Thôi thì trước sau gì cũng phải có một chương như thế này, cho những người tôi yêu và yêu tôi, không phải cho thỏa lòng tò mò của đại đa số các bạn mà cho tôi. Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ Kỳ 2: Cô đơn trong ngôi nhà mình! Kỳ 3: Trái tim nhảy múa Kỳ 4: Giữ 1 lời hứa Kỳ 5: Là bóng hay hình

Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 5: Yêu

Một Thế Giới | 15/01/2015, 17:07

 Thôi thì trước sau gì cũng phải có một chương như thế này, cho những người tôi yêu và yêu tôi, không phải cho thỏa lòng tò mò của đại đa số các bạn mà cho tôi. Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ Kỳ 2: Cô đơn trong ngôi nhà mình! Kỳ 3: Trái tim nhảy múa Kỳ 4: Giữ 1 lời hứa Kỳ 5: Là bóng hay hình

Như một câu hát, “vì anh, tấm gương soi, đối mặt em đó, vỡ một lần cho xong”.
Chỉ mong ai đó nếu thấy chương này có ít nhiều làm tổn thương nhau thì hãy hiểu cho đây là những tâm tình chơn chất của một gã mang danh là phù thủy trên sân khấu, nhưng cũng mang tiếng dại các loại gái, trai, và cả chẳng trai, không gái ở đời thường.
Cuộc tình chưa hết trên đầu ngón tay
Là người của công chúng, tôi luôn bị đồn (oan) là cặp bồ với bất cứ người nào mà họ thấy đi cùng, từ con gái đến con trai. Phải chăng đó là hậu quả của cuộc sống tình cảm quá kín đáo của tôi nên mình cũng dễ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ tò mò, thèm thuồng khai thác đời tư người của công chúng để làm trò mua vui cho thập phương bá tánh, và cho những ai ghét mình nữa chớ (ai lại không có, huống hồ Thành Lộc?!).
Dĩ nhiên đây cũng là một chương khó khăn để kể ra với tôi. Với số tuổi của tôi bây giờ, với nghề nghiệp của tôi đã và đang theo, với những trải nghiệm tôi đã có, bạn có tin không nếu biết con số những cuộc tình của tôi chưa đếm được hết mười đầu ngón tay. Thiệt tình mà nói để gọi là trọn vẹn, gần như chưa cuộc tình nào đạt tới hai chữ đó, chỉ là những khoảnh khắc hạnh phúc, có khi cho cả hai hoặc cả ba.
Tại sao lại cả ba? Có những lúc ba đứa thân thiết với nhau, tôi cùng một cô bé và một chàng trai nữa. Cả ba cùng trẻ, đẹp và tài năng. Cô gái tên Biển. (Ngó lại những tình yêu của mình, hình như tôi đắm chìm trong cũng có tới vài cái Bể).
Chàng trai kia cũng là bạn thân của mình. Tôi lúc đó đang ở trong đội múa. Nàng ở cùng đội với tôi. Còn chàng dính líu đến âm nhạc, là một nghệ thuật mà hốt nhiên bỗng thấy réo rắt hơn mình, vương giả hơn mình. Hình thể chàng cũng cao ráo hơn mình, nên tự thấy nếu cần một người để che chở nàng chắc chàng xứng đáng hơn. Thế là tôi rút lui.
Cùng lúc quen với Hát và Biển, tôi còn quen thân với một đạo diễn tên Biển nữa. Chàng Biển này với tôi cũng khá thân, nhưng quan hệ của chúng tôi chỉ là những trao đổi về nghề.
Nhiều người cho là tôi “lụy” Biển này hơn. Nhưng nếu quả thật như vậy thì với tôi, tình cảm càng “lụy” nhau thì bộc phát, bộc tàn.
Chỉ lâu bền hơn nếu bên cạnh tình yêu còn những việc làm chung, cần sự nể trọng nhau, sự chăm sóc nâng niu nhau. Và điều quan trọng nhất, phải là cùng chủng loại mới cùng ngôn ngữ mà hiểu những lời nói của nhau. Để nhận ra nhau không thể dùng mắt thường, mà chỉ bằng cảm nhận vô hình.
Tưởng sao, giờ thì trong ba đứa, chỉ mình tôi còn sống độc thân. Chàng nay là nhạc trưởng kiêm giám đốc một nhà hát, Biển nay là bác sĩ, cả hai đều có hai gia đình riêng và chắc là họ đều hạnh phúc.
Trước khi kể thêm một cặp ba nữa, xin trở lại một rung động đầu đời của tôi. Đó là một cô giáo khi tôi học lớp 6 Trường Nguyễn Thái Học. Cô dạy văn, tên Mỹ, và cô đẹp. Tiếng cô đọc những áng văn thơ nghe êm như nhạc, chữ viết cô rải trên bảng mà độ đậm nhạt như viết bút mực trên giấy. Phải ghi tên cô ở đây, dù chỉ là rung động thời vỡ lòng yêu, ở cái tuổi 12-14.
Thời đó, tôi giỏi văn nổi tiếng. Đọc đề xong tôi viết một mạch, chưa bao giờ viết nháp. Điểm thi văn trong các kỳ thi học kỳ của tôi luôn cao nhất lớp. Thừa thắng xông lên, tôi còn mộng mơ mai mốt mình sẽ phải trở thành một ông thầy dạy văn.
Có lẽ tôi giỏi văn nhờ yêu cô và muốn đẹp lòng cô. Nhờ cô siêng năng sắm áo dài mới mà cũng hình thành trong tôi một nỗi vấn vương với chiếc áo dài, loại áo dài đơn giản, rất Việt, và rất thơ.
Tiếc là cô giáo đã mất sau 1975, không cho tôi có cơ hội được mời cô xem mình diễn, để cô hiểu có phần cô góp trong những vai diễn của tôi.
Ông anh của... Hát
Có một thời gian, trong giới thích gắn tên tôi với một nữ diễn viên. Tạm kêu cô gái này là Hát. Đầu tiên, Hát coi tôi như ông anh của khóa trước, vở tivi đầu tiên của Hát khi cô còn đang học năm thứ hai trong trường, đạo diễn mạnh dạn mời hai đứa tôi làm cặp nam nữ chính trong đó.
Hồi đó mặt hai đứa trong vắt. Nhưng tôi được mời đóng nhiều loại vai hơn là Hát chỉ chết một vai đào đẹp, hiền ngoan. Khi tôi về sân khấu 5B, Hát và tôi có làm vợ chồng và tình nhân trong vài vở như Giấc mộng kê vàng, Ngôi nhà không có đàn ông.
Vở trước chúng tôi được một tờ báo bình chọn là cặp đôi được yêu thích trong năm. Vở sau có một câu thoại nhiều người thích, khi tôi đến từ biệt Hạ để ra đi, tôi trong vai ông Thiện đã nói: “Cái mà Hạ cần, tôi không có, và tôi lại có những thứ mà Hạ không cần”. Ngoài đời có lẽ cũng vậy. Hát có những điểm khá giống tôi, thông minh, hài hước, ít nhiều có máu nổi loạn.
Nhưng đúng là cái Hát cần, như cần một sắc vóc để có thể làm đôi tiên đồng ngọc nữ, thì tôi bị thiếu ít nhiều, cái tôi dư thừa là sự cô đơn thì có nữ nghệ sĩ nào rước vào cái của nợ đó về chi cho nặng đời.
Có một thời gian Hát lụy vì những nam nhơn có vóc dáng đẹp mã. Giữa tôi và một nam nhơn nổi tiếng sát gái, bạn dễ nhận ra Hát thà phiêu lưu với người ấy hơn an toàn với sự lãng mạn nhẹ nhàng như mây như khói của tôi...
Giai đoạn đó tôi không hề thấy buồn hay lo mất Hát dù quanh Hát lúc nào cũng dìu dập kẻ đón người đưa, những Việt kiều, nghệ sĩ. Không phải tôi A.Q. hay tử tế gì. Tinh thần tôi lúc ấy cũng có một điểm tựa vững chắc vào một người mà tôi vẫn chưa biết gọi danh xưng gì mới xứng: huynh đệ, bạn bè, hay một “hồng nam tri kỷ” với mình.
Mà ngẫm kỹ, có lẽ tên chính xác của tình cảm này là tình bằng hữu, một loại tình bằng hữu cao đẹp hơn cả tình yêu vì nó đã giúp nhau lớn lên về nhiều mặt thuộc về tâm hồn và cách sống.
Hồng nam tri kỷ
Anh cũng tên Biển. Bạn đã bao giờ có được một người bạn mà bạn quý từng giây phút gặp nhau, tiếc rẻ vô cùng khi con đường cùng đi với nhau sao chỉ có từng đó để câu chuyện đang khơi trào, tim bạn như đâu đó có một nguồn suối hạnh phúc phun chảy, thì bạn phải chia tay.
Tôi và Biển có thời gian như vậy. Nhiều đêm đi diễn về chúng tôi tâm sự với nhau về chuyện đời, chuyện nghề, cách thế con người sống với nhau, kiến thức về những tác phẩm chúng tôi xem... Mải chuyện, có khi Biển đưa tôi về, bị lố một khúc và ngược lại.
Biển là một người sống có lý tưởng, đã từng suýt hiến thân mình cho một tôn giáo. Anh cho tôi nhiều hơn là ngược lại, và đôi lúc tôi nghĩ mình may mắn khi có một người bạn lớn kiêm luôn cả làm người thầy, hướng dẫn tinh thần cho mình.
Phải nói nhiều về nam nhơn tên Biển này của tôi bởi vì đùng một cái, tôi biết được Biển tỏ tình với Hát. Mà Hát thì đã có bao giờ là của tôi đâu, ngoài những giây phút phù du trên sàn diễn, màn hình? Bạn là tôi thì bạn sẽ xử sự như thế nào trong tình huống này? Đành lập lại lối cũ thôi, “ta đi theo lối nhỏ, là lối an toàn”. Tôi còn có thể làm gì khác chớ? Cả hai đẹp đôi, tài năng, cần nhau. Phải, lúc đó họ là những điểm tựa chắc chắn cho nhau.
Hơn nữa, tôi yêu cả hai. Hơn cả tình yêu, tôi quý cả hai. Khi họ hạnh phúc có nghĩa là tôi được tới hai lần hạnh phúc. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi không chút nào đau đớn, mà phải nói chính xác là nỗi đau cũng tăng đến bốn lần. Bởi vì dễ gì tìm được lần nữa những Hát và những Biển của mình một thời tràn đầy nhựa nóng thanh xuân của yêu và sống.
Kết cục của cặp ba này thì không chỉ mình tôi độc thân. Biển sau nhiều cái đám cưới hụt với một số mỹ nhơn, hiện vẫn một mình. Hát thì xuất cảnh theo gia đình, gặp lại và kết hôn với người yêu đầu, thỉnh thoảng có về lại Việt Nam. Cô vẫn thu xếp ghé thăm tôi, đúng hơn là thăm sân khấu chúng tôi với lối trò chuyện hài hước khiến ai gặp cô cũng thấy tràn ngập niềm vui.
____________
Những câu chuyện ân tình, những tâm hồn đồng điệu đã ngang qua một đời nghệ sĩ.
Theo Tuổi Trẻ
Kỳ cuối: Những nữ nhơn trong đời

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 5: Yêu