“Trịnh Công Sơn có những người bạn chân tình chí cốt nhưng không hiểu sao, khi vẽ về Trịnh tôi luôn thấy ông cô độc. Và khi cô độc thì người bạn gần gũi ngoài âm nhạc là hội họa”, họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.
Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Lê Sa Long đã có nhiều tác phẩm về cố nhạc sĩ cùng những tác phẩm của ông. Năm ngoái, họa sĩ từng thực hiện triển lãm Lời Thiên Thu với 32 tác phẩm thì năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ (1.4.2001 - 1.4.2021), họa sĩ Lê Sa Long cũng kịp hoàn thành những tác phẩm về cố nhạc sĩ họ Trịnh.
Họa sĩ Lê Sa Long tâm sự: “Trịnh Công Sơn có những người bạn chân tình chí cốt nhưng không hiểu sao, khi vẽ về Trịnh tôi luôn thấy ông cô độc. Và khi cô độc thì người bạn gần gũi ngoài âm nhạc là hội họa. Ông từng nói: 'Hội họa là cõi trú thứ hai, bên cạnh cõi trú âm nhạc; khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi’. Những khoảng trống hòa quyện cùng các đường nét, màu sắc nhấn nhá tạo nên thần thái của nhân vật và duyên thầm cho tranh vẽ về Trịnh”.
Từ khi trăng là nguyệt lấy cảm hứng từ ca khúc Nguyệt ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly trong tác phẩm Yêu dấu tan theo.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn.
Trong tranh Một cõi đi về là cuộc hội ngộ giữa ba nhạc sĩ lớn của Việt Nam: Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn - ba tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Họa sĩ Lê Sa Long nói rằng:"Các ông có lẽ là thiên sứ được đưa xuống trần gian rong chơi cùng âm nhạc, thi ca, hội họa… xong cuộc vui lại quay về cõi Thiên Thai".