vào quá trình đấu thầu công cộng ở nước ngoài, điều này sẽ khuyến khích nội địa hoá các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Trưởng nhóm đàm phán TPP Chile, Felipe Lopeandía phát biểu: "Chúng tôi đang bổ sung các thị trường mà chúng tôi không có những điều khoản này trong các hiệp định song phương như Peru, Malaysia hay Việt Nam".

Ông cũng giải thích rằng hiệp định mới này có tất cả các lợi ích để tiếp cận thị trường bên ngoài của TPP trước đó, điều này có nghĩa là sẽ cải tiến gia tăng việc nhập khẩu các sản phẩm của Chile vào Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Canada.

Ví dụ, trong trường hợp của Nhật Bản, 1.027 sản phẩm không có trong FTA song phương sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi như: thịt heo, gia cầm, trái cây có múi và các sản phẩm từ sữa... Các nhà sản xuất Chile cũng sẽ có cơ hội lớn hơn xuất khẩu rượu vang sang Malaysia, các sản phẩm nông nghiệp sang Việt Nam, hoặc các sản phẩm gia cầm và sữa vào Canada. Tổng cộng có hơn 3.000 sản phẩm không có hoặc với ưu đãi hạn chế trong FTA song phương hiện nay được bao gồm trong Hiệp định TPP-11.

Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất thịt heo (Asprocer) Juan Carlos Domínguez nhận thấy lợi ích chính của TTP đối với các thành viên của Hiệp hội liên quan đến việc cắt giảm thuế và liên quan tới giá xuất xưởng của thị trường Nhật Bản cho sản phẩm của hiệp hội. Ông giải thích: "Nhờ việc cắt giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng là 2,2% từ năm thứ nhất, và 0% vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực, cùng với việc giảm giá xuất xưởng, Chile có thể thâm nhập thị trường thịt lợn ở Nhật với giá thấp hơn và cạnh tranh tại thị trường này".

Theo Asprocer, Chile xuất khẩu thịt heo tới các nước CPTPP đạt 141 triệu USD vào năm 2017, với Nhật Bản là đối tác số một về giá trị đạt 116 triệu USD, chiếm 25% xuất khẩu thịt lợn của Chile. Ông Domínguez cho biết khi hiệp định có hiệu lực, các đơn hàng có thể tăng từ 10 đến 15%.

Việt Nam, Malaysia - những lựa chọn mới cho rượu Chile

Một ngành công nghiệp khác có thể hưởng lợi từ TPP-11 là ngành công nghiệp rượu vang. Tổ chức Wines of Chile cho biết mặc dù không có Mỹ và các lợi ích trong vấn đề thuế quan là không đáng kể, song hiệp định này là một cơ hội thú vị cho các thị trường mới nổi như Việt Nam và Malaysia.

Tổ chức này cho biết: "Ở Việt Nam, mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người đã tăng 70% kể từ năm 2005 cùng với khoảng 100 triệu dân. Điều tương tự đang xảy ra ở Malaysia với một tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng đang lựa chọn rượu vang như là biểu tượng tinh tế và đẳng cấp".

Giá trị nhập khẩu rượu vang Chile của 10 quốc gia TPP năm 2017 đạt khoảng 380 triệu USD. Với mặt hàng sữa, trong năm 2017, Chile xuất khẩu 206 triệu USD sản phẩm sữa sang 37 thị trường, trong đó 24% đến các quốc gia TPP-11 như Peru và Mexico. Với Việt Nam, các nhà sản xuất sữa Chile sẽ phải chờ đến năm nay để công bố giấy chứng nhận xuất khẩu.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hưởng lợi CPTPP, Chile chọn Việt Nam là điểm đến của rượu vang