Ngay khi còn là cán bộ Thành Đoàn (1974 - 1999), tôi rất ngại tiếp cận lãnh đạo. Có lẽ thấy thiên hạ giành nhau, tìm mọi cách, mà tôi thì không muốn mình giống số đông. Tôi cũng sợ, biết đâu, họ nghĩ mình đang cầu cạnh. Lâu lâu, đến thăm người thân và bạn bè, thấy mình nghèo hơn, có người hỏi “Có chuyện gì không” là tôi đoạn tuyệt. Với một số người có chút quyền hành hoặc tiền bạc, họ cứ nghĩ ai đến nhà mình cũng để nhờ cậy.
Cuối tháng 12.1985, tôi được Thành Đoàn phân công tổ chức đoàn thiếu nhi đến chúc mừng Lực lượng Vũ trang thành phố 10 năm trưởng thành. Với suy nghĩ có phần cực đoan, tôi chọn toàn các em sinh năm 1975, nghĩa là lớn lên trong chế độ mới và viết sẵn cho các em bài phát biểu tâm đắc lúc đó.
Em Vương Ngọc Hạnh, một chỉ huy Đội xuất sắc ở quận 1 thay mặt đoàn tặng hoa và đọc phát biểu chúc mừng, được nhiều đại biểu vỗ tay nồng nhiệt. Tôi cũng sướng lây. Giờ giải lao, chú Mai Chí Thọ đến trò chuyện thân mật với đoàn. Chú hỏi “Ai viết bài phát biểu cho các cháu mà hay quá!”. Ngỡ được khen, tôi trả lời ngay “Dạ, cháu viết ạ” và lỗ mũi to thêm vài phân. Ông cười sảng khoái và phúc hậu “Lần sau, mấy đứa đừng làm vậy. Tụi nó đọc chứ có hiểu gì đâu. Cứ để các cháu nghĩ sao nói vậy cho thật”.
Tôi tiu nghỉu nhưng ngẫm lại, thấy quá đúng. Ông góp ý cho tôi nhẹ nhàng, chứ không trách cứ và tôi thay đổi từ đó. Cùng với làn gió đổi mới mà ông là một trong những người tích cực khởi xướng ở thành phố, tôi thay đổi suy nghĩ, quyết liệt chống lại thói cực đoan và ấu trĩ đương thời. Tôi viết một loạt bài tâm huyết như “Công tác thi đua, động lực làm cho Đoàn Đội ngày càng sa sút” (báo Sài Gòn Giải Phóng 6.1986), “Rất may, trẻ em không thích vào Đội” (tạp chí Phụ trách Đội thành phố, tháng 5.1986)… cùng nhiều điều phi lý trong các nội dung giáo dục. Mang những suy nghĩ mới, tôi được Thành Đoàn cử đi tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức cuối năm 1987 và phát hiện ra những lỗ hổng chết người của Đông Đức. Đó là phủ nhận lịch sử của cha ông, xem thường văn hóa dân tộc, chỉ coi trọng lịch sử cách mạng hiện đại…
Trở về nước, tôi hăm hở cùng đồng nghiệp khởi xướng các phong trào “Về với cội nguồn dân tộc”, “Vượt khó”, “Giúp bạn vượt khó”… Đặc biệt là tìm cách đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu về lịch sử cha ông mà đỉnh cao là đêm tái hiện “Lịch sử Việt Nam” của các trường phổ thông, mỗi trường một hoạt cảnh. Mở đầu, trường Hồng Bàng (quận 5), đơn vị đăng cai là hoạt cảnh “Hùng Vương dựng nước” với hơn 400 thầy trò. Nhiều phong trào hoạt động rất sôi nổi. Do mời lãnh đạo đương chức rất khó nên tôi nhớ đến chú, vừa nghỉ hưu. Tôi mon men đến nhà chú. Trái với những ái ngại trong suy nghĩ của tôi, chú vồn vã, xem tôi như người bạn trẻ. Tôi xưng hô chú - cháu, còn chú, cứ mày - tao thân mật và luôn nhận lời giúp tôi, đến dự các hoạt động của thiếu nhi thành phố.
Nhớ lần trường Phan Tây Hồ (Gò Vấp) tổ chức hội trường, lãnh đạo thành phố không ai dự được. Tôi đến nhà thì chú đang nằm viện ở Thống Nhất. Tôi mang thư vào viện, chú cười bảo “Để tao xin phép bác sĩ”. Hôm sau, đang tổ chức lễ, chú thình lình xuất hiện, tham dự và phát biểu, xong lại vào viện. Thư ký của chú bảo “Ổng trốn viện đấy, vì bác sĩ không cho”.
Một lần khác, chưa biết mời ai dự lễ phát động phong trào “Giúp bạn vướt khó” của thành phố tại quận 8, tôi lại đến nhà chú. Biết lịch chú, sáng sớm mai phải đi xe ra các tỉnh miền Trung làm việc nên không dám mời. Sáng hôm sau, chú cũng thình lình xuất hiện, tham dự, phát biểu và xung phong góp tiền vào quỹ “Giúp bạn vượt khó”. Hỏi chuyện mới hay, các cháu thiếu nhi rất cần lãnh đạo đến động viên, ủng hộ nên chú yêu cầu cả đoàn đi, dời lịch từ 6g lên 9g mới khởi hành.
Gần như, tháng nào, tôi cũng đến nhà thăm chú một vài lần. Nghe tôi kể chuyện làm trại hè Thanh Đa (từ 1988, tôi là Trưởng ban quản trại), chú gợi ý nên tiết kiệm chi phí, tổ chức thêm trại hè cho thiếu nhi đường phố. Ý tưởng đã đã thực hiện. Tôi ra khỏi biên chế, thành lập công ty Lửa Việt vì Bí thư Thành Đoàn lúc đó phán “Trong Thành Đoàn không thể có 2 công ty du lịch” và hăm hở với nhiều hoạt động xã hội.
Biết có người nghi ngờ động cơ làm từ thiện của Lửa Việt, thắc mắc đủ thứ, tôi lại đến nhà mời chú làm cố vấn cho các chương trình. “Tao làm được gì mậy?”. “Tụi con nhờ chú góp ý và giám sát, thấy cái gì chưa đúng thì chỉnh giùm”. Chú cười đồng ý. Tôi mời thêm dì Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng làm cố vấn với chú. Có ai thắc mắc gì, tôi bảo cứ gặp Ban cố vấn mà hỏi. Thế là yên chuyện.
Nhiều chương trình được chú hiến kế thiết thực. Dự định tổ chức Cây Mùa Xuân ở trại giam Xuyên Mộc, quà chung đã có, còn quà riêng từng người chưa biết tính sao, vì trên ngàn học viên. Nhờ chú gợi ý, đoàn đặt là 1.200 bánh chưng nhỏ, tặng mỗi người một cái vui Xuân. Tôi thường ghé thăm chú trước giờ đi làm, chú vừa ăn sáng vừa trò chuyện. Món gì chú cũng ăn sạch cả nước lẫn cái, ăn tiệm cũng vây. Chú dặn “Đừng lãng phí, nhiều người không có mà ăn”.
Nhiều cán bộ đến nhà, thấy chú thân mật, chắc tưởng tôi cũng cỡ bự, nên được hóng chuyện, biết thêm đủ thứ, từ chuyện thế sự đến việc triều đình. Nhiều người dân bị oan đến nhờ giúp mà không gỡ được, chú cũng ấm ức lắm. Chú bộc bạch “Khi đương chức, không có thời gian suy nghĩ thấu đáo, có việc giải quyết thiếu tình, có việc chưa đúng. Bây giờ nghĩ lại, cứ ước gì…”.
Chú kể chuyện cùng bác sĩ riêng về Long An, đến khu vườn chữa bệnh, tìm hiểu cặn kẽ. Chú bảo “Làm gì có tác dụng chữa bệnh. Chỉ là nhiều người bệnh, chữa đủ thầy, đủ thuốc; vái lạy tứ phương, vài trường hợp tin quá bớt bệnh nên đồn thổi lên”. Chính quyền địa phương, thay vì kiên trì giải thích vận động cho dân hiểu, lại cửa quyền cấm đoán, xúc phạm người dân, khiến họ càng bức xúc và tin người khác.
Biết Lửa Việt chuyên tổ chức tour du lịch Campuchia, chú dặn tôi “Mày phải nhớ, nếu không nhờ Sihanouk hỗ trợ, cho sử dụng lãnh thổ Campuchia làm bàn đạp thì cách mạng Việt Nam chưa thể có ngày 30.4 vào năm 1975”. Chú cũng chia sẻ nhiều chuyện thời sự, trăn trở với bao hiện tượng tiêu cực của xã hội. Chú chỉ cho tôi cách rèn luyện sức khỏe, từ những động tác giản đơn và phương pháp “tuyệt ẩm” để xả hết chất thải, súc ruột cho đến tài liệu “Bí quyết sống khỏe và chết già” (chứ không phải chết bệnh) của giáo sư Tề Quốc Lực…
Tôi học được ở chú nhiều điều. Nhờ chú, tôi nhìn lại mình, thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh hành xử và kịp sửa sai nhiều thứ, lâu nay cứ máy móc giáo điều. Nhân dịp giỗ thứ 11 ngày chú mất, tôi viết bộc bạch vài điều, thay cho nén nhang gởi đến vong linh chú, một lãnh đạo mà tôi rất quý mến và kính trọng.
Nguyễn Văn Mỹ