Theo quy định mới của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, từ ngày 1.7, công dân Việt Nam có thể làm hộ chiếu tại bất kì nơi nào trong nước mà không phải về địa phương, nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Trước đây, để làm hộ chiếu, bạn phải đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký thường trú hoặc đang tạm trú (nếu tạm trú thì phải có sổ KT3), tuy nhiên, theo quy định mới mà Quốc hội thông qua hồi tháng 11 năm ngoái về Luật xuất cảnh và nhập cảnh thì mọi công dân Việt Nam có thể thực hiện làm hộ chiếu tại bất kỳ cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi nào thuận lợi nhất cho mình mà không cần phải có sổ KT3 đối với nơi tạm trú như quy định trước đây. Tuy nhiên, công dân Việt Nam phải có thẻ căn cước công dân.
Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 1.7.
Hướng dẫn thủ tục cho người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu
Đối với người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hồ sơ bao gồm:
Tờ khai đã điền đầy đủ thông tin; 2 ảnh chân dung; Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi; Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Nếu là bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ trả kết quả.
Cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước từ 1.7.2020
Ngoài ra, cũng từ 1.7.2020, theo Nghị quyết 79/NQ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành, cho phép cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước, bao gồm Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Italia, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, Úc, New Zealand, Trung Quốc (bao gồm công dân mang hộ chiếu Hồng Kông, hộ chiếu Ma Cao, không áp dụng với công dân mang hộ chiếu phổ thông điện tử Trung Quốc),...
Danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử theo quy định bao gồm: 8 cửa khẩu đường hàng không (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc và Phú Bài); 16 cửa khẩu đường bộ: Tây Trang (Điện Biên); Móng Cái (Quảng Ninh); Hữu Nghị (Lạng Sơn); Lào Cai (Lào Cai); Na Mèo (Thanh Hóa); Nậm Cắn (Nghệ An); Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình); La Lay, Lao Bảo (Quảng Trị); Bờ Y (Kon Tum); Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh); Tịnh Biên, Sông Tiền (An Giang); Hà Tiên (Kiên Giang) và 13 cửa khẩu đường biển, bao gồm: Hòn Gai, Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh); Hải Phòng (thành phố Hải Phòng); Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế); Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng); Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa); Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); TP.HCM và Dương Đông (tỉnh Kiên Giang).
Minh An