Chủ động ứng phó bão số 2 hướng vào đất liền, nhiều địa phương đã quyết định tạm ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi, cấm các hoạt động trên biển từ hôm nay 22.7.
Theo dòng thời sự

Ứng phó bão số 2, nhiều địa phương cấm biển từ hôm nay

Tuyết Nhung 22/07/2024 18:25

Chủ động ứng phó bão số 2 hướng vào đất liền, nhiều địa phương đã quyết định tạm ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi, cấm các hoạt động trên biển từ hôm nay 22.7.

Để ứng phó và phòng chống cơn bão số 2, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh) đã ban hành văn bản tạm ngừng cấp phép tàu.

2237180_tau_tham_quan_vinh_ha_long_09490522.jpg
Dự báo đến chiều 22.7, bão số 2 vào khu vực vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến thời tiết của tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: UBND tỉnh Quảng Ninh

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ hôm nay (ngày 22.7), vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 109,8 độ kinh đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 88km/giờ), giật cấp 11, di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 15km/giờ. Chiều tối nay, bão số 2 sẽ vào khu vực vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến thời tiết của tỉnh.

Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển: Xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc việc này trước 16 giờ ngày 22.7); tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Thời gian tạm ngừng bắt đầu từ 12 giờ ngày 22.7.

Hôm nay, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức di chuyển khách về đất liền đảm bảo an toàn. Đối với một số du khách có nhu cầu ở lại tuyến đảo, Sở Du lịch và địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp chu đáo.

Theo thông tin từ Cảng vụ Đường thủy nội địa và Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện có 3.512 khách du lịch trên các tuyến đảo ở Quảng Ninh. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 398 tàu du lịch đang hoạt động bình thường và sẽ hoàn thành việc di chuyển về nơi tránh trú trong chiều tối nay.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng cũng vừa thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, cáp treo, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông phòng chống bão số 2.

Theo đó, để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do bão số 2, Ban Chỉ huy thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 12 giờ ngày 22.7.

TP tiếp tục khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thủy sản, phương tiện đường thủy nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn ra khơi trở lại.

Trên đất liền, từ đêm 22.7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9.

Vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông trưa 22.7 sóng cao 2 - 4m. Vùng biển bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) sóng cao 2,5 - 4,5m, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng sóng cao 2 - 3m.

Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đề phòng triều cường cao (vào chiều các ngày 22 - 23.7) kèm theo nước dâng và sóng lớn gây ngập tại khu vực trũng, thấp làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.

Người dân đề phòng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lượng mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn cũng gây nguy cơ cao lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, khu đô thị.

Chủ động ứng phó với cơn bão số 2, tỉnh Thái Bình đã thực hiện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 9 giờ sáng 22.7.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp, hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tại nơi neo đậu, đồng thời khẩn trương di dời số lao động nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên sông, ven biển đảm bảo an toàn. Các công việc này phải hoàn thành trước 5 giờ chiều 22.7.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong đó: Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

Phải bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Tỉnh Nam Định cũng cấm biển từ 10 giờ ngày 22.7 đến khi có tin bão cuối cùng; kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; người dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 5 giờ ngày 22.7.

Bài liên quan
Bão số 1 vừa tan, Biển Đông có thể hứng bão số 2 vào tuần tới
Sau cơn bão số 1, Biển Đông nhiều khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão số 2 vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng phó bão số 2, nhiều địa phương cấm biển từ hôm nay