Rạng sáng 4.9, lực lượng an ninh Trung Quốc lặng lẽ tiến hành tiếp quản “khu vực Hoa lục quản lý” ở một ga cuối của tuyến đường sắt thuộc Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).
Lễ khánh thành “khu vực Hoa lục quản lý” diễn ra lúc nửa đêm
Lễ khánh thành “khu vực Hoa lục quản lý” ở trạm cuối Tây Cửu Long được tổ chức vội vàng lúc nửa đêm, dù tuyến đường sắt cao tốc kết nối Hồng Kông với Thẩm Quyến và Quảng Châu (Trung Quốc) sẽ chỉ đi vào hoạt động từ ngày 23.9 tới.
Giới truyền thông Hồng Kông không được mời dự, và sau khi hết lễ thì chính quyền đặc khu mới thông báo sau nửa đêm: lãnh đạo ngành giao thông Hồng Kông đã cùng một quan chức cấp cao của thành phố Thẩm Quyến dự lễ khánh thành “khu vực Hoa Lục quản lý”.
Trưa 4.9, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga mô tả lễ khánh thành chỉ là “một thủ tục bàn giao cấp cao”. Bà phủ nhận rằng không hề có kế hoạch che giấu: “Không có lén lút gì cả. Chính quyền luôn công khai minh bạch về dự án này”.
Bà Lâm cũng cho biết nhân viên Hoa lục không được phép bảo vệ pháp luật ở ngoài “khu vực Hoa lục quản lý”, và đa số nhân viên sẽ trở về Hoa lục sau mỗi ngày làm việc, dù một số ít người sẽ ở lại để làm ca đêm.
Hồi trung tuần tháng 6, các nhà lập pháp Hồng Kông thông qua một luật, cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra, kiểm soát xuất nhập cảnh chung tại trạm cuối Tây Cửu Long (giữa trung tâm Hồng Kông) của tuyến đường sắt cao tốc nối đặc khu này với Thẩm Quyến và Quảng Châu.
Tuyến đường sắt này giúp rút ngắn thời gian đi từ thủ phủ tỉnh Quảng Đông tới Hồng Kông từ 2 tiếng đồng hồ xuống còn 50 phút.
Thông thường, hành khách đi từ Hồng Kông sang đại lục hoặc ngược lại phải trải qua hai trạm kiểm soát xuất nhập cảnh, một tại Thẩm Quyến và một tại Hồng Kông.
Tuy nhiên, luật mới cho phép hành khách chỉ cần làm thủ tục thông quan tại chốt kiểm soát xuất-nhập cảnh chung ở trạm cuối Tây Cửu Long. Ở đây có một khu vực được chỉ định là “thuộc quyền quản lý của đại lục”.
Người Trung Quốc làm việc ở khu vực này gồm hải quan, di trú, kiểm dịch, trong khi công an sẽ chịu trách nhiệm “quản lý trật tự trị an”, căn cứ theo luật hình sự lẫn dân sự của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa luật của Hoa lục lần đầu tiên được áp dụng trên lãnh thổ Hồng Kông, kể cả ở trạm cuối Tây Cửu Long với đoàn tàu hỏa. Như thế có nghĩa bất kỳ ai phạm pháp ở hai khu vực này đều sẽ bị xét xử theo luật Trung Quốc, và nếu phạm trọng tội thì có thể bị luật pháp Trung Quốc tuyên án tử hình.
Cư dân Hồng Kông cũng thắc mắc, rằng họ sẽ phải hành xử thế nào ở các khu vực trên? Liệu họ có bị trừng phạt vì sử dụng các mạng xã hội bị cấm ở Hoa lục như Facebook, Twitter?Hoặc liệu họ có bị theo dõi vì mặc các kiểu quần áo có in biểu ngữ chính trị?
Tờ Minh Báo nói có khoảng 800 cán bộ Trung Quốc ở “khu vực Hoa lục quản lý”, bao gồm cả 80 nhân viên an ninh.
Hồng Kông mất quyền giám sát trên từng tấc đất vào tay Trung Quốc
Tuy nhiên, các đảng ủng hộ Hồng Kông độc lập khỏi Bắc Kinh đã phản đối, nói sự tiếp quản này là “trao lãnh thổ” cho Bắc Kinh.
Vì sau khi Anh trao trả xứ nhượng địa Hồng Kông cho Trung Quốc ngày 1.7.1997, thành phố này sống theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép Hồng Kông thụ hưởng một cấp độ tự chủ và quyền tự do ngôn luận vốn hiếm có ở Trung Quốc.
Nhưng hiện các quyền này đang bị Bắc Kinh đe dọa. Không ít nhà lập pháp ủng hộ độc lập coi “khu vực Hoa lục quản lý” là hành động vi phạm Luật Cơ bản, vốn quy định các luật của Trung Quốc không được áp dụng đối với Hồng Kông, ngoại trừ vài lĩnh vực phòng thủ.
Họ còn nói khu vực này làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông, và mở ra tiền lệ cho những thỏa thuận tương tự sau này có thể áp đặt lên Hồng Kông, nơi còn đang có nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể hoàn thành trong năm 2018, gồm một cầu vượt biển nối Hồng Kông qua Macau và miền nam Trung Quốc.
Còn có sự lo ngại Trung Quốc muốn thông qua tuyến đường sắt cao tốc để tăng quyền kiểm soát, cũng như tạo điều kiện cho điệp viên Hoa lục sang Hồng Kông hoạt động.
Nhà lập pháp James To ủng hộ độc lập, cáo buộc chính quyền đặc khu coi thường ý nghĩa của việc nhân viên an ninh Hoa lục đến làm việc: “Lẽ ra đấy phải là một sự kiện lịch sử, nhưng họ lại rất xấu hổ, thậm chí không mời giới truyền thông đến chụp ảnh”.
Nhà lập pháp Tanya Chan ủng hộ dân chủ, nói Hồng Kông nay “mất quyền giám sát pháp lý trên từng tấcđất khu trung tâm thành phố”, và bà nói sự dàn xếp giữa Trung Quốc với chính quyền đặc khu là “phi pháp, vi hiến, là ngày đen tối nhất của nền tư pháp độc lập và sự thượng tôn pháp luật của Hồng Kông”.
Bích Ngọc (theo Reuters)