Trung Quốc đang gia tăng các cuộc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, động thái được cho là để củng cố thông điệp rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng chiếm đảo bằng vũ lực.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm 4.10 thông báo đã ghi nhận 56 máy bay chiến đấu của Trung Quốc, trong đó có nhiều máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã tiến vào góc tây nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo.
Phần lớn máy bay trong đợt này là các loại tiêm kích J-16, Su-30 cùng một số ít máy bay săn ngầm Y-8. Lực lượng phòng vệ Đài Loan điều động nhiều tiêm kích đối phó, phát cảnh báo vô tuyến và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không giám sát hoạt động của máy bay Trung Quốc.
Động thái vào hôm thứ hai (4.10) đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp diễn ra sự xâm nhập của các máy bay Trung Quốc, với tổng cộng gần 150 máy bay bay vào khu vực phòng thủ của Đài Loan, tăng 27% so với tổng số lần xâm nhập được ghi trong cả tháng 9. Đài Bắc gọi những hoạt động này là "chiến thuật vùng xám" của Bắc Kinh, với mục đích là thử phản ứng và bào mòn năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng vệ Đài Loan.
"Hòn đảo phải đề cao cảnh giác, khi các hành động của Trung Quốc đại lục ngày càng leo thang. Đài Loan cần củng cố sức mạnh, để ngăn những bên muốn thu hồi hòn đảo tính đến biện pháp vũ lực. Phải tự giúp bản thân trước khi trông chờ người khác", Viện trưởng Hành chính viện Đài Loan Tô Trinh Xương nói trong cuộc họp báo hôm 4.10, cáo buộc Bắc Kinh "nhiều lần xâm phạm hòa bình khu vực và gây áp lực lên Đài Loan".
Đáng chú ý, bình luận về các xâm nhập của Trung Quốc, Cơ quan ngoại giao Đài Loan dẫn hôm 5.10 dẫn lời nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết: "Giữa những cuộc xâm nhập gần như hàng ngày của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lập trường của chúng tôi về quan hệ hai bờ eo biển vẫn không đổi: Đài Loan sẽ không cúi đầu trước sức ép, nhưng cũng sẽ không mạo hiểm, ngay cả khi Bắc Kinh lôi kéo được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế".
Trung Quốc từ lâu luôn coi Đài Loan một phần “lãnh thổ thiêng liêng” chờ ngày thống nhất cũng như tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất hai bờ eo biển. Quân đội nước này đã nhiều lần tổ chức các cuộc diễn tập, đồng thời nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về các lần điều máy bay với số lượng kỷ lục áp sát Đài Loan trong nhiều ngày liên tục. Cơ quan này trước đó khẳng định việc điều động máy bay như vậy để “bảo vệ chủ quyền đất nước” và nhằm vào "sự thông đồng" giữa Đài Loan và Mỹ.
Trong ngày 4.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc Mỹ đang có những động thái tiêu cực bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan và tăng cường quan hệ chính thức và quân sự với hòn đảo.
“Những hành động này bao gồm việc khởi động kế hoạch bán vũ khí trị giá 750 triệu USD cho Đài Loan, hạ cánh máy bay quân sự của Mỹ ở hòn đảo và thường xuyên di chuyển của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan. Những động thái khiêu khích này làm suy yếu quan hệ Trung - Mỹ và hòa bình, ổn định của khu vực. Trung Quốc kiên quyết phản đối và đã thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết", bà Hoa nhấn mạnh.
Giải mã động thái của Trung Quốc
Một số nhà phân tích cho rằng, màn “phô trương sức mạnh” nói trên của Trung Quốc nhìn chung chủ yếu mang động cơ chính trị. Trong tháng 10 có hai ngày lễ lớn liên quan tới cả đại lục và Đài Loan. Ngày 1.10 vừa qua là ngày Quốc khánh thứ 72 của Trung Quốc nên dễ hiểu việc Bắc Kinh muốn thể hiện sức mạnh quân sự, nhất là khi giới chức Đài Loan gần đây liên tục có các phát ngôn cứng rắn tỏ ý muốn xích lại gần Mỹ hơn.
Bằng cách gây áp lực quân sự lên Đài Loan, Bắc Kinh đang ra hiệu tăng cường sức mạnh quân sự cho công chúng trong nước, đồng thời ngầm chọc phá ngày Song thập - kỷ niệm ngày nổ ra cách mạng Tân Hợi của Đài Loan. Bắc Kinh lo ngại giới chức Đài Bắc sẽ nhân ngày lễ này có thêm những phát ngôn khác, làm ảnh hưởng tới chính sách “một Trung Quốc” nên cần phải răn đe để đảm bảo không có diễn biến đáng lo ngại nào xảy ra.
Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng việc Trung Quốc liên tiếp triển khai số máy bay lớn kỷ lục áp sát hòn đảo không phải tín hiệu cho thấy chiến tranh đang cận kề, nhưng phản ánh thông điệp ngày càng rõ ràng của Bắc Kinh về thu hồi hòn đảo bằng mọi giá, kể cả bằng biện pháp quân sự.
Nhà phân tích quốc phòng Gerald C. Brown tại Washington (Mỹ), cho biết có ngày càng có nhiều máy bay ném bom Trung Quốc tham gia các chuyến bay xâm nhập Đài Loan, chúng thường tiến vào không gian giữa thành phố Cao Hùng ở miền nam Đài Loan.
Theo ông, quân đội Trung Quốc đã không tham chiến kể từ năm 1979. Các chuyến bay gần không phận Đài Loan mang lại cơ hội huấn luyện đồng thời tạo điều kiện thu thập thông tin tình báo. Các động thái này cũng phục vụ mục đích để thăm dò xem lực lượng không quân của Đài Loan có yếu kém trong khi chiến đấu không.
“Mặc dù động cơ chính của Trung Quốc vẫn chưa được xác định. Điều chúng tôi có thể nói chắc chắn hơn rằng quân đội Trung Quốc đang ngày càng tự tin trong việc đối phó đối với Đài Loan", Brown cho hay.
Sự ủng hộ Đài Loan trong khu vực đang gia tăng
Phản ứng trước các vụ xâm nhập mới nhất của Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3.10 đã bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan.
"Mỹ quan ngại sâu sắc trước hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Quốc gần Đài Loan, động thái gây bất ổn, mang lại rủi ro và cản trở hòa bình, ổn định khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một thông báo.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 4.10 rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Bắc vẫn là "tảng đá vững chắc".“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng áp lực và ép buộc về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan”, bà Psaki nói.
Theo Nikkei, các cuộc tập trận hải quân 6 nước vào cuối tuần trước, cộng với sự xuất hiện của một nhóm các nhà lập pháp Pháp trong tuần này đến Đài Bắc đã làm nổi bật sự ủng hộ ngày càng tăng của quốc tế đối với Đài Loan.
Natasha Kassam, Giám đốc chương trình chính sách đối ngoại của Đài Loan cho biết: “Sự ủng hộ trong khu vực đối với hòn đảo đang ngày một gia tăng, và Tokyo, Seoul, Canberra và Paris đang nói nhiều hơn về vị thế địa chính trị của Đài Loan.
"Đối với nhiều quốc gia, khi quan hệ với Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng và các hoạt động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan tiếp tục leo thang, thì ngày càng có nhiều sự ủng hộ đối với tình cảnh của Đài Loan. Điều này cũng được phản ánh trong dư luận trong khu vực, nơi quan điểm không hài lòng với Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong khi sự cởi mở với Đài Loan đang trên một quỹ đạo tích cực hơn”, Kassam nhận định.