Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ hướng đến nhu cầu hội nhập ngắn hạn, mà còn là đặt nền tảng về dài hạn cho một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển.

Vẫn là lạc hậu nếu để tình trạng 'cả làng xuống ruộng'

Một Thế Giới | 09/01/2016, 09:59

Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ hướng đến nhu cầu hội nhập ngắn hạn, mà còn là đặt nền tảng về dài hạn cho một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển.

Kỳ 1: Hội nhập kinh tế: Nền nông nghiệp “chân dép lốp lên tàu vũ trụ”
Kỳ 2: Nông nghiệp Việt Nam hội nhập: Cần làm gì để học Nhật và Đức?
Kỳ 3: Đâu là chìa khóa để người nông dân tìm con đường sáng?
Nhu cầu hội nhập mạnh mẽ kể từ năm 2016 đang đem lại cho Việt Nam cơ hội để tái cơ cấu lại nền nông nghiệp vốn đã quá xơ cứng do áp dụng một mô hình phát triển không phù hợp trong suốt nhiều năm. Sự gấp rút về mặt thời gian buộc Việt Nam phải hướng đến những giải pháp phù hợp nhất với điều kiện hiện tại, trong đó mô hình hợp tác xã (HTX) mới được xem là sẽ mang lại sức bật lớn nhất cho nền nông nghiệp trong một thời gian ngắn.
Nhưng đó vẫn chỉ là một giải pháp mang tính ngắn hạn, về dài hạn cần phải có những giải pháp cốt lõi hơn. Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ hướng đến nhu cầu hội nhập ngắn hạn, mà còn là đặt nền tảng về dài hạn cho một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển.
Thế nào là một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển?
Có nhiều đặc điểm để xác định xem đâu là một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển, như mức độ cơ giới hóa và mức độ công nghệ cao được áp dụng. Nhưng một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xác định một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển là mức sử dụng nhân lực lao động, vì nó cũng đồng thời nói lên mức độ cơ giới và công nghệ được áp dụng tại các nền nông nghiệp này.
Tại những nền nông nghiệp phát triển, mức sử dụng lao động tương đối thấp, thông thường chỉ chiếm khoảng 5 – 10% lao động của nền kinh tế. Nền nông nghiệp càng hiệu quả và phát triển khi mức sử dụng lao động càng thấp, chẳng hạn như ở Mỹ, số lao động làm việc trong nền nông nghiệp chỉ chiếm khoảng trên 1% lao động của cả nước, hay ở Đức số lao động hoạt động trong nông nghiệp chỉ chiếm khoảng gần 5% lao động cả nước.
Đặc điểm sử dụng ít nhân lực này còn có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế. Số lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp càng ít, thì số lao động phục vụ trong các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ sẽ tăng lên đáng kể, đem lại sức bật cho nền kinh tế. Phân bố và sử dụng tối ưu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực là nền tảng cho một nền kinh tế phát triển, trong đó tối ưu nhất là tiệm cận mức toàn dụng lao động, tỉ lệ thất nghiệp xuống dưới 1%. 
Ở Việt Nam, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang lên tới 47% tổng số lao động toàn quốc, đây rõ ràng là một sự lãng phí tiềm năng quá lớn. Nếu có thể hiện đại hóa nền nông nghiệp, Việt Nam sẽ có ít nhất là khoảng 30% số lao động sẽ được tăng cường sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ là một đòn bẩy khổng lồ cho tăng trưởng kinh tế.
Yếu tố thứ hai để xác định một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển là mô hình sản xuất chủ đạo, cùng với đó là sự đa dạng hóa các mô hình sản xuất. Mỗi một quốc gia có những đặc điểm nông nghiệp riêng, do đó sự lựa chọn mô hình sản xuất chủ đạo cũng khác nhau. Nếu như ở Mỹ mô hình được ưa chuộng nhất là các trang trại lớn và trang trại gia đình, thì ở Đức mô hình HTX và các liên đoàn HTX lại được ứng dụng rộng rãi.
Chẳng hạn như ở Mỹ, trong số 2,1 triệu trang trại ở nước này thì có tới 97% là các trang trại gia đình, 3% còn lại là các trang trại quy mô rất lớn. Tuy nhiên, 3% các trang trại quy mô rất lớn đó lại có thể cung cấp tới 64% rau củ và 66% các sản phẩm bơ sữa cho nhu cầu thị trường, phần còn lại là do các nông trại gia đình đảm nhiệm. Còn ở Đức, mô hình HTX được ưa chuộng trong đó sự liên kết giữa các hộ gia đình được đề cao, số HTX nông nghiệp ở Đức đang vào khoảng hơn 3.000, chịu trách nhiệm cung cấp nông sản cho thị trường cả nước.
Điểm chung giữa hai mô hình nông nghiệp chủ đạo này là sự cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao, cộng với diện tích canh tác lớn đủ để ứng dụng máy móc công nghiệp. Trung bình, mỗi nông trại ở Mỹ có diện tích khoảng 200 ha, trong khi đó diện tích trung bình mỗi HTX ở Đức là khoảng gần 2.000 ha. Tùy theo đặc điểm riêng ở mỗi khu vực như thổ nhưỡng hay khí hậu mà các trang trại hay các HTX sẽ tự động điều chỉnh diện tích canh tác và công nghệ sản xuất. Mức độ sử dụng diện tích để canh tác nông nghiệp thậm chí càng lúc càng có xu hướng gia tăng, chẳng hạn như ở Đức, diện tích được dành cho nông nghiệp lên tới gần 18 triệu ha, tương đương với 50% diện tích lãnh thổ Đức.
Giải pháp để xây dựng nền tảng lâu dài cho nông nghiệp Việt Nam
Dễ dàng nhận ra, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay chưa xác định được mô hình sản xuất nông nghiệp chủ đạo cho mình. Việc áp dụng phương pháp chuyển đổi mô hình HTX mới hiện nay chỉ là giải pháp ngắn hạn mang tính tình thế, chứ chưa phải là sự lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp chủ đạo cho tương lai. Kể cả khi Việt Nam có chọn mô hình HTX làm chủ đạo giống như Đức, thì rõ ràng các HTX hiện nay của Việt Nam khác xa các HTX Đức về bản chất mô hình. Mỗi HTX ở Đức có diện tích trung bình gần 2.000 ha, trong khi mỗi HTX ở Việt Nam chỉ có hơn 100 ha, có nơi chỉ có vài chục. Cùng với đó, các HTX ở Đức về cơ bản là những tổ chức nông nghiệp, còn tại Việt Nam các HTX vẫn thiên về tổ chức xã hội dựa trên phân bố làng xóm.
Ở thời điểm hiện tại, dù có chọn mô hình sản xuất nông nghiệp chủ đạo nào đi nữa, thì những việc Việt Nam cần làm nhất nếu như muốn có một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển, đó là cho phép tích tụ ruộng đất và quy hoạch phát triển nông nghiệp bài bản. Chắc chắn một điều rằng: nếu như không cho phép tích tụ ruộng đất quy mô lớn sẽ không có một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển, dù có chọn mô hình sản xuất nào đi nữa. Sự tích tụ ruộng đất quy mô lớn là nền tảng để áp dụng dây chuyền sản xuất công nghệ cao, cho phép tăng tối đa năng suất và đảm bảo chất lượng nông sản.
Cùng với đó là tạo những hành lang pháp lý dễ dàng cho việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp hiệu quả. Việc chuyển đổi mô hình các HTX mới theo luật HTX 2012 hiện nay có thể dẫn tới việc các HTX hình thành các công ty cổ phần, hoặc các Liên đoàn HTX để tạo thành một HTX sản xuất quy mô lớn như các HTX Đức. Điều đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước cả về pháp lý lẫn tài chính.
Một điều quan trọng không kém là một quy hoạch chính thức cho các khu vực nông nghiệp. Các khu vực có chất lượng đất canh tác tốt nhất cần được phân riêng cho các mục đích sản xuất công nghệ cao, tránh tình trạng lấy đất bừa bãi cho các dự án công nghiệp như hiện nay. Cùng với đó là các khu vực chuyên môn hóa kỹ thuật cao như Đà Lạt hay Mộc Châu, Tam Đảo, những nơi có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp để áp dụng mô hình trang trại quy mô lớn. Sở dĩ Việt Nam đang được các tập đoàn nước ngoài hướng đến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là do sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, có nhiều kiểu khí hậu khác nhau thích hợp với cây trồng cả ôn đới lẫn nhiệt đới. Do đó cần một quy hoạch bài bản để hỗ trợ phát triển các khu vực cần hỗ trợ đặc biệt đó.
Một khi có thể có một quy hoạch bài bản cùng với việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển như pháp lý hay nguồn vốn, một mô hình sản xuất chủ đạo sẽ tự xuất hiện để tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đại và công nghệ cao. Có thể dự đoán được rằng, trong tương lai nền nông nghiệp Việt Nam sẽ là sự tích hợp của 2 mô hình chủ đạo: các trang trại lớn tại các khu vực đặc biệt thuận lợi và rộng lớn như Đà Lạt, Mộc Châu, Tam Đảo, các trang trại nhỏ ở những vùng có thổ nhưỡng và khí hậu không thuận lợi, và các HTX quy mô lớn hoặc các liên đoàn HTX tại các vùng đồng bằng đông dân đến từ quá trình tích hợp các HTX nhỏ được chuyển đổi theo mô hình mới.
Nếu làm được điều này, không những nông nghiệp có thể trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, mà các lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh do nguồn nhân lực dư thừa từ nông nghiệp chuyển sang.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Vacvina, ITC, SAC)
Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn là lạc hậu nếu để tình trạng 'cả làng xuống ruộng'