Trên đời, nếu chưa được nghe Nguyễn Duy nói chuyện thì quả là thiệt thòi. Nhưng sẽ thiệt hơn nếu không được nghe Nguyễn Duy đọc thơ, của chính ông.

Vài lần gặp bác Nguyễn Duy thi sĩ xứ Thanh

03/06/2017, 10:56

Trên đời, nếu chưa được nghe Nguyễn Duy nói chuyện thì quả là thiệt thòi. Nhưng sẽ thiệt hơn nếu không được nghe Nguyễn Duy đọc thơ, của chính ông.

Nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: N.T

Trong số những bậc đàn anh, tôi quý và kính nể nhất bác Nguyễn Duy.

Bác Duy sinh năm 1948, kém chị cả tôi 1 tuổi, nhưng nhiều khi đám đàn em là chúng tôi cứ suồng sã với bác ấy chả khác gì bằng vai phải lứa. Cũng có lý do, một phần vì bác Duy rất hiền hậu, nho nhã, mắt dường như lúc nào cũng nheo nheo cười với mọi người, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn; phần nữa vì bác là đồng môn. Năm 1966 từ sân Trường đại học Tổng hợp Hà Nội ở Thượng Đình bác lên đường vào bộ đội, lính thông tin lăn lộn trên khắp chiến trường, năm 1971 bác về lại vào học khoa Văn, cơ sở Mễ Trì, khóa 16. Năm 1972, lứa chúng tôi vào nhập học khóa 17 thì danh tiếng bác Duy đã nổi như cồn. Các thầy cô và nhiều anh chị sinh viên lớp trên luôn trang trọng nhắc đến Nguyễn Duy, người đã làm rạng danh cho Khoa Văn suốt bao nhiêu năm liền.

Có lẽ khó quên, năm 1973, bác Duy (lúc ấy là nhà thơ sinh viên, cựu binh Nguyễn Duy Nhuệ, tên thật của bác) nổ quả bom trong đời sống văn nghệ miền Bắc: đoạt giải nhất thơ cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ với chùm bài Tre Việt Nam (dân yêu thơ quen gọi là Tre xanh), Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông… Đi đâu cũng nghe thấy người ta xì xào bàn tán, lắc đầu lè lưỡi khâm phục. Có nhẽ chỉ sau Phạm Tiến Duật giải nhất cuộc thi thơ năm 1970. Cùng lớp khóa 17 với tôi có mấy tay bợm văn chương, cũng thuộc dạng thần đồng, làm thơ từ nhỏ, như Trần Ngọc Vương, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Sĩ Đại, Đỗ Xuân Thanh... nhưng so với đại ca Nguyễn Duy khóa 16 thì chưa là cái đinh gì. May ra có ông anh Bùi Trọng Cường cũng dân lính phòng không về, năm 1966 học khoa Lý rồi đăng lính, 1972 buông súng về khoa Văn, lâu lâu có thơ đăng trên các báo Văn Nghệ, Nhân Dân, Tổ Quốc, Hà Nội Mới... còn có thể tập tễnh ngồi vào chiếu văn chung với bác Duy. Anh Cường hay sang chơi với đám Trần Hòa Bình, Bùi Quang Thanh bên trường sư phạm Cầu Giấy. Mấy ông nhà thơ mà gặp nhau ngâm ngợi thi phú thì trời tối lúc nào họ cũng chả biết. Tôi đã mấy lần chứng kiến, kính nể khiếp luôn.

Đời sống văn nghệ những năm ấy, nhất là khoa Văn, sung lắm. Nhà thơ được giải, mà lại khôi nguyên, thì đương nhiên thành thần tượng của bọn trẻ đang tập tọng nghề chữ nghĩa. Nắn nót được câu thơ hay đâu phải chuyện đùa. Vậy mà bác Nguyễn Duy cứ tung ra bài nào là người ta xô vào đọc. Báo Văn Nghệ mỗi kỳ có thơ Nguyễn Duy bán chạy như tôm tươi. Khoa Văn tổ chức hẳn những đêm thơ giới thiệu các nhà thơ trẻ Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận, Vũ Đình Văn. Trong những giờ giảng chuyên đề “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại”, thầy Hà Minh Đức (sau là chủ nhiệm lớp tôi) cứ mỗi lần lấy ví dụ thế nào cũng trích dẫn thơ bác Duy, khen nức nở, rằng Nguyễn Duy hay như thế này, Nguyễn Duy độc đáo thế nọ. Cô Đinh Lê Thư mới ra trường được giữ lại làm cán bộ giảng dạy (hồi đó gọi giáo viên đại học như vậy), dạy ngôn ngữ về âm tiết, âm vị mà cũng tinh lấy thơ Nguyễn Duy làm ví dụ. Làm sinh viên như bác Duy, kể cũng sướng.

Hồi giữa tháng 3.2015, ông bạn đồng môn Nguyễn Huy Hoàng từ Nga về ra mắt mấy cuốn sách mới. Hoàng viết khỏe lắm, đẻ sòn sòn năm một. Y gọi cho tôi bảo đến nhà một người bạn tại quận Bình Thạnh dự cuộc gặp mini của giới văn nghệ và những chiến hữu từng học tập sinh sống ở Liên Xô. Quẩn quanh tìm gần hết nửa tiếng đồng hồ không ra địa chỉ bởi Hoàng nhắn sai đường, tôi liền gọi vào số điện thoại chủ nhà. Một giọng khàn khàn hỏi em đang ở đâu. Tôi nhận ra ngay cái giọng khàn cố hữu mình đã từng nghe suốt bao nhiêu năm cùng dạy chung trường của lão phật gia Phương Văn Dần. Nếu biết trước là đến nhà ông Dần thì mình đâu phải vất vả như thế. Tôi phát hiện ra điều này, dường như tất tật đám người Việt đầu đen từng sang Liên Xô học hành, thực tập, nghiên cứu những năm nửa cuối 70, trọn thập niên 80 rồi cả 90, ở khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào, chả ai là không qua tay ông Dần bởi ông có nhiệm vụ đưa đường chỉ lối. Giống như mấy sĩ quan quân lực hồi xưa chuyên đi giao quân cho chiến trường, tới Quảng Bình bàn giao xong lại quay về nhận lính đi tiếp. Bác Duy cũng dính ông Dần bởi bác từng đi Liên Xô. Hồi ấy có câu thành ngữ “Sướng như đi Liên Xô”. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy nay đã ra người thiên cổ, lúc còn sống cứ đùa gọi ông Dần là ông Phương Văn Giời.

Nguyễn Duy đọc thơ - Ảnh: N.T

Đến nơi thì mọi người đã đông đủ cả rồi. Người quen cũ thì có Huy Hoàng, Tôn Hiền VTV, anh Lê Văn Sơn giảng viên Trường đại học Đà Lạt, bác chủ nhà Phương Văn Giời, nhà thơ Vũ Xuân Hương từng tốt nghiệp trường viết văn Gorki, lạ thì có những nhân vật khá tiếng tăm như GS-TS Vũ Đình Huy, Viện sĩ-GS Trần Đình Lâm, cô Nghĩa nhà báo, bác sĩ Trường... Và tất cả đang quây quanh một người: bác Nguyễn Duy bình dị và oai phong. Lúc ấy, tôi có cảm giác bác Duy giống như… cụ Chủ tịch nước (hồi xưa) đang trò chuyện với giới văn nghệ, trí thức. Cứ thủ thỉ thù thì. Ai nấy chăm chú vừa ăn vừa lắng nghe, còn bác Duy vừa uống vừa nói.

Trên đời, nếu chưa được nghe Nguyễn Duy nói chuyện thì quả là thiệt thòi. Nhưng sẽ thiệt hơn nếu không được nghe Nguyễn Duy đọc thơ, của chính ông. Tôi từng được nghe nhiều người nói rất hay, thậm chí hùng biện, hoạt khẩu, trên hiểu thiên văn dưới thông địa lý, họ nói mà có cảm giác con ruồi đang bay cũng rơi bộp xuống đất bởi mải nghe ngưng đập cánh, con kiến trong lỗ cũng nhãng việc chăm sóc xây đắp tổ bò ra ngoài để coi họ nói những gì. Những vị cao xa thì tôi chưa tường chưa tận, chẳng hạn hồi những năm đầu thập niên 70 có nghe danh tiếng nổi như cồn của thầy Hoàng Thiếu Sơn bên trường sư phạm, một tay hùng biện, đi nói đi giảng ở đâu thì thiên hạ đến đông như quân Nguyên, v.v.., nhưng bản thân tôi đã từng há hốc mồm nghe Đào Lê Bình (Tổng biên tập báo An ninh thủ đô), Xuân Ba (báo Tiền Phong), Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH Tổng hợp Hà Nội), Nguyễn Quang Lập (bọ Lập)... ăn hết cả lời thiên hạ. Vậy mà các chiến tướng ấy (không kể thầy Hoàng Thiếu Sơn) so với bác Duy, thấy vẫn chưa bằng. Nguyễn Duy, với ai thì tôi không biết, chứ với tôi, cứ là số 1. Ai cãi, kệ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vài lần gặp bác Nguyễn Duy thi sĩ xứ Thanh