Một số nhà phê bình đã liên tục đặt ra nhiều chất vấn liệu những lời tán dương của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc Trung Quốc "câu giờ" cho thế giới có thêm thời gian ứng phó với COVID-19 có tạo ra cảm giác an toàn giả, dẫn tới sự lây lan của coronavirus hay không?

Tranh cãi nổi lên về động thái liên tục ca ngợi Trung Quốc của WHO

07/04/2020, 06:08

Một số nhà phê bình đã liên tục đặt ra nhiều chất vấn liệu những lời tán dương của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc Trung Quốc "câu giờ" cho thế giới có thêm thời gian ứng phó với COVID-19 có tạo ra cảm giác an toàn giả, dẫn tới sự lây lan của coronavirus hay không?

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Telegraph

Khi coronavirus lây lan khắp Vũ Hán hồi đầu tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhanh chóng gửi thông điệp: Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình. Và đến khi virus này lan sang các quốc gia khác, ông Tedros lại hoan nghênh sự minh bạch trong phản ứng của Trung Quốc.

Thậm chí, ngay cả khi có bằng chứng cho thấy các quan chức Trung Quốc đã ngăn chặn những người lên tiếng và công bố không chính xác các ca nhiễm, người đứng đầu WHO vẫn không tiếc lời khen dành cho vai trò của Bắc Kinh.

Hiện tại khi đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1,2 triệu người nhiễm với hơn 70.000 người thiệt mạng, đã xuất hiện nhiều hoài nghi liên quan đến những lời ca ngợi của WHO về Trung Quốc tạo ra cảm giác an toàn giả, khiến mọi người chủ quan và thúc đẩy sự lây lan của virus.

Trở về sau chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 2, nhóm chuyên gia về COVID-19 của WHO mô tả Bắc Kinh đã thực hiện một nỗ lực khống chế dịch bệnh đầy "tham vọng, nhanh chóng và quyết liệt nhất trong lịch sử". Tổng giám đốc WHO Tedros tán dương chiến lược phong tỏa của Trung Quốc đã giúp cho thế giới có thời gian chuẩn bị ứng phó đại dịch.

Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều nghi vấn về việc Trung Quốc không những không giúp thế giới có thêm thời gian mà còn đặt toàn bộ nhân loại vào tình huống nguy bách khi công bố dữ liệu về sự lây lan của dịch bệnh không nhất quán.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã thay đổi cách thống kê trường hợp nhiễm coronavirus không dưới 8 lần kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm ngoái và chỉ mới bắt đầu chính thức tính số ca nhiễm không triệu chứng từ tuần trước.

Cộng đồng tình báo Mỹ mới đây cũng đã đưa ra kết luận chính phủ Trung Quốc che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và công bố số liệu không hoàn chỉnh về ca nhiễm và trường hợp tử vong ở nước này bởi Trung Quốc bị coronavirus tấn công trước các quốc gia khác nhiều tuần, nhưng đến nay chỉ báo cáo gần 82.000 ca nhiễm.

Nghị sĩ đảng bảo thủ Anh, Iain Duncan Smith, một nhà phê bình Trung Quốc thẳng thắn, nói với Telegraph: "COVID-19 đã giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy họ đã nỗ lực để giảm số ca nhiễm nhanh nhất có thể. Và khi tìm cách làm điều đó, có nhiều lo ngại cho rằng số liệu thực tế về những gì đã xảy ra ở đây đã bị che giấu. Những số liệu đó không đáng tin".

Một phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Nhiệm vụ của WHO là bảo vệ sức khỏe cho mọi người ở mọi nơi và đây chính là điều mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế cộng đồng của chúng tôi đang làm. Tư cách là cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc của WHO được các quốc gia quyết định. Điều này không ảnh hưởng tới sứ mệnh của tổ chức vốn hoạt động dựa trên chứng cứ, có nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu”.

Quản lý sự bùng phát của một bệnh lây nhiễm mới chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Trong những giai đoạn có dịch bệnh, WHO đã làm việc với các quốc gia thành viên để có được thông tin và phối hợp ứng phó. Một số người lo ngại việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, cũng như sự khen ngợi liên tục của họ đối với Bắc Kinh, đang gây tranh cãi về mức độ đáng tin cậy của cơ quan này trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, những người ủng hộ tổng giám đốc WHO thì lại cho rằng, với tư cách cựu Bộ trưởng Y tế và sau đó là Ngoại trưởng Ethiopia, tiến sĩ Tedros đương nhiên có thiên hướng ngoại giao, và những lời tán dương Trung Quốc của ông là nhằm đảm bảo quốc gia Đông Á này tiếp tục chia sẻ những thông tin quan trọng.

Một số nhà quan sát lưu ý rằng chính Trung Quốc là nước đã có nhiều “tác động hành lang” để ông Tedros có được vị trí như hiện nay. Theo nhiều báo cáo, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ cho ông Tedros trong cuộc bầu cử lãnh đạo WHO năm 2017 qua việc sử dụng những “lời hứa” về hỗ trợ tài chính nhằm kêu gọi các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros.

Số lượng thống kê ca nhiễm chính thức của Trung Quốc không phải là luồng thông tin duy nhất tác động tới cách các quốc gia khác chuẩn bị phản ứng với đại dịch COVID-19. Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã từng tuyên bố không có bằng chứng rõ ràng về việc coronavirus lây truyền từ người sang người, phớt lờ những bằng chứng cho thấy nhiều bệnh nhân bị lây virus từ người khác.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet, có đồng tác giả là bác sĩ làm việc tại bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jin Yin Tan) thành phố Vũ Hán, đã lưu ý rằng vợ của bệnh nhân đầu tiên tử vong vì coronavirus cũng "bị viêm phổi và phải nhập viện và điệu trị trong phòng cách ly”.

Nghiên cứu này có tên "Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân nhiễm coronavirus chủng mới 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc", đã không đề cập việc người phụ nữ nhiễm bệnh từ chồng, chỉ xác nhận rằng bệnh nhân này chưa từng tiếp xúc với chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán – nơi được cho là địa điểm bùng phát đầu tiên của dịch COVID-19.

Một nghiên cứu tương tự được đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu (thuộc cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) hồi tháng 2 cũng từng chỉ ra rằng chỉ có 1 trong 4 bệnh nhân đầu tiên từng liên quan tới chợ hải sản Hoa Nam, dấy lên nghi ngờ về những tuyên bố trước đó ở Vũ Hán rằng COVID-19 bắt nguồn từ chợ Hoa Nam.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh nhân này đã nhiễm coronavirus từ một nơi nào đó rồi sau đó mới đến chợ Hoa Nam và lây nhiễm cho những người tại đây. Do người mua bán đông đúc tại khu chợ nên việc lây lan càng trở nên dễ dàng.

Cũng theo nghiên cứu này, đợt bùng phát mạnh đầu tiên xảy ra vào ngày 8.12.2019, cho thấy có khả năng việc lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra từ trước đó, có thể là cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Nhiều chuyên gia bây giờ cũng tin rằng dịch bệnh này đã bắt đầu lây lan ở Trung Quốc từ trước đó. Một báo cáo trên tạp chí The Lancet cũng cho rằng dịch bệnh có thể đã khởi phát từ trước đó một tuần rưỡi trước đó.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ở Hồng Kông dẫn một tài liệu mật của chính quyền Trung Quốc đại lục cho biết những bệnh nhân đầu tiên có thể bị nhiễm bệnh từ ngày 17.11. Nếu thông tin này chính xác và được công bố sớm hơn, mọi thứ chắc chắn đã khác biệt. Một nghiên cứu của Đại học Southampton (Anh) cũng chỉ ra rằng 95% ca nhiễm có thể tránh được nếu Trung Quốc hành động sớm hơn ba tuần trước đó.

Giáo sư Larry Gostin, Giám đốc Trung tâm Hợp tác về Luật sức khỏe cộng đồng và Nhân quyền thuộc WHO, khẳng định tới tờ Telegraph rằng “việc Trung Quốc chậm trễ khoảng 3 đến 4 tuần khi báo cáo cho WHO về coronavirus có thể đã khiến hàng trăm ngàn người trên thế giới thiệt mạng thế nên Trung Quốc không xứng đáng được thế giới ca ngợi”.

Trớ trêu thay, những vị bác sĩ cảnh báo sớm cho mọi người về căn bệnh viêm phổi bí ẩn lây lan từ người sang người tại Vũ Hán, lại bị công an Vũ Hán triệu tập vì thảo luận về virus mới trên mạng xã hội và bị khiển trách vì lan truyền tin đồn sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang cho mọi người. Theo truyền thông Trung Quốc, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đã ra lệnh cho tất cả phòng thí nghiệm đang thử nghiệm các loại virus mới ngừng hoạt động và tiêu hủy hết những mẫu hiện có.

John Mackenzie, thành viên của ủy ban khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là giáo sư danh dự của Đại học Curtin (Úc), nói với tờ Financial Times (Anh) hồi tháng 2 rằng một số phản ứng ban đầu của Trung Quốc thật "tắc trách" và ông tin rằng họ cố tình giữ im lặng về dịch trong một khoảng thời gian.

Những nghi vấn của ông Mackenzie dù đã được rất nhiều báo cáo trên truyền thông Trung Quốc chứng mình, song, Tổng giám đốc WHO Tedros dường như đã “né tránh” đề cập về những bình luận quan trọng này.

Ông Tedros nói rằng không thể nhận xét về việc liệu Trung Quốc có che giấu giai đoạn ban đầu của COVID-19 hay không, khẳng định rằng nếu Trung Quốc giấu dịch thì số ca nhiễm trên toàn thế giới sẽ phải cao hơn. Đó là những bình luận của ông vào tháng 2, khi số ca nhiễm ngoài Trung Quốc vẫn còn “khá khiêm tốn”. Còn hiện giờ, số ca tử vong trên thế giới đã vượt mốc 70.000 người.

Theo các nhà phân tích, vị thế của Tổ chức Y tế thế giới trong đại dịch COVID-19 lần này được đánh giá trái ngược hẳn so với dịch SARS năm 2003, khi ông Gro Harlem Brundtland còn đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc. WHO tuyên bố cảnh báo sức khỏe toàn cầu về SARS năm 2003, khi số ca nhiễm trên thế giới chỉ hơn 150. Còn với COVID-19, sau khi gần 10.000 người ghi nhận nhiễm bệnh trên toàn cầu, tổ chức này mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

WHO sau đó lên tiếng khẳng định đã điều phối phản ứng quốc tế để chống lại đại dịch COVID-19 một cách minh bạch, bằng cách công bố những thông tin quan trọng trên trang web chính thức của mình để giúp các cá nhân và quốc gia ứng phó với dịch bệnh.

“Một phần trong sứ mệnh của WHO là thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên và chúng tôi đang thực hiện điều đó thông qua các cuộc trao đổi song phương và cuộc họp giao ban hàng tuần với sự tham gia của đại diện các nước. Trong thời gian bùng phát đại dịch, tổ chức đã tiến hành nhiều cuộc họp và thảo luận thường xuyên giữa ban lãnh đạo WHO và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới”, một phát ngôn của WHO tuyên bố.

Đặc phái viên của WHO, tiến sĩ David Nabarro, người từng tham gia tranh cử vị trí tổng giám đốc WHO vào năm 2017, cho rằng ông Tedros có thể đã có những cách tiếp cận “cân bằng hơn”.

“Khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã xây dựng cấu trúc gen của coronavirus rất nhanh và điều đó đã giúp chúng tôi rất nhiều trong giai đoạn đầu. Chúng tôi biết ơn về điều đó cũng như về tất cả các thông tin đã được cung cấp liên quan đến COVID-19. Và khi đại dịch qua đi, toàn bộ quốc gia đều cần phải tự kiểm điểm lại. Tất cả mọi người đều có trách nhiệm làm vậy và đó là điều nên làm”, ông Nabarro nhấn mạnh.

Nhưng giám đốc Trung tâm Hợp tác về Luật sức khỏe cộng đồng và Nhân quyền thuộc WHO, ông Larry Gostin, người từng phụ tá của tiến sĩ Nabarro trong cuộc tranh cử lãnh đạo WHO, lại có phần gay gắt hơn.

"Khi chúng ta nhìn lại và thấy rằng có quá nhiều lời tán dương dành cho Trung Quốc và hệ thống y tế của nước này, liệu đây có phải là thông điệp rằng quyền công dân không quan trọng như chúng ta vẫn tin tưởng. Nhưng tôi tin rằng sức mạnh của sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng”, ông Gostin cho hay.

Hoàng Vũ (theo Telegraph)

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi nổi lên về động thái liên tục ca ngợi Trung Quốc của WHO