Xã hội sẽ ra sao khi người ta thờ ơ với cái xấu để lo mỗi thân mình, nhưng xã hội sẽ đi về đâu nếu ai cũng đòi tự mình thực thi công lý.

Giới hạn của “hiệp sĩ”

23/05/2018, 12:46

Xã hội sẽ ra sao khi người ta thờ ơ với cái xấu để lo mỗi thân mình, nhưng xã hội sẽ đi về đâu nếu ai cũng đòi tự mình thực thi công lý.

Đội hiệp sĩ phường Phú Hòa bắt giữ 2 nghi can mượn xe rồi đòi tiền chuộc. Ảnh Vietnamnet

Vẫn có một giới hạn mong manh giữa những biểu hiện của lòng hiệp nghĩa và hành động vi phạm pháp luật. Xã hội sẽ ra sao khi người ta thờ ơ với cái xấu để lo mỗi thân mình, nhưng xã hội sẽ đi về đâu nếu ai cũng đòi tự mình thực thi công lý. Pháp luật là một thứ khế ước được toàn xã hội chấp nhận mà không ai có quyền đứng trên dù nhân danh việc nghĩa.

Đó chính là giới hạn hành vi của các “hiệp sĩ” cho dù được thôi thúc bởi lòng hiệp nghĩa, nó không chỉ bảo vệ trật tự xã hội mà còn bảo vệ chính những người mang lòng nghĩa hiệp. Hai mạng người đã mất vì vượt qua giới hạn ấy. Xã hội lại xuất hiện những tranh cãi về có nên hay không để tồn tại những lực lượng tự phát, mà hiện đang hoạt động không có định chế nào. Dù ai là “hiệp sĩ” thì cũng chỉ là người dân thường. Không ai trong số họ có khả năng hay có quyền tổ chức thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp. Việc làm của họ đầy tinh thần hiệp nghĩa, nhưng đó lại là một việc làm sai luật và đẩy chính bản thân mình lẫn người quanh họ vào vòng nguy hiểm.

Lực lượng công an có thể khen ngợi việc tham gia bắt cướp của người dân nhưng bắt cướp vẫn là việc của công an. Không thể khuyến khích người dân lao ra đường đi tuần tra bắt cướp. Công an phải có những khuyến nghị người dân không được phép tổ chức thành những lực lượng tự phát, với các rủi ro như vậy. Trên mạng xuất hiện rất nhiều clip quay lại cảnh bắt trộm - cướp của các “hiệp sĩ”. Nổi bật trong đó là clip của một “hiệp sĩ” tên Nguyễn Việt Sin. Trong những clip được nhiều người chia sẻ, anh này đã ra tay rất dứt khoát nếu không muốn gọi là tàn bạo với những nghi phạm. Trong đó, có cả clip anh ta đánh đập tra khảo một người bị cho là đã trộm điện thoại ngay trên đường phố. Không một xã hội có pháp luật nào cho phép điều này xảy ra. Kể cả lực lượng thực thi pháp luật cũng vi phạm pháp luật nếu làm điều đó.

Khoản 1 điều 20 Hiến Pháp đã quy định rất rõ ràng: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Vẫn có những lý lẽ cho rằng cần phải “mạnh tay” để khống chế kẻ xấu. Lý lẽ này không thể đứng vững được trước pháp luật hiện hành bởi một công dân không có quyền đánh đập một công dân khác chỉ vì nghi ngờ họ phạm pháp. Lý lẽ này lại càng đẩy người ta rơi vào vòng nguy hiểm khi thực tế đã có 2 mạng người mất đi vì muốn khống chế kẻ trộm xe. Ví dụ về người tên Nguyễn Việt Sin chỉ là một đơn cử cho trường hợp khi người ta muốn hành hiệp trượng nghĩa mà thiếu đi hiểu biết pháp luật lẫn nhận được sự dung dưỡng của những người có trách nhiệm, lại ngập chìm trong sự tung hô của đám đông, sẽ khiến những ai mang lòng nghĩa hiệp tự mình vi phạm pháp luật. Một xã hội không thể tồn tại công lý do chính từng thành viên thực thi bằng bạo lực. Bởi bất kỳ ai, kể cả người ủng hộ điều đó, đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực.

Nhưng, làm thế nào để duy trì sự hào hiệp mà không vi phạm pháp luật. Một ví dụ khác có câu trả lời cho chúng ta. Theo báo Thanh Niên, cơ quan công an P.19, Q. Bình Thạnh (Tp.HCM) đã thành lập những nhóm “hiệp sĩ” trên mạng xã hội. Thông qua đó người dân có thể giám sát và thông báo các hành vi đáng nghi cho lực lượng thực thi pháp luật để ngăn chặn. Bằng cách này, cơ quan công an địa phương đã bắt được 8 vụ trộm cướp tài sản. Không ai vi phạm pháp luật khi làm việc có ích cho cộng đồng, cũng không ai bị mất mạng, không có cha già mất con hay con trẻ mất cha. Lòng nghĩa hiệp là thứ phải được tôn vinh và luật pháp là thứ buộc phải tôn trọng.

Không ai được nhân danh sự nghĩa hiệp để phá vỡ những khế ước xã hội. Cái thời kỳ nhân danh việc tốt để chấp nhận các hành động vô pháp đã đi qua và hậu quả của việc ấy cho đến giờ vẫn còn dai dẳng mà ai cũng thấy. Trả lời cho thắc mắc giới hạn nào của tinh thần nghĩa hiệp? Đó chính là tinh thần pháp quyền, không phải chỉ cho người dân mà cho chính các lực lượng đang điều hành xã hội.

Trung Bảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới hạn của “hiệp sĩ”