Hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp nhưng lại đưa vào Luật Doanh nghiệp vì luật này không làm cản trở và khó khăn việc chuyển sang doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Đưa vào luật để khẳng định địa vị pháp lý, bảo hộ và bảo vệ đối tượng này kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực đầu tư”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Ủy ban Kinh tế: Nên có nghị định riêng, tiến tới luật riêng về hộ kinh doanh

17/11/2019, 14:11

Hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp nhưng lại đưa vào Luật Doanh nghiệp vì luật này không làm cản trở và khó khăn việc chuyển sang doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Đưa vào luật để khẳng định địa vị pháp lý, bảo hộ và bảo vệ đối tượng này kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực đầu tư”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Nên có luật riêng về hộ kinh doanh - Ảnh minh họa

Trình bày tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này cũng tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh).

Theo đó, ủy ban đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh nhằm bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm việc đưa loại hình "hộ kinh doanh" vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động.

"Nếu chúng ta đưa đối tượng này vào luật thì hoạt động của các hộ này sẽ được thực hiện thông qua các hình thức đăng ký, từ đó có sự kiểm soát và kinh tế hộ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Cường nêu ý kiến.

Còn theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tên gọi Luật Doanh nghiệp có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Đại biểu Bình tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.

Đại biểu Bình lý giải thêm, ở các nước, kinh tế hộ gia đình được quản lý bằng thuế khóa, chứng từ, doanh thu, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ quản lý được bằng hình thức thuế, không có hóa đơn chứng từ, doanh thu. Thậm chí, có những hộ gia đình kinh doanh quy mô lớn hơn doanh nghiệp nhưng vẫn không quản lý được.

Đại biểu Bình cho rằng cần thực hiện quản lý các hộ gia đình bằng chính sách thuế, các nghị định, thông tư theo đúng pháp luật.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng hộ kinh doanh là thành phần kinh tế quan trọng với 5 triệu hộ nhưng chỉ có 1,4 triệu hộ nộp thuế, còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch, thậm chí hộ kinh doanh phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà nhà nước vẫn không thu được.

“Hơn nữa, các hộ kinh doanh phải chi phí không chính thức nhiều nhưng địa vị pháp lý lại không cao, nên quan điểm của tôi là có luật riêng về hộ kinh doanh. Vì vậy, cần ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh, xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, thuận lợi”, ông Sinh nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện hộ kinh doanh đã được quy định trong Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về quy định doanh nghiệp nhưng các nhà đầu tư không yên tâm về sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật với loại hình kinh doanh này. Mặc dù không phải là loại hình doanh nghiệp nhưng đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ.

Theo Bộ trưởng Dũng, hộ kinh doanh đang có đặc điểm là bị hạn chế nhiều, tức chỉ được kinh doanh tại một địa điểm mà không được mở chi nhánh và văn phòng nơi khác, chỉ được sử dụng lao động dưới 10 người, đã làm hạn chế nguồn lực.

Trong khi đó có hộ kinh doanh sử dụng hàng trăm lao động và doanh thu hàng trăm tỉ đồng mà không được bảo vệ, không được quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Do đó, muốn trao thêm quyền phải dựa vào quy định luật, chứ không phải bằng nghị định.

“Hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp nhưng lại đưa vào Luật Doanh nghiệp vì luật này không làm cản trở và khó khăn việc chuyển sang doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, nhưng được khẳng định địa vị pháp lý, bảo hộ và bảo vệ đối tượng này để kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực đầu tư”, ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng việc thiếu quy định pháp lý như vậy nên cần phải luật hóa.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Kinh tế: Nên có nghị định riêng, tiến tới luật riêng về hộ kinh doanh