Vai trò của hệ tuần hoàn xanh trong vòng đời môi trường sống chiếm vị trí tối thượng. Tuy nhiên, vẫn có những “cá thể” coi thường giá trị của mẹ thiên nhiên, sẵn sàng đánh đổi các nguy cơ tiềm ẩn gây hại, chỉ để thu về sự ích kỷ cho riêng mình.
Nỗ lực phục hồi và phát triển nguồn xanh
Tại “Cuộc họp thượng đỉnh của Trái Đất”- hội thảo về môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc (được tổ chức vào năm 1992 ở Rio de Janeiro) đã chỉ ra rằng, tính đa dạng sinh học trong môi trường thiên nhiên là nguồn tài nguyên tái tạo vô giá, là động lực thúc đẩy sự tiến hóa và phát triển của hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là đời sống con người. Những giá trị cơ bản về mỹ thuật, giải trí, văn hóa - xã hội…đều xuất phát từ môi trường sống xung quanh.
Có thể lấy ví dụ về những giá trị sinh thái cơ bản và nguyên sơ ở khu du lịch Trà Sư thuộc địa phận tỉnh An Giang. Các công trình xanh giàu tính nghệ thuật được chủ đầu tư thiết kế dựa trên nguồn tài nguyên gốc của hệ sinh thái và hành động thượng tôn, tạo sợi dây liên kết tính cộng sinh giữa loài người với thiên nhiên khi triển khai thả hàng trăm tấn cá đồng vào rừng, tăng nguồn thức ăn cho các loài động vật đang cư ngụ nơi đây…đã và đang được nhà đầu tư liên tục thực hiện.
Bằng những hành động nhân văn ấy, họ đã thành công trong việc làm giàu hơn tính đa dạng sinh học cho gần 850ha của khu rừng, đạt kỳ vọng vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo tính đa dạng sinh thái mà lãnh đạo các cấp đã đặt kỳ vọng ở nhà đầu tư. Cũng chính điều này đã đem lại cho khu du lịch có số lượng lớn động vật hoang dã, chưa có chỗ nào có nhiều, đa loại chim bằng Trà Sư như bây giờ.
Những “thực khách”…
Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, kể từ khi số lượng chim về Trà Sư cư ngụ ngày một nhiều đã khích lệ sự chú ý đến giới “cò tặc”, khiến cho các đối tượng này có dịp ăn nên làm ra, săn bắt “có hiệu quả” hơn. Hàng loạt cá thể cò bị bắn chết lủng lẳng treo trên những tán cây hoặc trôi nổi dọc theo đường nước, hàng trăm trứng chim bị bắn rơi từ tổ…là những thực trạng hiện nay mà nhóm cò tặc đang từng bước tận diệt môi sinh tại rừng tràm Trà Sư.
“Nhiều đối tượng săn bắt cò vạc hiện nay đang trở nên hung hăng hơn, nhưng doanh nghiệp là chủ đầu tư vẫn chưa có đủ quyền hạn để áp chế các đối tượng này. Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn thì nguy cơ chim, cò sẽ không còn về rừng tràm nữa” - Ban Quản lý rừng tràm chia sẻ.
Càng văn minh, hiện đại con người lại càng muốn tìm đến những thú vui điền viên và thiên nhiên nguyên bản. Săn bắt và giết hại các loại chim cò chỉ là một trong những hệ quả của nhu cầu trải nghiệm cá nhân về các món ăn độc và lạ của giới “phàm ăn”, nhưng chính điều đó đã phô bày cho chúng ta thấy một lát cắt nghiêm trọng về hậu quả của những “thú vui tao nhã” ấy trong tương lai: loài người càng tiến hóa càng trở nên cô đơn và lạc lõng.
Sẽ ra sao khi có hơn 40% loài chim trên thế giới đang suy giảm tính trên từng ngày hay mỗi năm trái đất lại chứng kiến từ 1 đến 5 loài bị tuyệt chủng do săn bắt trái phép? Và có phải đó là vô tâm khi chúng ta ngồi trên bàn nhậu, miệng liên tục nhai những món “đặc sản” từ chim nhưng lại luôn bàn về vấn đề bảo vệ môi trường sinh sống của các loài động vật?
…đã đến lúc phải trả “hóa đơn”
Đáng buồn khi Việt Nam trở nên là một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động vật hoang dã trái phép trên thế giới. Chúng ta cũng đồng thời là một mắt xích quan trọng trong con đường trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới (theo Bộ NN&PTNT 2018).
Các biện pháp, luật lệ được ban hành vẫn chưa thật sự có tính răn đe đối với các đối tượng đang ngày càng trở nên liều lĩnh; sự đùn đẩy trách nhiệm của chính những người có nghĩa vụ và quyền hạn khiến cho công tác quản lý tài nguyên lâm sản liên tục bị buông lỏng; việc thực hiện công tác phòng chống nạn cò tặc theo cách “đối phó”, chưa có chiến lược cụ thể; hay những “quyền lực mềm” đã chi phối các quyết định đúng đắn và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước,…là những nguyên nhân phía đáy của tảng băng nổi, đã đẩy thực trạng buôn bán động vật trái phép lên tình trạng báo động đỏ như hiện nay.
Và có lẽ, trận đại dịch COVID-19 toàn cầu vừa qua là một trong những “hóa đơn” đắt nhất mà loài người phải thanh toán cho mẹ thiên nhiên khi một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguồn gốc của loại virus SARS-CoV-2 xuất phát từ một khu chợ chuyên buôn bán động vật hoang dã lớn nhất tại Trung Quốc.
“Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”(Sylvia Earle). Chúng ta sẽ là loài duy nhất quyết định xem liệu hình ảnh của chú robot biết yêu WALL-E một mình cô độc di chuyển trên trái đất đã lụi tàn có thực sự xuất hiện trong tương lai gần hay không.