Trung Quốc đang đối mặt với nỗi lo sụt giảm dân số kỷ lục trong hiện tại, nỗi lo xã hội già cỗi trong tương lai và những hậu quả khó lường

Trung Quốc già hóa, sụt giảm dân số kỷ lục và những hậu quả khó lường

Anh Tú (theo CNN) | 09/02/2021, 16:51

Trung Quốc đang đối mặt với nỗi lo sụt giảm dân số kỷ lục trong hiện tại, nỗi lo xã hội già cỗi trong tương lai và những hậu quả khó lường

Số trẻ làm giấy khai sinh ở Trung Quốc đã giảm gần 15% trong năm ngoái, trong bối cảnh lo ngại rộng rãi về tỷ lệ sinh giảm ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

trung-quoc-gia-hoa-1.jpg

Theo số liệu do Bộ Công an Trung Quốc công bố trong tuần này, cả nước có 10,03 triệu trẻ làm giấy khai sinh vào năm 2020, giảm mạnh gần 15% so với 11,79 triệu của năm trước. Con số cũng cho thấy vào năm ngoái, nước này ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi CHND Trung Hô được thành lập vào năm 1949.

Các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc có thể đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tương lai, khi dân số trong độ tuổi lao động hiện nay đến tuổi nghỉ hưu. Các chuyên gia lo lắng nếu xu hướng này tiếp tục, hoặc dân số bắt đầu sụt giảm, Trung Quốc có thể già đi trước khi giàu lên.

Theo số liệu gần đây nhất của Cục Thống kê Quốc gia, có 250 triệu người trên 60 tuổi ở Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm khoảng 18% dân số.

Stuart Gietel-Basten, Giáo sư Khoa học Xã hội và Chính sách Công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), cho biết mặc dù có khả năng giảm tỷ lệ sinh ở hầu hết các quốc gia vào năm 2020 do đại dịch coronavirus, nhưng số liệu thống kê từ Trung Quốc cho thấy họ giảm không chỉ do xu thế chung.

Ông nói: “Tác động của COVID có thể đã phóng đại vấn đề này lên, và trong những năm tới, sự sụt giảm có lẽ sẽ không quá tệ. Thế nhưng, xu hướng đi xuống đó có thể vẫn sẽ tiếp tục. Số lượng trẻ mới sinh trong tương lai sẽ không bao giờ cao như trước, bởi vì số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm và sẽ giảm nhanh chóng (trong những năm tới)."

Mặc dù sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc vẫn chưa là gì so với một số nước láng giềng có độ tuổi cao - chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai quốc gia này hiện đang sụt giảm dân số - nhưng nó vẫn đặt ra những vấn đề tiềm ẩn trong tương lai, đặc biệt là đối với thế hệ "một con".

trung-quoc-gia-hoa-2.jpg

Có hiệu lực từ năm 1979 đến năm 2015, "chính sách một con" giới hạn hầu hết các cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ có một con, như một phần của nỗ lực nhằm kiểm soát dân số tăng nhanh trong khi đất nước vẫn trong giai đoạn đang phát triển. Việc thực thi quy tắc này rất hà khắc, nó khiến các cặp vợ chồng bị phạt nặng, trong khi hàng triệu phụ nữ buộc phải phá thai nếu họ bị phát hiện mang bầu đứa con thứ hai.

Hệ quả của chính sách này là tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm đáng kể, từ mức cao nhất là gần 6 lần sinh/một phụ nữ trong giai đoạn 1960-1965 xuống còn 1,5 trong giai đoạn 1995 đến 2014. Đồng thời, số người trên 65 tuổi tăng từ 3,36% vào năm 1965 lên gần 10% vào năm 2015, thời điểm chính sách một con kết thúc. Năm 2019, người trên 65 tuổi chiếm 12,6% tổng dân số Trung Quốc.

Kể từ năm 2016, các cặp vợ chồng đã được phép sinh hai con, nhưng dường như đã quá muộn để xoay chuyển tình trạng suy giảm dân số. Lúc này, các bậc cha mẹ bắt đầu xu hướng sinh ít con vốn phổ biến ở hầu hết các nước phát triển. Cuộc điều tra dân số quốc gia hồi tháng 11 vừa qua, dự kiến ​​sẽ cho thấy sự sụt giảm dân số lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ và có nghĩa là Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất.

trung-quoc-gia-hoa.jpg

Đến năm 2050, một phần ba dân số, dự kiến ​​khoảng 480 triệu người,sẽ trên 60 tuổi, với hầu hết lao động trẻ từ các gia đình một con phải phụng dưỡng cha mẹ và ông bà hai bên. Đó là điều đau đầu ở một quốc gia mà dịch vụ xã hội cho người cao tuổi vẫn còn thiếu thốn. Sự không chắc chắn về các số liệu chính thức do chính phủ đưa ra cũng có nghĩa là tình hình thực tế còn có thể tồi tệ hơn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rất rõ về nguy cơ dân số già, thứ có thể cản trở nền kinh tế của đất nước đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính quyền đã cố gắng khuyến khích người dân sinh con - sau nhiều thập kỷ trừng phạt những người đẻ quá quy định.

Vào năm 2018, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản đã đăng toàn trang một bài xã luận nói rằng "Sinh con là vấn đề gia đình và cũng là vấn đề quốc gia", đồng thời cảnh báo rằng "tác động của tỷ lệ sinh thấp đối với nền kinh tế và xã hội, đã bắt đầu xuất hiện".

Phụ nữ, những người đang phải gánh chịu gánh nặng của chính sách một con, cũng đang bị ảnh hưởng bởi nỗ lực mới để sinh thêm con. Sau nhiều thập kỷ khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, áp lực kết hôn và sinh con ngày càng gia tăng, ngay cả khi nhiều phụ nữ thuộc thế kỷ 21 đang quay lưng với việc kết hôn.

Từ năm 2013 đến 2019, số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người xuống còn 13,9 triệu người. Sự sụt giảm được thúc đẩy một phần bởi nhân khẩu học (chính sách một con có nghĩa là sẽ có ít người kết hôn hơn) nhưng một phần không nhỏ là do đã có sự thay đổi trong thái độ đối với hôn nhân.

Wei-Jun Jean Yeung, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, người đã nghiên cứu về hôn nhân và gia đình tại các xã hội châu Á, cho rằng: “Với việc giáo dục được nâng cao, phụ nữ đã giành được độc lập về kinh tế, vì vậy hôn nhân không còn là nhu cầu thiết yếu của phụ nữ như trước đây. Phụ nữ bây giờ muốn theo đuổi sự phát triển sự nghiệp cho bản thân trước khi kết hôn".

Nhưng các chuẩn mực giới tính và truyền thống gia trưởng đã không bắt kịp với những thay đổi này. Ở Trung Quốc, nhiều nam giới và kể cả cha mẹ chồng vẫn mong muốn phụ nữ đảm đương hầu hết công việc chăm sóc con cái và nội trợ sau khi kết hôn, ngay cả khi họ có công việc toàn thời gian.

Gietel-Basten, nhà nhân khẩu học HKUST cho biết: “Chỉ đưa một tấm áp phích lên nói rằng có hai con là một điều tuyệt vời thì vẫn chưa đủ, chưa đến nơi đến chốn”. Gietel-Basten cho rằng cần phải có những hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ khi sinh con, ít nhất là bù đắp về vấn đề kinh tế: "Không có chính sách xã hội hỗ trợ nào để bù đắp tác động tiêu cực (khi phụ nữ sinh con)"

Khi xu hướng này trở nên rõ ràng, cùng với tỷ lệ sinh giảm, chính phủ Trung Quốc đã gia tăng áp lực đối với thanh niên, đặc biệt là phụ nữ trẻ, kết hôn và lập nghiệp. Năm 2007, Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc (một tổ chức được nhà nước hậu thuẫn) đặt ra thuật ngữ "phụ nữ còn sót lại" để mô tả những người trên 27 tuổi chưa kết hôn. Đây là một thuật ngữ đã được Bộ Giáo dục thông qua và được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống để khiến những phụ nữ kết hôn muộn hoặc lảng tránh hôn nhân phải xấu hổ.

Chính phủ cũng gây khó khăn hơn trong việc chấm dứt các cuộc hôn nhân, khi cơ quan lập pháp quốc gia Trung Quốc năm ngoái đưa ra thời hạn "hạ nhiệt" 30 ngày đối với những người nộp đơn ly hôn. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi, đặc biệt là trong bối cảnh bạo lực gia đình ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Gietel-Basten cho biết Trung Quốc sẽ không dễ để giải bài toán tăng tỷ lệ sinh con của phụ nữ vào lúc này. Thay vào đó, ông khuyên chính quyền Trung Quốc nên chuẩn bị học cách như một số nước láng giềng đã bắt đầu làm: có các phương án cho một xã hội già cỗi, để bù đắp những hậu quả tiềm ẩn.

"Đúng vậy, dân số đang già đi, và trong tương lai dân số sẽ giảm, điều bạn cần làm là nói làm thế nào chúng ta có thể tận dụng tối đa những gì chúng ta có. Bạn có thể làm điều đó thông qua tăng năng suất lao động, thông qua những thay đổi trong giáo dục, cải cách hệ thống lương hưu, hệ thống chăm sóc sức khỏe, bằng cách đầu tư ngay từ bây giờ để giảm thiểu tác động từ các vấn đề lớn hơn trong tương lai".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
51 giây trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc già hóa, sụt giảm dân số kỷ lục và những hậu quả khó lường