Một bãi đất trống, một robot ép cọc, một buổi lễ ký kết và bắt đầu nhận tiền khách hàng là những gì đang diễn ra tại dự án Happy One Bình Dương.
Những ngày cuối tháng 5, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân cùng nhiều đối tác như tổng thầu xây dựng Tân Kỷ, tập đoàn quản lý và vận hành căn hộ Anabuki (Nhật Bản), nhà tiếp thị và phân phối DKRS, Vạn Xuân Land đã ký kết hợp tác.
Song song đó, hoạt động bán hàng dự án cũng diễn ra rầm rộ. Sàn DKRS làm nhiệm vụ phân phối, tiếp thị dự án. Chính bản thân Vạn Xuân Land cũng tham gia bán dự án và nhận 50 triệu đồng của khách hàng. Theo lời nhân viên sales của DKRS, giá bán dự kiến căn hộ này khoảng 29 triệu đồng/m2 và mở bán chính thức vào cuối tháng 7.2019.
Điều đáng nói, dự án chưa hề có dấu hiệu xây dựng, chưa được phép huy động vốn nhưng đã nhận tiền khách. Dự án triển khai trên diện tích đất 6.000m2 trong một con hẻm ở đại lộ Bình Dương, có quy mô 21 tầng với 11 căn shophouse và 486 căn hộ diện tích từ 34 - 69m2. Tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng, công trình sở hữu 39 tiện ích nội khu, trong đó nổi bật với 4 tiện ích chính là công viên trung tâm, đường chạy bộ tổng hợp, hồ bơi tràn bờ, quảng trường chân mây. Đặc biệt, khu căn hộ ứng dụng công nghệ mới trong việc kiểm soát an ninh, Wi-Fi miễn phí cho toàn bộ các khu vực công cộng... là những lời quảng cáo có cánh của đơn vị bán hàng.
Tại dự án Happy One chỉ xuất hiện robot ép cọc, ngoài ra không có bất kỳ dấu hiệu đã thi công nào
Trao đổi về trường hợp trên, LS Nguyễn Trung Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, như giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư cần có Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Trong quá trình thực hiện dự án nhà ở chung cư, chủ đầu tư có quyền huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở, thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy định tại điểm đ khoản 1 điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Để được huy động vốn theo phương thức này, theo LS Hiếu, chủ đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 2 điều 9 như sau: “Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại điểm e khoản này”.
Hiện cũng có nhiều dự án tại TP.HCM mặc dù chưa được khởi công xây dựng nhưng đã mở bán căn hộ dưới hình thức “đặt cọc giữ chỗ...”, đây vốn là một cách dùng chữ nghĩa để lách luật. Bản chất hành động này vẫn là một hình thức huy động vốn, LS Hiếu khẳng định.
Theo điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Như vậy, một dự án chưa khởi công hay khởi công nhưng chưa hoàn thành và được nghiệm thu phần móng mà mở bán bằng hình thức "nhận cọc giữ chỗ, đăng ký mua bất động sản, biên bản nhận cọc” là một hình thức không đúng với các quy định của pháp luật , LS Hiếu thông tin thêm.
Trên thực tế đã có khá nhiều dự án "mời" được khách hàng bỏ tiền ra lấy phiếu "ưu tiên giữ chỗ”, “đặt cọc giữ chỗ”... và mấy năm sau đó dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Tất nhiên, các chủ đầu tư đều thừa biết một dự án như thế nào mới được phát sinh giao dịch. Nhưng tại sao họ vẫn tiến hành huy động vốn khi chưa được phép, có lẽ điều này không khó để hiểu ra và trả lời, LS.Hiếu nhận định.
Hồ Đông