Theo nghiên cứu của tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, ước tính có khoảng 15-40% trẻ lang thang đường phố là người thuộc LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Trong số đó có tới 73% từng bị quấy rối tình dục, 10% bị hãm hiếp - một tỷ lệ cao gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Điều đáng nói là sự kỳ thị, những áp lực từ chính gia đình lại là nguyên nhân chính đẩy các em ra đường.

Trẻ LGBT đường phố và áp lực từ chính gia đình

Một Thế Giới | 03/08/2015, 15:00

Theo nghiên cứu của tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, ước tính có khoảng 15-40% trẻ lang thang đường phố là người thuộc LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Trong số đó có tới 73% từng bị quấy rối tình dục, 10% bị hãm hiếp - một tỷ lệ cao gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Điều đáng nói là sự kỳ thị, những áp lực từ chính gia đình lại là nguyên nhân chính đẩy các em ra đường.

“Đi bụi” vì thấy có nhiều người giống mình
Trần L (quê Quảng Bình) bỏ lên TP Hồ Chí Minh đi bụi đã ngót nghét 5 năm. L cho biết từ nhỏ em đã bị bố đánh lên bờ xuống ruộng không biết bao nhiêu trận chỉ vì “nam không ra nam, nữ không ra nữ”. Ông tìm mọi cách để em không thể ra ngoài “cặp kè với lũ bạn biến thái” ông đánh đập, cắt tóc, cắt hết quần áo… 
Mẹ thì nghĩ em bị “hồn nữ” nhập vào nên mới bị như vậy, bà suốt ngày khóc lóc sụt sùi, thắp hương, lên chùa cúng bái những mong con ma nữ kia thoát khỏi xác em. Bạn bè trêu chọc, xa lánh, L suốt ngày lầm lụi như một cái bóng. Cuối cùng không chịu được, L đã bỏ học lên thị trấn làm thuê cho một quán phở. Nhưng ở đây người ta cũng nhìn em với ánh mắt cười cợt, lúc tức lên bà chủ cũng không tiếc lời mắng chửi em là “đồ dị hợm”.
Cuối cùng L theo một người bạn bỏ vào TP Hồ Chí Minh sống lang thang với một bộ đồ nghề đánh giày. Nhưng cuộc sống ở nơi thành phố đâu có dễ, ngay hôm đầu tiên em đã bị những đứa trẻ đánh giầy khác quây vào đánh cho một trận nhừ tử, cướp hết tiền bạc và đồ nghề. Đang lúc đau đớn và đói thì L gặp một người đàn ông ngỏ ý đưa em về nhà giúp đỡ. 
Sau khi cho em ăn uống, tắm giặt và cho một bộ quần áo mới, gã đàn ông bắt đầu đòi hỏi em quan hệ tình dục. Không còn cách nào khác L đã nhắm mắt đưa chân. Từ đó, L trở thành một thiếu niên sống bằng nghề bán dâm đồng tính. Ở thành phố lâu ngày, L đã kết thân được với một nhóm bạn cùng cảnh ngộ đồng tính bỏ nhà lên đây. Mỗi đứa một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là đều bị chính gia đình mình kỳ thì, hắt hủi. 
Lúc có tiền thì cả nhóm thuê nhà trọ ở, lúc không có tiền thì lang thang vạ vật ở các công viên. Mỗi đứa phải tự bươn chải một nghề mà kiếm sống, có đứa đánh giầy, đứa bốc vác, đứa hát đám ma, và nhiều đứa phải trộm cướp, bán dâm để có tiền sinh sống. L bảo dù cuộc sống ở thành phố quá vất vả và nguy hiểm, nhưng ở đây em thấy có bạn bè, thấy mình không bị lạc lõng.
Không đến nỗi bị đánh như L nhưng V (đồng tính nữ) lại không thể chịu nổi những lời cằn nhằn của bố, mẹ. “Từ việc ăn mặc nam tính, mua đôi giầy, rồi dáng đi, lúc nào bố cũng cằn nhằn bảo không hiểu là cái thứ gì chứ không phải người nữa. Mẹ thì bảo rốt cuộc mày là con trai hay con gái để tao còn biết. Mẹ cho em một ít tiền rồi bảo mày đi học lấy cái nghề gì mà làm, chứ ở nhà bố mày nói điếc tai. Lúc đi bố bảo bước chân ra khỏi nhà thì đừng có bước chân về nữa, bao giờ bỏ được cái thói bệnh hoạn ấy thì hãy về. Thế là em cầm tiền lên thành phố. Em gặp những người bạn đồng tính khác quen biết qua mạng xã hội, sống cùng chúng nó, có việc gì thì làm việc ấy, dù sao cũng thấy thoải mái hơn”.
Khác với L và V, ngay cả những trường hợp không bị bố mẹ đánh đập, ruồng rẫy cũng rất dễ bước chân lên thành phố để “đi bụi” vì không chịu được những đè nén tâm lý từ bản dạng giới và xu hướng tình dục khác biệt của mình. Có những em mặc dù gia đình đã chấp nhận nhưng vì cảm thấy cô đơn, đặc biệt khi không có ai chia sẻ, đồng cảm về những xu hướng tình dục không giống những người xung quanh nên vẫn bỏ nhà đi. 
Điều này thường xảy ra ở các em ở những vùng nông thôn, luôn thắc mắc hoài nghi về bản thân mình nhưng lại không có cơ hội gặp gỡ người có cùng khuynh hướng giới tính. Lên thành phố lớn các em được tiếp cận cộng đồng LGBT giúp cuộc sống cân bằng, bớt cô đơn hơn. Có những em dù vẫn được cha mẹ trợ cấp về tiền nong, nhưng vẫn chọn cuộc sống đường phố, không muốn về nhà vì ngại nói chuyện với người thân, sợ sự kỳ thị, soi mói của hàng xóm.
Đa phần đều hành nghề mại dâm
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội môi trường và kinh tế iSSE cho thấy, tất cả các em LGBT sống ở công viên đều hành nghề mại dâm ở những cấp độ khác nhau. Với một số em chuyển giới từ nam sang nữ và những em đồng tính nữ nhưng có bản dạng giới nữ tính thì việc “làm gà” (từ lóng chỉ hành nghề mại dâm) đơn giản chỉ là chuyện cơm bữa. Các em thoát khỏi bạo lực gia đình nhưng lại rơi ngay vào cạm bẫy đường phố, bị đánh đập, hiếp dâm, bị ép bán dâm, bị trấn lột hoặc đói khát, ốm đau. 
Công bố mới đây của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam cũng chỉ ra có tới 73% thanh thiếu niên LGBT đường phố bị quấy rối tình dục, trong đó tỷ lệ bị hãm hiếp lên tới 10% - gấp 10 lần so với tỷ lệ chung. Lý do bị quấy rối cũng mang tính kỳ thị rất cao, có tới trên 90% LGBT bị quấy rối chỉ vì bản dạng giới và sự thể hiện giới tính của họ. Trên 50% thanh thiếu niên LGBT đường phố kiếm sống bằng nghề bán dâm. 65% thanh thiếu niên LGBT đang sống lang thang trên đường phố bị bạo lực tinh thần từ người cùng chung sống và người lạ, 58% bị bạo lực thể xác. 
Ngoài ra, LGBT đường phố còn đối mặt với việc khó tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, xã hội. Chỉ có chưa đầy 40% LGBT đường phố có chứng minh thư, tỷ lệ này ở nhóm thanh thiếu niên chuyển giới chỉ khoảng 10,5%. Không có tiền không có giấy tờ tùy thân nên các em thậm chí không có một chỗ ngủ ổn định, dài hạn, thường thuê nhà và sống chung với nhau, thậm chí bí quá có thể ăn ngủ ở công viên, vỉa hè. 
Chính vì do ăn ngủ thất thường, nên đa số các em đều bị mắc bệnh. Thế nhưng các em lại rất sợ đến các cơ sở y tế, vì luôn bị soi xét, hỏi là nam hay nữ, sao bề ngoài vậy và lại không ra nam, không ra nữ. Đặc biệt vì quan hệ không an toàn nên rất nhiều em bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đa phần các em đều hỏi kinh nghiệm những bạn từng có triệu chứng như vậy để tự đi mua thuốc. 
Hãy chấp nhận sự đa dạng về giới tính
Nguyễn Lý Hiền Nga (SN 1989, Ba Đình, Hà Nội) hiện đang làm việc tại Tổ chức cứu trợ trẻ em, công việc của cô thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều LGBT và bản thân cô cũng là một LGBT. Nga cho biết ở Việt Nam, rất ít LGBT được may mắn như cô khi được cha mẹ chấp nhận, vì vậy cô có cuộc sống và công việc khá thoải mái. Ngay từ những năm học cấp 3 tại một trường phổ thông ở nước Mỹ, Nga đã tham gia vào một tổ chức của sinh viên về quyền bình đẳng của LGBT, và cũng từ đây cô mới phát hiện mình cũng là một LGBT. Tuy vậy, với cô đó đơn giản chỉ là việc có thêm một trải nghiệm mới chứ không quá nặng nề. 
“Trước đây thì em cũng nghĩ mình chỉ rung động với người khác giới, nhưng khi có trải nghiệm với người cùng giới thì mới biết hóa ra mình cũng có rung động với họ. Đối với em chuyện giới tính không quan trọng, mình bị hấp dẫn với ai vì tính cách, lối sống của họ chứ không phải vì giới tính” - Nga chia sẻ. 
Cô cho biết mình cũng chưa bao giờ có ý định giấu bố mẹ về điều này. “Mới đầu bố mẹ cũng không quen với việc con mình như vậy, nhưng cũng không gây áp lực nhiều, không làm điều gì quá đáng. Chỉ có điều em cảm giác thời gian đầu bố mẹ cũng chưa chấp nhận điều đó, nghĩa là họ luôn tránh nói về điều đó và nếu không nói thì coi như vấn đề không tồn tại. Gần đây khi em đã trưởng thành đi làm thì bố mẹ có vẻ chấp nhận điều này hơn, cách đây ít tháng mẹ đã nói chuyện với em về chuyện này và có vẻ rất thích nghe các vấn đề về LGBT”.
Dù vậy, Nga cho biết ngay cả những người như em cũng vẫn vấp phải sự kỳ thị từ xã hội, không thể hiện bằng việc đánh đập, chửi mắng, đôi khi chỉ là cái nhìn dò xét, một lời nói, một cái tặc lưỡi… cũng ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của mình. Huống hồ đa phần các LGBT đang vấp phải sự kỳ thị từ mọi phía, thì cuộc sống của họ vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy học xong đại học Nga đã quyết định về Việt Nam để làm việc với các chương trình, hoạt động đấu tranh vì quyền bình đẳng của LGBT. 
“Đã đến lúc chúng ta phải tôn trọng sự đa dạng bản sắc và quyền lợi chính đáng được sống, được yêu theo đúng với xu hướng tính dục và bản dạng giới của mỗi người” - Nga nói.
Trên thực tế, những người khó chấp nhận LGBT nhất là chính cha mẹ các em và đa phần bi kịch đều bắt nguồn từ đây. Đầu năm 2015, một tổ chức mang tên Hội phụ huynh, người thân của những người đồng tính, song tính, chuyển giới Việt Nam (PFLAG) đã ra đời, với mục đích tích cực hoạt động để thay đổi nhận thức của xã hội, nhất là cha mẹ, người thân của những người LGBT. Bà Đinh Yến Ly, một thành viên của PFLAG cho biết, từ chính hoàn cảnh gia đình bà, mới đầu rất khó chấp nhận việc con trai là LGBT, điều này đã khiến cuộc sống của con, của cả gia đình vô cùng ngột ngạt. 
Nhưng khi tìm hiểu, đồng cảm với con thì mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn nhiều. “Hầu hết cha mẹ của những người LGBT đều cho rằng con mình bị lệch lạc về giới tính, ăn chơi đua đòi và họ tìm mọi cách từ khuyên bảo, gây áp lực, đánh đập, ép lấy vợ, lấy chồng dẫn đến không ít bi kịch. Họ không hiểu rằng chính cha mẹ đã tạo ra một đứa con như thế, cũng giống như việc chẳng may sinh ra một đứa con khuyết tật. Vậy một đứa trẻ sinh ra là LGBT vốn đã rất nhiều thiệt thòi. Chúng ta không nên đổ lỗi cho chúng, mà hãy hiểu và tôn trọng điều đó”
Theo Trâm Anh (ANTĐ)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ LGBT đường phố và áp lực từ chính gia đình