Trong cuộc chạy đua vắc xin COVID-19, các nước giàu có sẽ quyền phân phối hoặc giữ phần trước cho công dân của mình. Vậy các nước nghèo sẽ đứng ở đâu trong khi COVID-19 là dịch bệnh toàn cầu?
Ngày 11.8, Nga phê duyệt vắc xin đầu tiên ngừa COVID-19 mang tên Sputnik V. Năm ngày sau, Trung Quốc cấp phép bản quyền cho vắc xin COVID-19 đầu tiên ở nước này. Những nước giàu nhanh chóng chi hàng tỉ USD để đặt hang trước.
Vắc xin COVID-19 không chỉ là một món hàng sinh lời đem lại hàng tỉ USD lợi nhuận mà còn là yếu tố chủ chốt trong chính sách không ít nước sẽ áp dụng. Đó là ngoại giao vắc xin.
Ưu tiên vắc xin cho người dân trong nước là mục tiêu hàng đầu. Trung Quốc đã có bước đi được cho là ngoại giao vắc xin qua tuyên bố: Một khi nước này có vắc xin thì đó là sản phẩm chung cho toàn thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ cho vay tiền để mua chứ không cho không vắc xin. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cam kết cung cấp khoản vay 1 tỉ USD cho các nước Mỹ Latinh và Caribê để mua vắc xin của nước này, còn việc trả nợ được không thì tính sau.
Với các nước thân thiết và có tiềm lực tài chính, Trung Quốc cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vắc xin trước các nước khác.
Trong khi Nga công bố giá vắc xin chỉ 10 USD cho hai liều, giá vắc xin của tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) là khoảng 150 USD/2 liều, tức cao gấp 15 lần mức giá Nga đề xuất.
Ông Kirill Dmitriyev, lãnh đạo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cho biết dự án vắc xin COVID-19 nước này sẽ bước vào giai đoạn 3 từ ngày 12.8 và quá trình sản xuất công nghiệp dự kiến khởi động từ tháng 9.2020.
Liu Jingzhen, Chủ tịch tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), nói 2 liều vắc xin COVID-19 của hãng này khoảng 1.000 nhân dân tệ (150 USD) và sẽ bắt đầu được bán từ tháng 12. Không rõ Liu Jingzhen nói về giá bán buôn hay bán lẻ, nhưng cho đến nay cao nhất trong số các mức giá được công bố.
Đến nay vắc xin COVID-19 rẻ nhất là sản phẩm của Đại học Oxford (Anh) hợp tác với hãng AstraZeneca với mức 4 USD/liều khi bán cho chính phủ. Vắc xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nhưng nhà sản xuất đã ký hợp đồng cung cấp cho chính phủ Anh và Ấn Độ.
Adar Poonawalla, CEO của Viện Serum Ấn Độ, cho biết giá vắc xin mà họ sản xuất cho Đại học Oxford sẽ dưới 1.000 rupee (khoảng 300.000 đồng) nếu được bán ở Ấn Độ.
Truyền thông Mỹ bình luận nước nào nghiên cứu và phát triển ra vắc xin COVID-19 trước không chỉ có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế và việc làm mà còn mang lại lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ USD.
Mỗi quốc gia đều tự đặt ra tiêu chuẩn và công bố một loại vắc xin riêng chứ không công nhận nhau, không hợp tác và không chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu, phát triển vắc xin với nhau. Điều này không chỉ gây bất lợi cho quá trình nghiên cứu và phát triển vắc xin trên toàn cầu mà còn gây nên một loạt trở ngại nghiêm trọng cho việc tiêm chủng, đánh giá hiệu quả của vắc xin.
Theo dự thảo của Trung tâm Đánh giá dược phẩm Trung Quốc (CCDE), vắc xin ngừa COVID-19 phải có tỷ lệ hiệu quả từ 50% trở lên và tạo ra miễn dịch tồn tại ít nhất 6 tháng thì mới được cấp phép tại nước này.
Dù đặt mức 50% là tỷ lệ tối thiểu nhưng CCDE khuyến nghị các nhà sản xuất nên cố gắng đạt 70%. Trung tâm cũng sẵn sàng cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trường hợp vắc xin chứng minh được hiệu quả ở mức tiêu chuẩn dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
CCDE nhấn mạnh vắc xin phải hoàn toàn không có nguy cơ gây tình trạng tăng phụ thuộc kháng thể (ADE) - kháng thể tạo ra bởi vắc xin thay vì vô hiệu hóa vi rút thì lại gắn kết và giúp chúng dễ dàng xâm nhập tế bào hơn, khiến bệnh nặng thêm. Nhà miễn dịch học Vương Hoa Khánh thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) cho biết những rủi ro như tình trạng ADE có thể được phát hiện trong quá trình thử nghiệm lâm sàng thứ ba.
Tỷ lệ 50% có nghĩa vắc xin đủ sức bảo vệ một nửa số người tiêm chủng - phù hợp với chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đặt ra.
Không như CCDE, FDA không đặt yêu cầu về thời gian miễn dịch tối thiểu. WHO trong một tài liệu công bố tháng 4 bày tỏ hy vọng vắc xin COVID-19 sẽ bảo vệ người tiêm trong 1 năm - điều mà giới khoa học đánh giá khó lòng đạt được.
Trong khi đó, Tổng thống Putin tuyên bố vắc xin của Nga có thể bảo vệ con người khỏi COVID-19 trong vòng 2 năm nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng khoa học nào. Trong thực tế, không nhà khoa học nào ước tính được về thời gian miễn dịch COVID-19 mà một loại vắc xin có thể mang lại. Lý do vì loại virus này còn quá mới nên không ai có thể tìm ra câu trả lời.
Thư ký báo chí Nhà Trắng – bà Kayleigh McEnany cho hay Tổng thống Trump đã được thông báo về vắc xin COVID-19 của Nga hôm 13.8.
Bà Kayleigh McEnany nói thêm rằng vắc xin COVID-19 của Mỹ trải qua quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 nghiêm ngặt và được tuân theo các tiêu chuẩn cao hơn nhiều. Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng vắc xin của Nga được coi là “nửa vời” nên Mỹ không bao giờ quan tâm. Một người thậm chí tuyên bố: “Không có chuyện Mỹ thử cái này (vắc xin của Nga - PV) trên khỉ chứ đừng nói đến con người”.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ và là cố vấn y tế Nhà Trắng, bình luận về vắc xin COVID-19 của Nga: “Tôi hy vọng nhưng tôi chưa thấy có bằng chứng họ đã chứng minh vắc xin an toàn và hiệu quả”.
Trong một buổi hỏi đáp hôm 8.8 tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown (Mỹ), tiến sĩ Anthony Fauci nói rõ rằng vắc xin COVID-19 đầu tiên của Mỹ có thể chỉ có hiệu quả 60%, nếu không muốn nói là thấp hơn. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ nói rằng xác suất vắc xin COVID-19 có hiệu quả 98% là không lớn.
“Bạn phải nghĩ vắc xin như một công cụ có thể làm cho COVID-19 không còn là đại dịch nữa và mọi được kiểm soát tốt”, tiến sĩ Anthony Fauci giải thích.
Cố vấn y tế Nhà Trắng cho biết một loại vắc xin COVID-19 chỉ có hiệu quả 50% sẽ vẫn được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp nhận và thông qua để sử dụng cho người dân.
Có khả năng vắc xin COVID-19 đầu tiên thậm chí không thể giúp một người nào đó tránh bị nhiễm bệnh từ đầu. Thay vào đó, nó chỉ có thể ngăn một người gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn của COVID-19.
Đặt vấn đề hiệu quả sang một bên, ông Anthony Fauci đầu tuần trước nói rằng Mỹ trong trường hợp tốt nhất sẽ có hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng để sử dụng đầu năm 2021. Nếu điều đó thực sự diễn ra, ông dự đoán rằng cuộc sống ở Mỹ sẽ trở lại bình thường sớm nhất vào giữa năm 2021.
Do vắc xin COVID-19 nhận được sự kỳ vọng của thế giới hiện nay nên tất cả thông tin liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm này đều thu hút sự quan tâm. Tổ chức Y tế Thế giới, lãnh đạo các quốc gia đang phát triển đều đang quan ngại về cuộc cạnh tranh giành mua vắc xin của các nước giàu khiến nhiều nước nghèo bị tụt lại phía sau.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có ít nhất hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vắc xin COVID-19 với hàng chục quốc gia đang tham gia cạnh tranh, trong đó các nước lớn đang tập trung mọi nguồn lực để về đích sớm nhất có thể. Cạnh tranh là điều tốt nhưng nếu không tập trung vào việc cứu sống con người mà chỉ hướng đến tìm kiếm thị trường và lợi ích kinh tế thì nhiều nước nghèo hơn sẽ khó có được vắc xin để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch.
Các chuyên gia ước tính thế giới sẽ có 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 hiệu quả vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, nếu các quốc gia tìm cách thu mua vắc xin để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình thay vì chia sẻ cho các nước khác để ưu tiên bảo vệ người cho nguy cơ mắc bệnh cao nhất thì đại dịch có thể không được kiểm soát.
Người ta lo ngại sẽ có làn sóng các quốc gia sẽ chạy đua để mua vắc xin COVID-19 sớm nhất có thể nhằm chặn đứng dịch bệnh này. Nhiều chính trị gia các nước đang phát triển đã gửi thông điệp: Đã đến lúc thế giới cần tính đến lợi ích chung để các nước nghèo hơn cũng có cơ hội tiếp cận vắc xin bình đẳng trong cuộc chiến với COVID-19 hiện nay.
Bill Gates đoán rằng đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến các nước đang phát triển lâu hơn 1 năm so với các quốc gia giàu có. Cụ thể hơn, nhà đồng sáng lập Microsoft đoán đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc ở các quốc gia giàu vào cuối 2021 và 1 năm sau đó với các nước đang phát triển.
‘
Nhân Hoàng (video: VTV24)