Một thông báo từ Bộ Giáo dục Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận sau khi Bộ này cho rằng nam thanh niên Trung Quốc ngày nay đã trở nên quá "nữ tính".
Thông báo này đã bị nhiều cư dân mạng chỉ trích là phân biệt giới tính nhưng một số người thừa nhận rằng nam thanh niên Trung Quốc có dấu hiệu như thế thật.
Trong một thời gian, chính phủ Trung Quốc đã ra dấu hiệu lo ngại rằng hình mẫu nam giới phổ biến nhất của đất nước không còn là những hình tượng mạnh mẽ, đầy khí chất nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân, đất nước như các "anh hùng quân đội".
Vì vậy, tuần trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra một thông báo với tiêu đề có mục đích rất rõ ràng. Thông báo đã kêu gọi các trường học cải cách toàn diện việc giáo dục thể chất và tăng cường chất cơ bắp trong khâu tuyển dụng giáo viên, khuyến cáo nên tuyển dụng các vận động viên đã nghỉ thi đấu và những người có nền tảng thể thao làm giáo viên (thể chất). Đồng thời, nhà trường cần chú trọng "phát triển mạnh mẽ" các môn thể thao cụ thể như bóng đá với mục đích "nuôi dưỡng nam tính của học sinh".
Trẻ em Trung Quốc hết thích làm anh hùng
Tháng 5 năm ngoái, một đại biểu thuộc cơ quan cố vấn hàng đầu của Trung Quốc, Si Zefu, nói rằng nhiều nam thanh niên Trung Quốc đã trở nên "yếu ớt, rụt rè và tự ti". Ông tuyên bố rằng có một xu hướng trong giới trẻ Trung Quốc hướng tới "nữ tính", điều này "chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại và phát triển của đất nước Trung Quốc" trừ khi nó được "quản lý hiệu quả".
Si Zefu cho biết một phần nguyên nhân là do môi trường gia đình, hầu hết các cậu bé Trung Quốc được nuôi dưỡng bởi mẹ hoặc bà của chúng. Ông cũng lưu ý rằng sự hấp dẫn ngày càng tăng của một số nam nhân nổi tiếng trên truyền hình tác động tới việc nhiều trẻ em "không muốn trở thành anh hùng quân đội'" nữa. Vì vậy, ông đề nghị, các trường học nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo giới trẻ Trung Quốc có được nền giáo dục cân bằng.
Phần lớn phản ứng của người Trung Quốc đối với thông báo này là tiêu cực. Hàng trăm nghìn người Trung Quốc đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự tức giận của họ, trong đó nhiều người cho rằng thông điệp của Bộ Giáo dục là phân biệt giới tính. "Nữ tính bây giờ có phải là một thuật ngữ xúc phạm không?" Một người dùng Weibo đã đặt câu hỏi và nhận được hơn 200.000 lượt thích. Một người khác bình phẩm: "Con trai cũng là con người ... dễ xúc động, rụt rè hay dịu dàng, đó là những đặc điểm của con người". "Đàn ông thì cũng phải biết sợ chứ? Làm gì có chuyện nữ tính?" một người đặt câu hỏi.
"Nam giới nhiều hơn phụ nữ 70 triệu người ở đất nước này", một người khác tuyên bố. "Không có quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ giới tính mất cân bằng như vậy. Như vậy chưa đủ nam tính sao?"
Một người khác nói: "Không ai trong số những người đưa ra đề xuất này là phụ nữ".
Tuy nhiên, từ một số kênh truyền thông, đã có sự đón nhận tích cực đối với thông báo này. Tờ Hoàn Cầu thời báo lưu ý rằng ý tưởng đã "giành được một số ủng hộ". Trên nền tảng mạng xã hội Sina Weibo, các bình luận chỉ ra rằng những nam nhân nổi tiếng của Trung Quốc phần lớn là những người được gọi là "ít cơ bắp" (tiểu tiển nhục). Đây là một từ thông dụng dùng để chỉ những biểu tượng nam thanh niên của Trung Quốc, những người được coi là bóng bẩy, tỉa tót và có đường nét thanh tú.
Nỗ lực mệt nhoài
Nhóm nhạc nam TF Boys và ca sĩ Trung Quốc Lu Han, cũng như nhiều ngôi sao K-pop lọt danh sách được giới trẻ hâm mộ. Trong khi Trung Quốc muốn những nhân vật như cầu thủ bóng rổ Yao Ming đã nổi tiếng ở nước ngoài, đặc biệt là các cầu thủ bóng đá là sự lựa chọn của giới trẻ. Ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã nói về hy vọng rằng đất nước sẽ trở thành một "siêu cường bóng đá thế giới" vào năm 2050. Có lẽ ông muốn vực dậy giới trẻ Trung Quốc bằng niềm tự hào thể thao mạnh mẽ.
Nhưng những nỗ lực liên tục và tốn kém để nâng tầm bóng đá của Trung Quốc lại toàn gặp thất bại và bị chế giễu như một nhiệm vụ dường như là bất khả thi. Thậm chí, Marcello Lippi, người đã dẫn dắt Ý vô địch FIFA World Cup 2006, cũng phải từ chức huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc vì thất bại và bị chế giễu.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực giới thiệu và thúc đẩy các hình mẫu mới cho giới trẻ nhưng tìm được một anh chàng coi được lại hơi khó. Thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian năm ngoái là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá những nhân vật như Zhou Chengyu, người đã trở thành một cơn sốt lan rộng với tư cách là một chỉ huy tàu không gian khi 24 tuổi. Rất tiếc, Zhou lại là một cô gái.
Như Si Zefu đã cảnh báo vào năm ngoái, đối với nam thanh niên Trung Quốc, hình ảnh hấp dẫn của những người lính, cảnh sát hoặc lính cứu hỏa mạnh mẽ và không biết sợ hãi đang mất dần. Trong những năm gần đây, các sao nam trẻ xuất hiện phủ sóng trên màn ảnh Hoa ngữ với hình xăm hoặc khuyên tai. Điều đó khiến nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc cảm thấy lo ngại.