Năm 2015 đã khép lại. Có vẻ cuối cùng thời kỳ suy trầm của nền kinh tế Việt Nam đã chấm dứt với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây: 6,68%.

Kinh tế Việt Nam 2016: Đừng tiếp tục lãng phí tiềm năng

Một Thế Giới | 02/01/2016, 18:29

Năm 2015 đã khép lại. Có vẻ cuối cùng thời kỳ suy trầm của nền kinh tế Việt Nam đã chấm dứt với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây: 6,68%.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định con thuyền kinh tế Việt Nam đã vượt qua quãng thời gian khó khăn và tương lai phía trước là khá tươi sáng. Mức tăng trưởng được dự đoán của Việt Nam trong năm 2016 sẽ là khoảng 6,7-6,9%, một mức tăng trưởng cao. 
Nhưng với những tiềm lực mà nền kinh tế Việt Nam đang sở hữu ở thời điểm hiện tại, con số ấy vẫn còn là quá thấp.
Có một thống kê đáng chú ý về kinh tế Việt Nam trong những ngày cuối cùng của năm 2015, đó là hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhập khẩu của các quốc gia này. Chẳng hạn, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2014 đạt 7,14 tỉ USD chiếm 1,4% trong tổng số 525 tỉ USD tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc cả năm.
Ở một thị trường khác là Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang đây trong năm 2014 đạt 27,9 tỉ USD, chỉ chiếm khoảng 1,25% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này cả năm 2014 là 2.232 tỉ USD. Điều tương tự cũng diễn ra ở các quốc gia là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa ký kết: xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này trong năm 2014 chỉ chiếm thị phần khoảng 1,16% - một con số khá khiêm tốn.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê trước khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với các nền kinh tế này có hiệu lực. Sau khi các FTA bắt đầu được triển khai, tỉ trọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường này được dự báo tăng nhanh. Nhưng điều này cũng chỉ ra một số vấn đề đáng suy ngẫm.
Trước hết, Việt Nam đang có một hệ thống thị trường xuất khẩu khá đa dạng với hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới, đồng thời xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này vẫn ở dưới mức tiềm năng khi chỉ đạt 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của họ. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có ưu thế về giá cả và chất lượng, nhưng lại có nhược điểm về công nghệ, năng suất và thiếu các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc xuất khẩu của Việt Nam, dù tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua (như trong năm 2015 xuất khẩu tăng 8,1%) vẫn không khỏa lấp được một thực tế rằng tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam còn có thể lớn hơn nữa. Tiềm năng đó đến từ lượng lẫn chất. 
Trước hết là về lượng, số lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam có lẽ sẽ tăng lên rất nhiều nếu như quá trình công nghiệp hóa và đầu tư sản xuất diễn ra với tốc độ cao hơn. Tính đến cuối năm 2014, vẫn có khoảng 67% dân số Việt Nam sinh sống ở các vùng nông thôn và phần lớn trong số đó vẫn thuộc diện làm nông nghiệp với năng suất và giá trị gia tăng rất thấp.
Hiện ở Việt Nam đến 46% lực lượng lao động là nông nghiệp. Điều đáng chú ý là Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng và giai đoạn này có thể kéo dài thêm khoảng 25 năm nữa. Nếu như tốc độ đầu tư sản xuất nhanh hơn, thu hút nhiều lao động từ các vùng nông thôn vào guồng máy kinh tế hướng đến xuất khẩu hơn, hẳn tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam còn tăng lên rất nhiều.
Nhưng chất lượng hàng hóa xuất khẩu mới là yếu tố mấu chốt. 
Sự cải thiện về số lượng hàng xuất khẩu phần lớn đến từ sự gia tăng chất lượng hàng hóa. Một thực tế là, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trên thế giới chỉ tăng lên sau khi các hiệp định thương mại có hiệu lực khiến các hàng rào thuế quan dần bị gỡ bỏ. Điều đó cho thấy chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam gần như ít được cải thiện để có thể vượt qua các rào cản thuế quan mà không cần các hiệp định thương mại hỗ trợ.
Kể cả khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, mức nới "room" cho hàng hóa Việt Nam cũng chỉ ở một mức độ nhất định, nếu như không có sự cải thiện về chất lượng mang tính đột phá. Nếu vẫn mãi chỉ dựa vào ưu thế về giá cả do giá nhân công rẻ, đến một lúc nào đó ưu thế này kết thúc, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng.
Câu chuyện xuất khẩu dưới mức tiềm năng cũng đang là câu chuyện của cả nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Chúng ta đang tăng trưởng với một tiềm năng rất lớn nhưng lại bị lãng phí ở nhiều khía cạnh và góc độ. 
Ở phương diện quốc gia, sự lãng phí tiềm năng đó đến từ việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế quốc gia vẫn thiếu hợp lý, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với hiệu quả và năng suất lao động thấp vẫn được đầu tư quá nhiều trong khi bộ phận năng động nhất là khối tư nhân lại ít được quan tâm và đầu tư.
Ở phương diện tài chính, các dự án đầu tư công thiếu hiệu quả, lãng phí và thất thoát vẫn tràn lan, trong khi các dự án trọng điểm và quan trọng nhất thì vẫn rơi vào tình trạng thiếu vốn. Một khi nguồn lực quốc gia được phân bổ một cách hợp lý nhất có thể, thì việc đạt được mức tăng trưởng hai con số như Trung Quốc là việc nằm trong tầm tay.
Sự lãng phí tiềm năng còn đến từ việc năng suất lao động của người Việt Nam vẫn còn quá thấp. Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thì năng suất lao động của người Việt Nam tính đến thời điểm năm 2015 thuộc diện thấp nhất châu Á, chỉ bằng 1/5 so với lao động Malaysia, 2/5 so với Thái Lan và 1/15 so với Singapore. Không phải một người Singapore có sức lao động bằng 15 người Việt Nam, mà lý do chủ yếu đến từ cách thức đào tạo và phân công lao động hiệu quả.
Ở Việt Nam, cũng theo thống kê của ILO, có tới 80% lao động phổ thông không được đào tạo và chỉ khoảng 20% lao động được đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần thuộc loại vừa và nhỏ, thiếu vốn và trình độ để có thể đào tạo lao động chất lượng cao. Xét trên khía cạnh năng suất, chính vì năng suất lao động của người Việt Nam quá thấp nên tốc độ tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Như vậy, nếu như tất cả tiềm năng to lớn đang bị lãng phí ấy được cải thiện trong năm 2016, thời điểm bản lề cho Việt Nam hội nhập sâu rộng, hẳn là tương lai nền kinh tế đất nước sẽ sáng hơn rất nhiều. 
Với từng ấy tiềm năng to lớn bị lãng phí, Việt Nam vẫn có thể đạt tốc độ gần 6,7% tăng trưởng trong năm 2015; vậy thì khi các tiềm năng ấy được sử dụng một cách hiệu quả hơn, con số tăng trưởng sẽ còn tăng lên rất nhiều lần.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, CafeF, THDT)
Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt Nam 2016: Đừng tiếp tục lãng phí tiềm năng