Ai cũng biết, đốt pháo gì cũng là đốt tiền và gây ô nhiễm. Pháo nào cũng được làm từ thuốc nổ, một trong những hóa chất rất độc hại cho con người lẫn môi trường.

Vài trăn trở từ việc cho phép đốt pháo hoa

Nguyễn Văn Mỹ | 13/12/2020, 15:10

Ai cũng biết, đốt pháo gì cũng là đốt tiền và gây ô nhiễm. Pháo nào cũng được làm từ thuốc nổ, một trong những hóa chất rất độc hại cho con người lẫn môi trường.

Chính phủ vừa ban hành nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo; có hiệu lực từ ngày 11.01.2021. Rất nhiều người đồng tình. Có người mừng như trúng số nhưng không ít người băn khoăn. Ai cũng có lý do hợp lý riêng cho sự lựa chọn của mình. Thực tế, không phải lúc nào số đông hơn cũng đúng hơn.

Tôi là cựu chiến binh chiến trường K, chuyển ngành từ 1983. Về lại thành phố, cứ nghe pháo nổ, nhất là pháo đại, là giật mình và phản xạ như bị tập kích. Mỗi lần giao thừa, nhà cửa đầy bụi, dù hồi chiều vừa quét dọn tinh tươm. Tiếng nổ còn làm đổ vật dụng. Tội nhất là các cháu bé. Phải ôm chặt, lấy đồ bịt kín tai mà các cháu vẫn khóc thét vì sợ.

Khi chỉ thị 406/ TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây cấm đốt pháo, có hiệu lực từ ngày 01.01.1995, cả nhà tôi mổ gà ăn mừng. 25 năm yên ổn, nay lại băn khoăn vì việc đốt pháo được cho phép trở lại, dù chỉ là pháo hoa. Trước đây, dù rất hạn chế, nhiều nơi vẫn cố thi nhau bắn pháo hoa, địa phương mình phải hơn đơn vị bạn.

Ai cũng biết, đốt pháo gì cũng là đốt tiền và gây ô nhiễm. Pháo nào cũng được làm từ thuốc nổ, một trong những hóa chất rất độc hại cho con người lẫn môi trường. Trong chừng mực nào đó, nhu cầu thưởng ngoạn pháo hoa là cần thiết, nhưng nhiều người lo xa rằng việc cho phép bắn pháo hoa đang dọn đường cho sự trở lại của pháo nổ.

25 năm qua (1995 – 2020), ngay cả những người ghiền tiếng nổ, thích mùi và khói bụi pháo vẫn phải thừa nhận không có pháo cũng chẳng sao. Không thể vì nhu cầu, sở thích của nhóm người này, gây ảnh hưởng và tác hại đến nhóm người khác. Chưa nghe ai nói việc cấm đốt pháo gây tác hại tâm lý, ảnh hưởng tinh thần đến người khác. Chỉ thấy nhãn tiền việc tiết kiệm tiền đốt pháo, không phải giải quyết các tai nạn về pháo và bớt ô nhiễm.

Những chủ trương thế này đáng lẽ phải được thăm dò, lấy ý kiến dư luận. Rất nhiều băn khoăn về nghị định 137 của chính phủ. Việc độc quyền sản xuất sẽ dẫn tới chuyện lobby mua bán, xin - cho làm đại lý, xin - cho đốt pháo. Pháo hoa không gây tiếng nổ nhưng rất dễ gây cháy và tai nạn nếu sử dụng đại trà và không đúng cách.

Thành phố ô nhiễm lắm rồi, khói bụi nhiều lúc như sương mù, chưa có cách gì giảm bớt. Giờ thêm phần khói bụi từ pháo hoa được đốt thường xuyên. Nghĩ mà thương cho cả người dân lẫn môi trường thành phố. Niềm vui đốt pháo hoa, chỉ những người có điều kiện thụ hưởng; còn khói bụi và ô nhiễm, dân nghèo lãnh đủ.

Trên thế giới, chỉ Trung Quốc làm ngơ cho người dân ngoại thành đốt pháo thả giàn. Các đô thị vẫn cấm triệt để. Khi người dân chưa có ý thức và quản lý lỏng lẻo như hiện nay, việc thực thi nghị định 137 dấy lên nhiều lo ngại. Bao nhiêu việc cần làm và cần có nghị định hơn chuyện pháo.

Nếu không thể thu hồi thì cần thêm nhiều qui định cụ thể và chặt chẽ khác, bằng không, lợi bất cập hại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vài trăn trở từ việc cho phép đốt pháo hoa