Với lý do “tự vệ”, Israel đã phát động chiến dịch quân sự trên Dải Gaza. Sau đó Mỹ cũng với lý do này triển khai hoạt động tấn công mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen.
Hai động thái trên khiến quyền hành động để tự vệ của một quốc gia có chủ quyền được quy định bởi luật pháp quốc tế gây chú ý. Tuần qua, thượng nghị sĩ Mỹ Tim Kaine nhận xét lý do “tự vệ” mà chính quyền Tổng thống Joe Biden viện dẫn “rất nực cười”, ông cho rằng Nhà Trắng phải xin phép quốc hội trước khi hành động.
Khoảng 1 tháng sau khi Israel phát động chiến dịch quân sự ở Gaza, Houthi bắt đầu tập kích tàu di chuyển qua Biển Đỏ và vịnh Aden. Tính đến nay đã có gần 60 vụ tập kích nhắm vào cả tàu hàng lẫn tàu quân sự, gây mất an ninh tuyến vận tải biển quan trọng bậc nhất thế giới.
Ban đầu, Mỹ chỉ tập trung đánh chặn máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa Houthi bắn đi. Từ giữa tháng 1 năm nay, họ bắt đầu đáp trả bằng cách tấn công hàng loạt mục tiêu trên lãnh thổ Yemen gồm kho vũ khí, radar, điểm phóng tên lửa cùng tên lửa chuẩn bị bắn đi và đã có hơn 230 mục tiêu bị xử lý.
Tranh cãi xung quanh quyền tự vệ
Ngày 17.1, Mỹ đưa Houthi vào lại danh sách Tổ chức khủng bố toàn cầu đặc biệt (SDGT). Nhà Trắng lập luận các vụ tập kích tàu hàng cùng tàu quân sự Mỹ cấu thành hành vi tấn công chính nước Mỹ.
Trong số tàu bị tập kích quả thực có tàu Mỹ. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố họ không định mở rộng chiến dịch, Houthi nên ngừng tay.
Thượng nghị sĩ Kaine lên tiếng phản bác tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ hồi đầu tuần: “Quyền tự vệ theo Điều 2 Hiến pháp Mỹ có nghĩa là bạn bảo vệ người Mỹ cũng như tàu thương mại Mỹ. Nhưng bảo vệ tàu thương mại quốc gia khác thì không thể là tự vệ được”.
Theo Điều 2 Hiến pháp Mỹ, tổng thống có quyền thực hiện hành động quân sự để tự vệ mà không cần quốc hội chấp thuận.
Không ít nhà lập pháp khác cũng đồng quan điểm như thượng nghị sĩ Kaine. Thượng nghị sĩ Chris Murphy chỉ ra chiến dịch hiện tại giống với chiến tranh hơn.
“Chúng ta thực hiện nhiều đợt tấn công, có triển khai lực lượng, có thương vong. Tôi không hiểu tại sao lại không cần quốc hội chấp thuận? Sự cho phép từ quốc hội không chỉ hợp pháp hóa chiến dịch mà còn ngăn chặn nguy cơ xảy ra hành ra hành vi sai phạm”, theo thượng nghị sĩ Murphy.
Ngoài Hiến pháp Mỹ, việc sử dụng lực lượng vũ trang của tổng thống còn chịu hạn chế từ Nghị quyết về Quyền lực chiến tranh thông qua năm 1973. Văn kiện này quy định tổng thống chỉ có thể duy trì hoạt động quân sự trong 60 - 90 ngày trừ phi quốc hội chấp thuận hoặc cho phép kéo dài, tính từ lúc tổng thống thông báo kế hoạch sử dụng lực lượng vũ trang đến cơ quan lập pháp.
Do đó nếu hoạt động tấn công Houti không được coi là tự vệ, Nhà Trắng phải tìm cách đạt được sự cho phép từ quốc hội trước ngày 11.4.
Giáo sư luật quốc tế Neve Gordon (Đại học Queen Mary) cho rằng Mỹ cũng nên tham khảo Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm tìm ra câu trả lời.
“Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc gợi ý rằng nếu một tàu mang cờ Mỹ bị tấn công thì Mỹ có thể đáp trả để tự vệ. Nhưng họ không thể bảo vệ tàu mang cờ nước khác, bất kỳ cuộc tấn công nào vào mục tiêu Houthi mà Mỹ thực hiện trên danh nghĩa đáp trả tập kích tàu không phải của Mỹ đều vi phạm hiến chương”, ông Gordon phân tích.